Khi mới khởi nghiệp, hẳn ai cũng từng tự hỏi: “Nhìn các doanh nghiệp lớn thành công với quy trình bài bản như vậy, liệu mình có nên làm bài bản ngay từ đầu không?”
Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, không ai giống ai. Nhưng với mình, câu trả lời là: “Nên làm bài bản ngay từ đầu”.
Không phải để màu mè hay tốn kém, mà để tiết kiệm thời gian và tiền bạc về lâu dài, tránh phải “đập đi xây lại” khi muốn phát triển. Làm bài bản, nhưng làm theo cách hợp lý, tinh gọn và phù hợp với nguồn lực hiện tại.
Khởi nghiệp đã đủ mệt, đừng tự làm khó mình, nhưng cũng đừng bỏ qua những nền tảng quan trọng ngay từ khi bắt đầu.
Đầu tiên - Ngồi xuống, nhìn lại thị trường và sản phẩm
Khởi nghiệp không nên vội. Trước khi bắt tay làm sản phẩm, hãy ngồi xuống và trả lời một cách trung thực: Thị trường đang ra sao? Mình đang có gì trong tay? Và khách hàng thật sự cần gì?
Bước 1: Dành thời gian đi khảo sát thị trường.
Trước khi ra mắt sản phẩm, hãy dành thời gian “đi thực địa”. Ghé các siêu thị, cửa hàng để xem có ai đang bán sản phẩm tương tự chưa, họ bán với trọng lượng nào, mức giá ra sao, chất lượng thế nào, thương hiệu của họ có mạnh không. Những dữ liệu này giúp bạn hiểu rõ sân chơi bạn sắp bước vào.
Bước 2: Đánh giá năng lực của bản thân.
Tiếp theo, hãy nhìn lại nguồn lực và lợi thế của chính mình: bạn có gì để cạnh tranh với đối thủ? Vốn, kinh nghiệm, mối quan hệ, hay vùng nguyên liệu? Đừng vội vàng nếu bạn chưa thật sự nắm rõ mình mạnh ở điểm nào.
Bước 3: Đánh giá nhu cầu tiềm năng của thị trường
Hãy quan sát xem trên thị trường đã có ai bán sản phẩm tương tự chưa, họ đang bán với trọng lượng và mức giá thế nào, chất lượng ra sao, thương hiệu của họ có mạnh không. Việc này sẽ giúp bạn biết mình sắp bước vào “cuộc chơi” như thế nào, tránh làm ra một sản phẩm mà thị trường đã bão hòa hoặc khó cạnh tranh.
Khi đã có đủ thông tin ở cả 3 mảng, hãy ngồi lại phân tích thật kỹ. Nếu thấy mình có khả năng cạnh tranh, khi đó mới nên bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường.
Điều thứ 2 – Chuẩn chỉnh giấy tờ ngay từ đầu.
Ở các công ty lớn, họ luôn có phòng kế toán riêng, với nhiệm vụ, chức năng, hạch toán rõ ràng. Nhưng với nhiều startup, mình thấy khâu này thường bị xem nhẹ nhất. Nhiều bạn sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho sản phẩm, truyền thông, bán hàng… nhưng riêng chuyện sổ sách, hạch toán thì lại bỏ qua hoặc làm qua loa.
Hậu quả là bạn không biết rõ công ty đang lời hay lỗ. Vì khi không kê khai đủ chi phí, kể cả lương của chính bạn và đội ngũ sáng lập, nhìn qua thì tưởng đang có lời, nhưng nếu tính đúng, có khi đang lỗ mà không hay.
Giải pháp đơn giản:
Thuê dịch vụ kế toán ngoài. Vừa tiết kiệm thời gian, chi phí hợp lý, vừa giúp bạn tập trung phát triển sản phẩm, bán hàng mà vẫn kiểm soát được dòng tiền và hiểu rõ sức khỏe tài chính của công ty ngay từ đầu.
Điều thứ 3 - Định giá sản phẩm.
Khi định giá sản phẩm, bạn cần đưa đầy đủ các chi phí thực tế vào sổ sách. Tuy nhiên, với một công ty mới khởi nghiệp, doanh số còn ít hoặc chưa có, vậy làm sao định giá sản phẩm phù hợp?
Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu tối thiểu, tức là cần bán được bao nhiêu sản phẩm hoặc đạt mức doanh thu nào để hòa vốn tại thời điểm đó (không tính lũy kế). Từ điểm hòa vốn này, bạn tính giá bán sản phẩm sao cho phù hợp. Giai đoạn đầu, gần như chắc chắn bạn sẽ lỗ, vì vậy bạn cần tiết kiệm tối đa và chuẩn bị đủ vốn để tồn tại cho đến khi đạt điểm hòa vốn. Nếu bạn định giá quá cao, sản phẩm khó bán số lượng lớn. Ngược lại, nếu định giá quá thấp, bán càng nhiều bạn càng lỗ sâu hơn. Hãy nhớ, việc tăng giá sau này rất khó, đặc biệt nếu bạn bán vào hệ thống siêu thị.
Một yếu tố quan trọng khác là giảm chi phí cố định đến mức thấp nhất, đồng thời chuyển phần lớn chi phí sang dạng biến động theo doanh số.
Nếu bạn tự sản xuất khi vốn còn hạn chế và chưa chắc chắn về sản phẩm, công ty sẽ dễ rơi vào thế khó. Trong ngành thực phẩm, nhiều khi bạn dự định bán sản phẩm A, nhưng ra thị trường, A không được đón nhận như kỳ vọng. Thị trường thay đổi, bạn nảy ra ý tưởng sản phẩm B tiềm năng hơn, nhưng khi đã đầu tư máy móc để sản xuất A, việc xoay chuyển sẽ rất khó khăn, tốn kém.
Vì vậy, mình khuyến nghị nên thuê gia công giai đoạn đầu (trừ khi bạn đã có kinh nghiệm và tiềm lực sản xuất). Cách này giúp bạn tối thiểu hóa chi phí cố định, tạo sự linh hoạt, tập trung vào kiểm soát chất lượng sản phẩm và phát triển hệ thống bán hàng.
Bên cạnh đó, bạn nên thuê dịch vụ kho bãi và vận chuyển bên ngoài. Bán được nhiều, chi phí tăng; bán được ít, chi phí giảm. Còn nếu bạn tự thuê kho hoặc tự vận chuyển, các khoản này sẽ trở thành chi phí cố định, tạo gánh nặng không cần thiết.
Về sản phẩm, hầu hết các bạn khởi nghiệp đều hiểu rõ chất lượng là yếu tố sống còn, nên mình không cần nhấn mạnh thêm, chắc chắn phải làm bài bản từ đầu.
Tuy nhiên, bao bì cũng quan trọng không kém, vì bao bì chính là “người bán hàng thầm lặng” cho bạn, nhất là khi bạn chưa có ngân sách marketing lớn. Hãy lựa chọn bao bì đơn giản, đẹp, màu sắc đồng bộ với thương hiệu, dễ nhận diện khi nằm trên kệ hàng. Nên ưu tiên loại bao bì tiện lợi, phù hợp nhiều sản phẩm để quản lý tồn kho dễ dàng.
Về đóng gói, hãy dựa trên nhu cầu và sự tiện lợi cho khách hàng. Không nên chọn đóng gói trọng lượng lớn để tiết kiệm chi phí hoặc giảm giá thành, nhất là khi thương hiệu còn mới, vì khách hàng thường muốn thử trước với trọng lượng nhỏ, mức giá mềm hơn.
Điều thứ 4 – Bán hàng và xây thương hiệu
Nhiều bạn khởi nghiệp vẫn băn khoăn: Nên xây thương hiệu trước hay tập trung bán hàng trước?
Thực tế, bán hàng để duy trì và phát triển kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể bắt đầu từ các kênh online, sau đó chào hàng cho các siêu thị nhỏ lẻ, rồi tiến tới các hệ thống siêu thị lớn. Nếu sản phẩm của bạn đặc biệt, khác biệt và đa dạng, khả năng cao bạn sẽ đưa được hàng vào một vài hệ thống.
Tuy nhiên, đừng bỏ qua việc xây thương hiệu song song, dù bằng những hình thức đơn giản và tiết kiệm.
Bạn nên thiết kế một logo đơn giản, ý nghĩa với bạn và đi đăng ký sở hữu trí tuệ – tốt nhất là trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Đừng xem nhẹ việc này nếu bạn không muốn một ngày đẹp trời, khi sản phẩm đã phát triển, bạn bị kiện vì “xâm phạm thương hiệu” của chính mình (do người khác đã nhanh tay đăng ký trước).
Về marketing, bạn có thể bắt đầu với các kênh ít tốn kém như marketing online. Hãy tự viết bài chia sẻ trên Facebook, kết bạn với những người cùng chí hướng kinh doanh hoặc những khách hàng tiềm năng. Nếu nội dung của bạn đủ thuyết phục, họ sẽ trở thành những người quảng bá miễn phí cho bạn ngay từ những ngày đầu.
Đừng bỏ lỡ cơ hội xuất hiện trên các kênh truyền thông miễn phí, hoặc tuyệt vời hơn là những chương trình truyền hình như Shark Tank Việt Nam. Nếu có cơ hội, hãy nắm bắt ngay, chuẩn bị nội dung thật kỹ để tận dụng tối đa sự lan tỏa truyền thông.
Tóm lại, việc học hỏi từ mô hình bài bản của các doanh nghiệp lớn rất nên làm. Họ đã phải trả giá bằng thời gian và tiền bạc để xây dựng quy trình, còn bạn được tham khảo miễn phí. Nhưng hãy linh hoạt áp dụng phù hợp với hoàn cảnh, nguồn lực hiện tại, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí trong những ngày đầu khởi nghiệp.
Chúc bạn sớm tìm được con đường khởi nghiệp thành công cho riêng mình
Theo: Trung Dung Nguyen