Mới đây, theo báo cáo của CTCK Thành Công, CTCP Đường Quảng Ngãi đang lọt vào tầm ngắm của ông lớn  công ty sữa NutiFood của vợ chồng ‘bầu Hải’.

Theo đó, NutiFood và VinaCapital nắm 16%. Có vẻ việc NutiFood đang nhòm ngó tới Đường Quảng Ngãi là sự thật.

Vì, tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Đường Quảng Ngãi diễn ra tháng 4/2021, đã chứng kiến một động thái chưa từng có tiền lệ doanh nghiệp này. Lần đầu tiên, ĐHCĐ QNS bầu ra thành viên HĐQT là người ngoài công ty. Vị này, theo CTCP Chứng khoán SSI (SSI), là đại diện cho nhà đầu tư liên quan đến nhóm NutiFood.

Cụ thể: tân thành viên HĐQT QNS mà SSI đề cập, nhiều khả năng là ông Nguyễn Văn Đông (SN 1979) – người đã nhận được sự uỷ quyền của các cổ đông nắm giữ tới 29,35 triệu cổ phần, tương đương 8,22% vốn điều lệ QNS.

Ông Nguyễn Văn Đông là nhân sự kỳ cựu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A với gần 9 năm làm Trưởng phòng Tư vấn Mua bán và sáp nhập tại đây. Ít tuần trước khi được bầu vào HĐQT QNS nhiệm kỳ 2021 – 2025, VDS đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Đông làm CEO.

Chúng ta có thể thấy, với khoản đầu tư chỉ 4,5 tỷ đồng (tính đến 30/6/2021), VDS không nắm giữ quá nhiều cổ phiếu QNS, tỷ lệ sở hữu cũng rất khiêm tốn so với số lượng cổ phần mà ông Nguyễn Văn Đông đại diện.

Nên biết, VDS từng là đơn vị tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (Mã CK: CPA) – thành viên của NutiFood, niêm yết trên sàn UpCoM vào năm 2019.

Vậy vì sao NutiFood lại nhòm ngó đến Đường Quảng Ngãi?

Ban đầu là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành đường, nhưng từ lâu, Đường Quảng Ngãi đã trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun). Trong đó, mảng kinh doanh nổi bật và vẫn duy trì được sức nặng cho đến bây giờ chính là sữa đậu nành.

Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy, tiền thân là nhà máy sữa Trường Xuân, thuộc Đường Quảng Ngãi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2005 và nhanh chóng trở thành "gà đẻ trứng vàng" của doanh nghiệp này. Chỉ 5 năm sau khi rẽ hướng hoạt động, tới năm 2010, Vinasoy đã vươn lên vị thế dẫn đầu, trở thành ông hoàng trên thị trường sữa đậu nành Việt.

Theo báo cáo phân tích của CTCK Thành Công, thứ hạng này vẫn vô cùng vững chắc, khi với 86% thị phần, Đường Quảng Ngãi vẫn đang thống lĩnh thị trường sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam. Trong khi đó, 2 đối thủ chính là Vinamilk và NutiFood, mỗi bên chỉ giành được cho mình vỏn vẹn 5%.

Trong giai đoạn 2015-2018, doanh thu của sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột cho Đường Quảng Ngãi, chiếm trung bình 50% doanh thu và trong 2 năm gần đây là xấp xỉ 60%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, tổng doanh thu của công ty này là 6.490 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm 2019, tuy vậy doanh thu từ sữa đậu nành đạt mức 3.875 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 4%.

Về phần NutiFood, cũng như các doanh nghiệp sữa Việt Nam khác, họ vẫn đang tìm nhiều đường khác nhau để tiếp tục tăng trưởng, khi thị trường sữa bò nội địa đang gần đến giai đoạn bão hòa. Hai hướng đi được NutiFood chọn lựa là đa dạng mảng kinh doanh khi nhảy sang mảng cà phê và đa dạng hóa sản phẩm ngàng sữa – đặt trọng tâm vào sữa đậu nành.

Ở mảng cà phê, họ đã gặp khá nhiều trắc trở với mảng cà phê hòa tan do đi sau và chưa có nhiều kinh nghiệm, mặc dù chất lượng sản phẩm được đánh giá cao. Thế nên, có thể NutiFood muốn tìm con đường khác – như M&A để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường sữa đậu nành nội địa.

Dù chỉ chiếm 5% thị trường Việt Nam, song sữa đậu nành của NutiFood xuất khẩu khá tốt. Vào tháng 10/2020, NutiFood là thương hiệu sữa Việt đầu tiên có mặt trên kệ hàng của Walmart – hệ thống đại siêu thị Mỹ nổi tiếng thế giới, khi nó chính thức được mở bán trên kệ Walmart tại thị trường Trung Quốc. NutiFood còn có vùng trồng nậu nành – đậu tương ở Gia Lai.