Thời gian gần đây, cái tên HIUP - dòng sản phẩm sữa từng được biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo quảng bá bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý khi bị “gọi tên” trong các tranh luận liên quan đến quảng cáo gây hiểu nhầm và những lùm xùm xoay quanh thị trường sữa bột giả.
Theo thông báo chính thức ngày 15/4, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam là đơn vị sở hữu bản quyền và chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm HIUP. Doanh nghiệp này thừa nhận một số nội dung truyền thông trước đó có thể gây hiểu sai, tuy nhiên khẳng định không có bất kỳ liên quan nào tới đường dây gần 600 loại sữa giả đang bị Bộ Công an điều tra.

Chủ doanh nghiệp Alama là ai?
Theo dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Alama Việt Nam được thành lập vào tháng 5/2020, có trụ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Lĩnh vực hoạt động chính của công ty bao gồm bán buôn thực phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa.
Người đứng đầu công ty là ông Trần Xuân Chiến sinh năm 1996, quê Thái Bình, hiện giữ vai trò giám đốc, người đại diện pháp luật kiêm chủ sở hữu doanh nghiệp. Khi mới thành lập, Alama có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, sau đó nâng lên 5 tỷ đồng vào tháng 7/2023.
Ông Chiến cho biết, sản phẩm HIUP được xây dựng trên cơ sở tài liệu khoa học uy tín, có sự tư vấn từ các đối tác chuyên môn trong ngành dinh dưỡng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc truyền thông trước đó từng “thiếu rõ ràng”, khiến người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng việc sử dụng sản phẩm chắc chắn sẽ giúp tăng chiều cao như mong đợi.
Không liên quan vụ gần 600 loại sữa bột giả
Giữa lúc thị trường chấn động vì vụ phát hiện gần 600 loại sữa bột giả, Alama cũng bị “vạ lây” khi một số cá nhân lan truyền thông tin sai lệch, ám chỉ mối liên hệ với đường dây này. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định: “Alama và sản phẩm HIUP hoàn toàn không liên quan đến các tổ chức, cá nhân sản xuất - buôn bán sữa giả hiện đang bị điều tra.”

Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà - hai người bị cáo buộc là chủ mưu trong việc thành lập các công ty trá hình như Rance Pharma và Hacofood Group để sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn.
Người nổi tiếng và trách nhiệm quảng cáo đúng sự thật
Sau khi vụ việc sữa giả bị phanh phui, làn sóng tranh cãi nổ ra xoay quanh vai trò của người nổi tiếng trong việc quảng bá thực phẩm. Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo – những gương mặt từng quảng cáo cho HIUP - bị nhắc tên giữa các nghi vấn về tính minh bạch trong truyền thông sản phẩm.
Phản hồi thông tin, Cục An toàn thực phẩm cũng đã lên tiếng, cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bởi người nổi tiếng. Cơ quan này sau đó đã gửi văn bản đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cũng như Cục Văn hóa cơ sở, nhằm phối hợp chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực này.