Mới đây, một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư lên tới 2,4 tỷ USD do một doanh nghiệp thuần Việt đề xuất tại tỉnh Bình Thuận đã khiến nhiều người chú ý. Cụ thể, Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex đề nghị thực hiện tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) với quy mô sử dụng đất khoảng 900ha. Tổ hợp này bao gồm các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch (tỷ trọng đất du lịch chiếm hơn 31%), dự án có tổng vốn đầu tư (đã gồm vốn vay) khoảng 57.640 tỷ đồng.
Theo nhà đầu tư, cơ cấu nguồn vốn dự án gồm: khoảng 8.740 tỷ đồng là vốn tự có, khoảng 10.480 tỷ đồng là vốn vay và khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn huy động khách hàng (chiếm 67% tổng mức đầu tư). Dự kiến tiến độ dự án thực hiện trọng 7 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư.
Được biết, khu đất đề xuất thực hiện dự án có phần chồng lấn với ranh giới quy hoạch khoáng sản Titan (theo Quyết định 1546 năm 2013 của Thủ tướng). Vietracimex cho rằng, những năm qua việc khai thác titan thực tế không đem lại hiệu quả như mong đợi và tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản Titan.
Đề xuất đang được tỉnh Bình Thuận xem xét.
Đáng chú ý, Vietracimex - với Chủ tịch HĐQT là ông Võ Nhật Thăng - là doanh nghiệp đụng đến dự án nào cũng có lùm xùm sai phạm, nhưng vẫn liên tục tiến quân vào những dự án thuộc hàng “khủng” ở Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm khiến DN nhà nước cổ phần hóa lọt vào tay tư nhân, nhưng Chủ tịch không bị xử lý
Vietracimex là doanh nghiệp có tuổi đời tới 50 năm, thuộc lứa tổng công ty nhà nước trong cả nước đầu tiên được lựa chọn để thí điểm cổ phần hóa vào năm 2004. Quá trình cổ phần hóa Vietracimex được Bộ GTVT dành sự quan tâm đặc biệt để "dò đá mở đường", lấy kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong ngành.
Vào năm 2016, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietracimex. Theo đó, ông Võ Nhật Thăng, người đại diện phần vốn Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/200; chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ-con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp.
Qua nhiều lần tăng vốn liên tiếp sau sự kiện đại hội đồng cổ đông trái pháp luật nói trên, tại thời điểm ngày 31/12/2013, ông Võ Nhật Thăng có góp vốn tại Vietracimex trên 5.164,8 tỷ đồng (theo chứng nhận đăng ký kinh doanh), chiếm 93,37% vốn điều lệ tổng công ty này.
Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cán bộ cơ quan có liên quan của Bộ trong thời kỳ từ 2005 đến 2006. Với sai phạm này, sau cổ phần hóa, một tổng công ty của nhà nước đã dễ dàng lọt vào tay của cá nhân ông Võ Nhật Thăng.
Tuy nhiên hơn 1 năm sau đó, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết các cơ quan tố tụng đã không tiếp tục xem xét xử lý hình sự sai phạm của cá nhân ông Võ Nhật Thăng do hành vi cố ý làm trái chưa chứng minh được hậu quả.
Hàng loạt dự án đều lùm xùm
Hiện nay, Vietracimex đang kinh doanh đa ngành với các ngành chủ chốt là năng lượng, công nghiệp và bất động sản. Vốn điều lệ của công ty này hiện tại là 8.510 tỷ đồng.
Cụ thể, ở mảng năng lượng, công ty này sở hữu loạt dự án: thủy điện Tà Tháng (60MW tại Lào Cai), thủy điện Bắc Mê (45MW, Hà Giang), thủy điện Mỹ Lý (180MW) và Nậm Mô 1 (90MW) tại Nghệ An.
Về năng lượng tái tạo, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án điện mặt trời 250MW (Hồng Phòng 1A và 1B), điện gió Hòa Thắng 100MW tại Bình Thuận (riêng dự án này cũng gặp vấn đề chồng lấn diện tích khá lớn với dự án titan Hồng Thắng 2 tại huyện Bắc Bình), 2 dự án điện gió 400MW tại Cà Mau và Sóc Trăng. Ở mảng công nghiệp, Vietracimex đang sở hữu nhà máy Bột – giấy công suất 350.000 tấn/năm tại khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).
Ở mảng bất động sản, Vietracimex gắn liền thương hiệu với khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (tại Hà Nội), Hinode city (201 Minh Khai), Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (khoảng 45ha, dự kiến thực hiện từ 2018 đến hết 2020), các dự án tổ hợp văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự sân golf tại Hà Nội và TP.HCM trị giá hàng nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên, dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại Hinode City) trong quá trình thực hiện đã tồn tại nhiều vi phạm.
Dự án khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch trình làng từ năm 2008 với kỳ vọng trở thành khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, dự án đã bỏ hoang hơn một thập kỷ, bị “tố” xâm phạm Di chỉ Vườn Chuối, doanh nghiệp nợ thuế khủng…
Vietracimex cũng nổi tiếng với trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đầy tai tiếng khi đặt ngay tại vị trí cửa ngõ Thủ đô nhưng lại thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên (cách đó hàng chục km). Nhiều người dân không đi đường tránh Vĩnh Yên những vẫn phải trả phí.
Lần giở lại năm 2014, khi tai nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng xảy ra khiến cho 12 công nhân bị mắc kẹt suốt 82 giờ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng ba bộ trưởng lẫn bí thư, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đều có mặt tại hiện trường để điều hành công tác cứu người, nhưng lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư - tức ông Võ Nhật Thăng của công ty Vietracimex - đi công tác nước ngoài là rất thiếu trách nhiệm, đáng phê phán.
Vào năm 2020, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị các cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II của Vietracimex. Đây là dự án điện than, công suất dự kiến 1.200 MW, tổng mức đầu tư gần 63.300 tỷ đồng.
Để thực hiện, Vietracimex muốn hợp tác chiến lược cùng China Gezhouba Group International Engineering Co., Ltd. (CGGC), một trong những nhà thầu lớn nhất Trung Quốc.
Theo phương án của họ, tại Nhiệt điện Long Phú II, Vietracimex sẽ góp 60% vốn, phía CGGC góp 40% còn lại. Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán của Vietracimex ghi nhận mức vốn chủ sở hữu 7.335 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Tài sản dài hạn 20.197 tỷ đồng, nợ dài hạn 17.072 tỷ đồng và khả năng đầu tư dài hạn 4.210 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn).
Điều này khiến bên thẩm định cho rằng chủ đầu tư chưa đủ khả năng góp vốn theo cam kết để thực hiện Nhiệt điện Long Phú II.
Vietracimex còn đang có kế hoạch liên doanh với Marubeni (Nhật Bản) đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (đã được Chính phủ chấp thuận theo hình thức tự đầu tư). Đây cũng là một dự án lớn với tổng mức đầu tư sơ bộ 30.560 tỷ đồng, công suất 1.050 MW, sử dụng nguyên liệu LNG. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhiệt điện Ô Môn II không đảm bảo hiệu quả tự thân, hiệu quả dự án chỉ đảm bảo khi nhận được các hỗ trợ của Chính phủ.
Như vậy, ngay cả các cơ quan chức năng cũng cho rằng Vietracimex đang ôm vào các dự án năng lượng quá lớn so với năng lực hiện tại, cho dù có sự góp mặt của hai đối tác tầm cỡ Châu Á là CGGC và Marubeni.
Đổi tên, phát hành trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng
Cho đến năm 2020, Vietracimex bỗng đổi tên thành WTO. Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch bỏ hoang được đổi tên thành Hinode Royal Park được chạy quảng cáo tấp nập là “siêu dự án hồi sinh”.
WTO - Vietracimex cũng tận dụng sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu để huy động vốn cho các dự án năng lượng của mình. Cụ thể, trong giai đoạn từ cuối 2018 đến 2021, DN này đã huy động được 5.579 tỷ đồng trái phiếu.
Từ tháng 5-12/2021, Vietracimex đã huy động được 2.179 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn được đổ vào 2 dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A và 1B.
Trước đó, trong vòng 2 năm (từ đầu tháng 12/2018 đến cuối 2020), Vietracimex cũng đã huy động thành công 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu; trong đó từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, doanh nghiệp phát hành 4 đợt trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh pháp nhân lõi Vietracimex, các thành viên của tập đoàn này cũng rất tích cực trên thị trường trái phiếu.
Từ ngày 31/8 - 30/11/2021, CTCP Năng lượng Hòa Thắng đã phát hành thành công 880 tỷ đồng trái phiếu - kỳ hạn 12 năm 4 tháng. Đây là đợt phát hành thứ nhất trong kế hoạch phát hành 2 đợt trái phiếu nhằm huy động 1.880 tỷ đồng của Hòa Thắng để đầu tư vào dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận.
Cuối năm 2019 Hòa Thắng phát hành lô trái phiếu trị giá 220 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn lên tới 14 năm, lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm.
Về phần mình, trong giai đoạn từ 2019 - 2021, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 cũng đã huy động thành công 4.150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.
Đáng chú ý, tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu đều là quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.