Cùng chất lượng, giá vàng miếng SJC cao hơn cả chục triệu đồng so với thương hiệu khác

Mới đây, trong phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều 8/6, đại biểu quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đã nêu lên một thực tế trên thị trường vàng Việt Nam: Cùng là vàng miếng, cùng chất lượng 24k nhưng vàng của SJC luôn cao hơn so với các loại vàng miếng khác, thậm chí chênh tới hơn 15 triệu đồng.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Việc độc quyền thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?

Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi ra đời Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (có hiệu lực từ ngày 25/5/2012) với nội dung quan trọng là Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thì SJC đã chiếm 90% thị phần vàng miếng.

Trong quá trình cân nhắc lựa chọn thương hiệu để sản xuất, đánh giá lợi ích, chi phí, NHNN nhận thấy nếu chọn một thương hiệu riêng của NHNN hoặc một thương hiệu khác SJC thì người dân sẽ chuyển đổi vàng đang chiếm 90% trên thị trường sang thương hiệu khác.

Việc này mất rất nhiều chi phí của xã hội. Chính vì vậy, sau Nghị định 24, NHNN sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công, dưới sự quản lý của NHNN.

Với thị phần tới 90%, có thể thấy trong tâm lý tiêu dùng của đa số người dân Việt Nam, vàng SJC là loại vàng bảo đảm về chất lượng, dễ thanh khoản (có thể mua bán được từ hiệu vàng nhỏ đến cửa hàng lớn) và giữ giá hơn các loại vàng 9999 khác.

Trong quá khứ, nhiều ngân hàng, công ty vàng đã sắm máy, mua khuôn dập vàng miếng nhưng cuối cùng chỉ kinh doanh được vàng miếng SJC. Từ đó, thị trường hình thành khái niệm vàng "phi SJC" để phân biệt vàng miếng SJC với thương hiệu vàng của ngân hàng ACB, Sacombank, Agribank... hay doanh nghiệp vàng như PNJ.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của “vua vàng miếng” lại ngày càng lao dốc.

Biên lợi nhuận ròng vỏn vẹn 0,1 - 0,3%

Báo cáo tài chính 2021 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cho biết, doanh thu đạt 17.689 tỷ đồng – giảm 25% so với năm 2020. Lợi nhuận gộp cũng suy giảm 49,3% chỉ còn 131 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp chỉ 0,7%.

Nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng tài chính, cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý, SJC đạt lợi nhuận ròng 55,8 tỷ đồng – tăng 29%. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận ròng của SJC vẫn chỉ vỏn vẹn 0,3%. Các năm trước, con số này cũng chỉ dao động trong khoảng 0,1 – 0,3%.

Điều đáng nói là trong suốt 1 thập kỷ nay, “vua vàng miếng” đã nằm trong tình trạng “bất động”, kinh doanh èo uột như vậy.

Năm 2011 đỉnh cao, doanh thu của SJC đạt 111.000 tỷ đồng, năm 2022 đạt 72.087 tỷ đồng. Ngay năm sau, vào năm 2013, doanh thu sụt mạnh còn 27.668 tỷ đồng và suốt các năm sau đó, doanh thu của SJC chỉ quanh quẩn trên dưới 20.000 tỷ.

sjc-1655207570.png
 

Lý do được doanh nghiệp này đưa ra chính là Nghị định 24/2012 mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc đến ở trên. Theo đó, Nghị định 24 yêu cầu khắt khe điều kiện về kinh doanh vàng miếng đã khiến phần lớn cửa hàng tư nhân trên cả nước không còn được phép kinh doanh mặt hàng này, qua đó thu hẹp đáng kể hệ thống phân phối của SJC. Ngoài ra, Nghị định 24 cũng quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. SJC theo đó phải phụ thuộc nguồn cung vàng miếng trong các đợt đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước.

SJC cho hay trong các năm 2014-2015, NHNN không tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, nên Công ty phải mua nguồn hàng trôi nổi từ khách vãng lai, với chênh lệch mua/ bán thấp (chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng/ lượng). Trong năm 2015, lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng SJC chỉ chiếm 7% lợi nhuận.

Và yếu tố ảnh hưởng mạnh đến con số lợi nhuận hàng năm của SJC lại là hoạt động tài chính. Từ nhiều năm nay, SJC đã phải trích lập dự phòng 100% vào các khoản đầu tư như CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Minh Khai (6,1 tỷ), CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn (10,2 tỷ), CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Bàn Cờ (1,3 tỷ), Công ty Liên doanh Băng từ Sài Gòn Saindes (18,5 tỷ), CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Đà Nẵng (4 tỷ) và CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Hà Nội (1,2 tỷ).

Trong đó đáng chú ý là khoản đầu tư vào Băng từ Sài Gòn Saindes – liên doanh 22 năm với SJC và gây rùm beng báo chí về chuyện chia tài sản khi giải thể.

Trong năm 2021, SJC được hoàn nhập 19,9 tỷ dự phòng từ khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Việt Á (năm ngoái dự phòng 16,6 tỷ trên khoản vốn đầu tư 123 tỷ, năm nay được hoàn nhập toàn bộ), Công ty Du lịch Thương mại Đại Cát Hoàng Long (hoàn nhập 1,4 tỷ).

SJC từng công bố bán vốn tại Ngân hàng Việt Á nhưng sau Công văn năm 2018 của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, đã dừng kế hoạch thoái vốn khỏi đây.