Thông tin này được ông Johnathan Hạnh Nguyễn Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) chia sẽ trong buỗi ký kết hợp tác với UBND TP.Đà Nẵng vào sáng nay.
Cụ thể, phát biểu tại buổi lễ Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP.Đà Nẵng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết, tập đoàn IPP đã ấp ủ bao năm nay về 1 trung tâm tài chính ở Việt Nam nhưng do nhiều vướng mắc chưa làm được. Đến thời điểm này, công ty đã có cơ hội để thực hiện ý tưởng.
"Hơn 5 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực. Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên với việc trong 10 năm qua cá nhân tôi đã kết giao với rất nhiều người bạn trên thể giới, trong đó 3 người bạn Mỹ là 3 con "đại bàng chúa" về lĩnh vực tài chính, casino, luật tài chính. Các bạn đã đặt hết niềm tin vào tôi và Việt Nam. Về TP.Đà Nẵng, có thể nói, đây không những là thành đáng sống mà là thành phố có tầm nhìn rộng mở như việc hướng đến xây dựng trung tâm tài chính, thành phố sân bay, khu phi thuế quan", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Trao đổi với người viết, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, việc ký kết hợp tác lần này chỉ dừng ở việc Đà Nẵng cho phép IPPG tài trợ thuê tư vấn nước ngoài làm đề án xây dựng phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Theo ông Hạnh Nguyễn, việc chọn ai là nhà đầu tư dự án Trung tâm tài chính thuộc thẩm quyền Chính phủ và vẫn chưa được quyết định.
Trước đó, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương là một trong 3 doanh nghiệp cùng xin nghiên cứu khả thi xây dựng Trung tâm tài chính (Dự án Đà Nẵng Gateways) với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.
Được biết, siêu dự án Trung tâm tài chính tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa của TP Đà Nẵng, gồm khu đất 3,42ha (ký hiệu Lô A12, A13, A14, A15) trên đường Võ Văn Kiệt và khu đất 2,7ha phía Tây Bắc nút giao thông Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Theo quy hoạch, đây sẽ là khu phức hợp trung tâm thương mại, tài chính, casino, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp quốc tế, chung cư cao tầng… với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng vừa có văn bản phản hồi thông tin báo chí liên quan đến dự án khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, casino cao cấp 2 tỷ USD tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
Ngoài tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có 1 nhà đầu tư trong nước và 1 liên doanh nhà đầu tư Singapore quan tâm, đề nghị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dự án. Nhà đầu tư này là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và liên doanh Tập đoàn Sakae Holding Ltd – Tập đoàn Fission Holdings Pte. Ltd (Singapore) – Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Newtechco.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương – IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. IPPG là một trong những tập đoàn đa lĩnh vực, sau 35 năm phát triển, doanh nghiệp có 35 công ty thành viên và liên doanh liên kết, có mặt trên 5 quốc gia, tạo việc làm cho hơn 25.000 nhân viên. Mặc dù là người sáng lập ra IPPG nhưng giờ ông chỉ nắm vỏn vẹn 1% vốn của doanh nghiệp này. Phần còn lại vợ và các con ông sở hữu.
Tại buổi Lễ công bố, đại diện lãnh đạo thành phố đã cung cấp thông tin Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP.Đà Nẵng; Quyết định phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; Chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; Thông tin một số chủ trương về giá đất trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh đánh giá, với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…
Ông Lê Trung Chính cho rằng, đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.
Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trước đó ngày 15/3, Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của cả nước về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng,...
Đà Nẵng sẽ hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan; hướng đến mục tiêu phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.