Khi nhu cầu dinh dưỡng đặc thù cần thiết cho người mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là tiểu đường ngày càng được quan tâm trong ngành y học và dinh dưỡng. Sữa bột dành cho người tiểu đường bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ khoảng cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990 bởi các hãng sữa lớn trên thế giới như Abbott (với sản phẩm Glucerna), Nestlé (với sản phẩm Nutren Diabetes).
Mục đích chính của sữa bột dành cho người tiểu đường nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiểu đường, với nguy cơ tăng đường huyết là thấp nhất (dựa trên việc sử dụng ít hoặc không chứa đường đơn, thay vào đó là carbohydrate phức tạp, hấp thu chậm và chất xơ hòa tan). Cho đến nay, mặc dù có rất nhiều sản phẩm “sữa tiểu đường” trên thế giới nhưng mục đích chính của nó vẫn dừng lại ở mức độ là “hỗ trợ” bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường chứ không hề được sử dụng để “điều trị bệnh tiểu đường”.

Tuy nhiên, một thực trạng nhức nhối ở Việt Nam trong suốt thời gian qua đó là sữa tiểu đường “bị” những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật để đưa nó lên như phương thuốc để điều trị bệnh, làm cho người dân bị nhầm tưởng rằng hễ người bị tiểu đường là cần phải mua nó để xài thì mới sống được! Bài viết này giúp phân tích để các bạn hiểu rõ những lời quảng cáo đó sai chỗ nào và chúng nguy hiểm ra sao.
Những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh truyền hình cũng như quảng cáo sữa tiểu đường có thể kể ra như Quyền Linh, Cát Tường, Minh Đạt, và nhiều người nổi tiếng khác nữa…
Quyền Linh và Cát Tường, đứng ra quảng cáo cho sữa “DiaSure” nhắm đến đối tượng người bệnh tiểu đường tuyên bố rằng: “Những ai bị tiểu đường tuýp 1, tuýp 2,mới mắc hay mắc lâu năm đang tìm kiếm dòng sản phẩm giúp cải thiện triệu chứng tiểu đường, ngừa biến chứng tiểu đường,… thì sản phẩm này hỗ trợ hạ và kiểm soát đường huyết rất tốt!”. Đây là lối quảng cáo bán hàng “tham lam” và “nguy hiểm” vì cố gom càng nhiều khách càng tốt mà không cần biết là mỗi loại tình trạng bệnh có cơ chế khác nhau. Bệnh tiểu đường có nhiều loại tuýp 1, tuýp 2, tiểu đường thai kỳ, tiền tiểu đường, v.v.. mỗi loại cần quan tâm, điều trị khác nhau và tùy vào mức độ nặng nhẹ mà có cần dùng thêm “thuốc” để hỗ trợ hay không (nhấn mạnh là “thuốc” chứ không phải tpcn hay sữa nha mọi người!). Hầu hết người bệnh tiểu đường có thể tự kiểm soát lượng đường của mình nhờ vào chế độ ăn uống phù hợp, giảm cân nặng, tập thể dục, riêng đối với người bệnh tiểu đường tuýp 1 cần phải bổ sung insulin mỗi ngày.
Trong một đoạn quảng cáo, Quyền Linh còn “hù” bà con rằng “Người bệnh tiểu đường tránh ăn đường, tránh ăn tinh bột, tránh ăn rất nhiều thứ… nếu không đường huyết sẽ tăng, sẽ gây ra biến chứng rất nguy hiểm… nên vậy phải ăn kiêng khem, mà càng kiêng khem thì sức khỏe càng yếu vì không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến đuối sức, không làm được gì hết, v.v…” -> kết cuộc lại là vì thế nên cần dùng sản phẩm sữa Diasure anh đang quảng cáo. Nghe cách Quyền Linh “lý luận”, bà con có kiến thức phổ thông sẽ gật gù mà tưởng rằng đúng và logic nhưng thực chất đã sai cơ bản. Thực tế rằng người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn đường, ăn tinh bột và sống khỏe (chứ không phải yếu và đuối sức) vì đó là những “nguồn năng lượng quan trọng” mà cơ thể chúng ta cần để hoạt động, chỉ là “không ăn dư” và cần “ăn điều độ”. Hiệp hội tiểu đường của Hoa Kỳ (The American Diabetes Association, gọi tắt là ADA) khuyên người bệnh tiểu đường sử dụng phần ăn được chia ra làm 3 phần:
- 50% là rau, củ: Các loại rau không chứa tinh bột có hàm lượng carbohydrate thấp, vì vậy chúng không làm tăng lượng đường trong máu nhiều. Ngoài ra, chúng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, khiến chúng trở thành một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Các loại rau củ được gợi ý sử dụng là: măng tây, bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải Brussels, bắp cải xanh, cà rốt, rau cần tây, dưa leo, cà tím, nấm, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu tuyết, ớt chuông, ớt cay, các loại rau xà lách, rau diếp, rau bina, cà chua,…
- 25% là protein: Thực phẩm giàu protein như cá, thịt gà, thịt bò nạc, các sản phẩm từ đậu nành và pho mát đều được coi là “thực phẩm giàu protein”.
- 25% là thực phẩm chứa nhiều carbohydrate: bao gồm ngũ cốc, rau củ có tinh bột, các loại đậu, trái cây, sữa chua và sữa. Các nguồn carbohydrate được gợi ý là: các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, bắp bung (popcorn), quinoa, bánh mì, mì ống; Các loại rau có tinh bột như bí đỏ, bí đỏ, đậu xanh, củ cải vàng, chuối, khoai tây, bí ngô và khoai lang/khoai mỡ; Các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, đậu pinto và đậu garbanzo (Chickpeas).
Cát Tường đã từng khẳng định “sử dụng sữa DiaSure 10 ngày sẽ đỡ hẳn tiểu đêm, 20 ngày hết tê bì chân tay, 40 ngày tiểu đường giảm về “6 phẩy”, sau 2 tháng sẽ không còn lo bất kỳ biến chứng”. Minh Đạt quảng cáo cho sữa tiểu đường Gluzabet cũng có tuyên bố hùng hồn không kém về “liệu trình điều trị mơ ước của người tiểu đường” trong video bán hàng của mình rằng “chỉ sau 10 ngày sử dụng sẽ giảm hẳn các triệu chứng mờ mắt, tê bì chân tay, tiểu đêm,... 20 ngày là đường huyết ổn định, 1 tháng rưỡi là sức khỏe trở lại bình thường ăn ngon, ngủ ngon, đường huyết duy trì ở mức ổn định,...”. Đây chỉ là những lời nói dối “trắng trợn” vì chẳng có thành phần nào trong sữa này có thể điều trị người bệnh tiểu đường được như vậy. Nếu tình trạng tiểu đường của bạn đã có biến chứng biểu hiện rõ như mờ mắt, tê bì chân tay mà vẫn đâm đầu nghe những quảng cáo như thế này mà làm theo thì sẽ bệnh tình có thể sẽ trầm trọng hơn và khó cứu chữa khi những biến chứng này sang giai đoạn nghiêm trọng hơn như mù mắt hoặc hoại tử chi!
Trong quảng cáo, Quyền Linh còn tuyên bố rằng “Linh uống để phòng ngừa bệnh tiểu đường”! Nhưng thật sự thì không một công bố khoa học nào cho thấy rằng những thành phần trong sữa này có khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường! Đặc biệt, đối với bệnh tiểu đường tuýp 1, do hệ miễn dịch rối loạn dẫn đến hiện tượng tự miễn tiêu diệt tế bào tụy sản sinh insulin, thì thậm chí các nhà khoa học còn không biết làm cách nào có thể phòng ngừa!
Bất ngờ này đến bất ngờ khác, báo Tuổi Trẻ đã điều tra một trường hợp là họ còn mướn “diễn viên” (Nguyễn Văn Chương) để giả làm người bệnh tiểu đường lâm vào hoàn cảnh đầy bi đát ở giai đoạn biến chứng nặng, nằm liệt giường và nguy cơ liệt nửa người. Vậy là chú xài sữa DiaSure 2 tháng xong khỏi bệnh hẳn… Đến khi phóng viên tìm đến nhà thì chú cười hehe nói “tất cả chỉ là diễn hết đó, không cái nào thật cả”!!
Qua việc này mình muốn gửi đến lời cảnh báo cho người dân phải tỉnh táo khi nghe “người nổi tiếng” quảng cáo, đặc biệt là họ có “khiếu diễn”. Họ có thể nhập vào hàng trăm vai diễn mà bạn không ngờ tới! Và họ cũng chẳng thèm quan tâm đến thiệt hại về sức khỏe (thậm chí tử vong) nếu bạn phải gánh chịu đâu, và họ thường chỉ “xin lỗi” khi bị “bắt lỗi”...
Bảo trọng nhe bà con,
-------------------------
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Thông tin tham khảo:
https://www.cdc.gov/diabetes/about/