Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập vào năm 1988. Tính đến nay, với gần 40 năm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng bạc cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn, SJC kỳ vọng trở thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của Việt Nam.
Ngoài kinh doanh vàng và trang sức, doanh nghiệp này vẫn "kiêm nhiệm" thêm các lĩnh vực địa ốc, tài chính và dịch vụ khác.
"Có hay không lợi ích nhóm tại SJC?" là câu hỏi gần đây được đặt ra, bởi giá vàng miếng SJC chênh rất cao so với giá vàng thế giới. Đại diện Công ty SJC đã lên tiếng về vấn đề này.
SJC khẳng định không phải người thao túng hay làm giá
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi họp về công tác quản lý thị trường vàng, dưới sự chủ trì của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng và sự tham gia của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Trước đó, giá vàng miếng SJC đã có mức chênh rất cao so với giá vàng thế giới, có lúc 20 triệu đồng/lượng. Điều này đã dấy lên nhiều câu hỏi trong dư luận về việc doanh nghiệp này có đang thao túng, làm giá hay lợi ích nhóm không?
Tại buổi họp này, đại diện của SJC đã lần đầu lên tiếng phản hồi sự việc.
Theo bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty SJC, giá vàng là do cung - cầu của thị trường quyết định nên SJC không phải người thao túng hay làm giá. Ngoài ra, doanh nghiệp này không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu trong 10 năm qua, hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN.
"Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.", Bà Hằng chia sẻ.
"SJC không có lợi khi chênh lệch giá vàng"
Đó là khẳng định của bà Hằng tại buổi họp. Vị này cho biết, SJC đã được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia từ năm 2012. Kể từ đó, mọi khâu của quy trình sản xuất vàng miếng đều được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ.
Các lợi thế về kinh doanh của công ty SJC đã mất hoàn toàn từ khi giao thương hiệu vàng, và khi nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này lao dốc mạnh từ 300 tỉ - gần 400 tỉ đồng/năm tới hiện nay SJC chỉ đạt 74 - 80 tỉ/năm.
Bà Hằng cho biết giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng/lượng, nên SJC hoàn toàn không có lợi gì từ việc chênh lệch giá vàng. Để có quỹ lương cho người lao động, công ty phải hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của UBND TP HCM giao, bà Hằng nói thêm.
"Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn." - bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty SJC
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu kết thúc buổi họp rằng đối với những thắc mắc về chênh lệch giá vàng miếng SJC, có thể đưa ra khẳng định là không có doanh nghiệp nào "bỏ túi" được khoản chênh lệch này, bởi vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra.
Ngoài ra, khi việc này khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông, các cơ quan quản lý cũng đã có các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.