SJC và những đoạn đường đầu tiên
Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC dược thành lập vào năm 1988, văn phòng đầu tiên tọa lạc tại địa chỉ 442 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM. Tính đến hiện tại, doanh nghiệp này đã có 34 năm hoạt động trên thị trường. SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một Tập đoàn kinh doanh đa ngành.
Đến năm 1989, sản phẩm vàng miếng mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 9999 đã được ra mắt công chúng, trong đó gồm có miếng vàng loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng, 2 lượng. Ngoài vàng nhẫn và vàng lá cũ, Rồng Vàng SJC 9999 đã trở thành một công cụ thanh toán mới trên thị trường.
Tại Hà Nội, SJC đã mở chi nhánh đầu tiên vào năm 1993. Đến năm 1994, sản xuất lượng vàng đạt mốc 1 triệu lượng.
Trong giai đoạn từ 1995-2002, SJC đã đạt được nhiều danh hiệu quý giá trong việc thiết kế và chế tác trang sức đá quý cao cấp, đây được coi là giai đoạn tăng trưởng rõ rệt nhất của doanh nghiệp này. Tiếp đến là được nhận giải Chất lượng Việt Nam và cúp Chất lượng quốc tế tổ chức lần thứ 25 tại Paris.
Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn là đơn vị tiên phong tổ chức hội chợ Triển lãm nữ trang Việt Nam từ trước đến nay.
Để tạo ra nguồn hàng lớn, công ty đã thành lập bộ phận chuyên sản xuất nữ trang vào năm 2007. Đây cũng là cột mốc đáng chú ý khi SJC thành lập Kho ngoại quan vàng TP HCM – SJC, xúc tiến quá trình giao thương trong ngành kim hoàn. Cũng trong năm 2007, SJC lọt top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương, đổi tên thành Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn SJC.
Tháng 10/2011, bằng việc sử dụng kỹ thuật chống giả mạo, SJC đã thay đổi bao bì cho sản phẩm vàng miếng, việc này đảm bảo cho quyền lợi của người mua và uy tín thương hiệu. Đồng thời, SJC đã lọt top 4 doanh nghiệp lớn nhất trong danh sách 500 doanh nghiệp toàn ngành trên thị trường.
Một vài thành tích của SJC. Ảnh: CafeF
Năm 2013, sản xuất đạt sản lượng 20 triệu lượng vàng, thời điểm này số cửa hàng bán lẻ cũng lên đến 37 trên toàn quốc.
Các ngành kinh doanh mà doanh nghiệp này đang đưa vào hoạt động bao gồm đầu tư tài chính, địa ốc và dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành kinh doanh chính là sản xuất vàng và trang sức. Từ 2016 cho đến nay, SJC cũng tập trung sản xuất ra đa dạng các dòng sản phẩm từ đá quý, vàng, kim cương, ruby, sapphire,…
SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành Việt Nam và được coi là có danh tiếng trên một số thị trường quốc tế.
Ban lãnh đạo SJC
Theo thông tin từ trang chính thức của SJC, hiện tại bà Lê Thúy Hằng đang giữ chức vụ Tổng giám đốc của công ty. Vị trí chủ tịch HĐTV do ông Trần Văn Tịnh nắm giữ.
Ngày 5/11/2019, ông Trần Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), với thời gian giữ chức vụ này là 5 năm.
Ông Tịnh sinh năm 1965, quê quán tỉnh Quảng Ngãi. Ông có bằng Thạc sĩ Kinh tế, cử nhân Chính trị, Cao cấp Lý luận chính trị.
Ông Lê Văn Tịnh (trái) nhận quyết định.
Bà Lê Thúy Hằng chính thức đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc SJC vào tháng 12/2019. Bà Hằng sinh năm 1970, quê quán Hải Phòng, hiện tại bà cũng đang kiêm nhiệm vị trí thành viên không chuyên trách HĐTV của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC.
Về thành tích cá nhân, bà Lê Thúy Hằng cũng mang lại nhiều ấn tượng khi nắm giữ 2 tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh và thạc sĩ Tài chính ngân hàng. Bà Hằng từng học qua lớp cao cấp lý luận chính trị. Trước khi trở thành Tổng giám đốc SJC, bà từng kinh qua vị trí Phó Phó Tổng Giám đốc phụ trách và Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.
Bà Lê Thúy Hằng (giữa) trong lễ nhậm chức Tổng giám đốc SJC
Hiện tại, SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn, do UBND TP. HCM quản lý. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.