giai-dap-thac-mac-thuong-gap-khi-vay-tieu-dung-tai-shb-finance-1629979537.jpg
Ảnh minh họa.

Ngân hàng SHB vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Cụ thể,  SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. 

Trong văn bản xin ý kiến cổ đông, Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri) cho biết sẽ chi hơn 3.590,3 tỷ đồng (tương đương khoảng 155,77 triệu USD) để mua lại 100% vốn SHB Finance. 

Việc thanh toán sẽ được chia thành 2 đợt. Cụ thể, Krungsri sẽ thanh toán 1.573,4 tỷ đồng và nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance trong đợt 1. Đến đợt 2, Krungsri sẽ thanh toán phần tiền còn lại là 2.016,9 tỷ đồng sau 3 năm khi kết thúc đợt 1, đồng thời nhận chuyển nhượng 50% phần vốn còn lại của SHB Finance.

Theo Krungsri, mục đích nhận chuyển nhượng SHB Finance là để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị này ở bên ngoài Thái Lan, tăng lợi thế về cạnh tranh và mở rộng tệp khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng này hiện có 23 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, dịch vụ, công nghệ thông tin. 

Về phía SHB, ngân hàng này không công bố chi tiết giá trị thương vụ và các điều khoản liên quan. Song, SHB khẳng định việc chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của nhà băng này.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, lợi nhuận từ việc bán 100% vốn tại công ty con sẽ được hạch toán trực tiếp vào khoản mục thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần. Tuy nhiên, do SHB bán cổ phần SHB Finance theo hai đợt nên việc hạch toán lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào tiến độ chuyển nhượng và phương án hạch toán của ngân hàng này.

Hiện, SHB Finance có vốn điều lệ là 1.000 tỷ do SHB sở hữu 100%. Như vậy, số tiền mà SHB thu về sẽ gấp 3,6 lần lượng vốn rót vào SHB Finance, tức chênh lệch gần 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận mà ngân hàng được phép ghi nhận sẽ được tính theo giá trị hợp lý của số vốn trên và chắc chắn sẽ thấp hơn con số 2.600 tỷ.

Tham chiếu với thương vụ Techcombank bán 100% vốn tại Techcombank Finance vào năm 2018. Thông tin khi đó cho biết, giá chuyển nhượng của thương vụ này lên tới 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng, cao hơn 1.134 tỷ đồng so với vốn điều lệ của TechcomFinance (600 tỷ đồng). Sau đó, Techcombank ghi nhận 894 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại TechcomFinance vào quý I/2018 ngay khi hoàn tất việc chuyển nhượng vốn cho đối tác.

z2712972939958-7fa591c83e205199c93f3c5aceef7837-1629979415.jpg
Techcombank hạch toán khoản thu từ việc bán 100% vốn tại Techcombank Finance vào năm 2018. 

Tháng 4 vừa qua, VPBank cũng đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính SMBC và Chứng khoán Bản Việt. Thương vụ này dự kiến đem về cho ngân hàng khoảng 1,4 tỷ USD.

Đến cuối quý II, VPBank vẫn chưa hạch toán số tiền bán 49% cổ phần tại FE Credit vào báo cáo tài chính. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết 90% lượng tiền thu về từ bán vốn tại FE Credit sẽ được ghi nhận trong năm 2021, 10% còn lại tiếp tục nhận về trong năm tới.

Theo SSI Research, nếu như khả năng kiểm soát của VPBank đối với FE Credit vẫn được duy trì (nắm giữ từ 51% cổ phần), lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên Báo cáo kết quả kinh doanh, mà sẽ được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên Bảng cân đối kế toán.