Công ty IPPG cam kết hỗ trợ 70 tỉ đồng cho việc lập quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong. Đồng thời, IPPG dự kiến có thể kêu gọi 200 nhà đầu tư quốc tế với khoản vốn 60 tỉ USD đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong. Công ty của ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng kỳ vọng đầu tư vào phân khu dịch vụ tổng hợp giải trí của khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Ngày 9.9.2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà và công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký hợp tác và xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Phong.
Theo đó, tập đoàn IPPG sẽ tài trợ tài khoảng 3 triệu USD để tỉnh Khánh Hoà quy hoạch lại tổng thể khu kinh tế Vân Phong và hỗ trợ tỉnh kêu gọi đầu tư.

Đại diện tỉnh Khánh Hoà và IPPG ký ghi nhớ hợp tác và xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: IPP cung cấp
Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập với tổng diện tích khoảng 150.000ha (70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước), nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. KKT Vân Phong có lợi thế là KKT ven biển, có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT. Đây là khu vực có giao thông thuận lợi, nằm trên giao lộ Bắc - Nam và Tây Nguyên, cảnh quan du lịch phong phú, đầy tiềm năng để có thể phát triển đa ngành, đa lĩnh vực gắn với kinh tế biển.
Một trong những lợi thế đáng chú ý của Vân Phong là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất Việt Nam lên đến 200 ngàn DWT. Phần đất liền bao trùm 11 xã và thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.
Tuy nhiên do các quy định pháp lý về đặc khu kinh tế chưa cụ thể nên việc quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Phong bị chậm trễ.
Cuối năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong và kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung thành khu vực kinh tế Vân Phong để kêu gọi đầu tư trong bối cảnh mới.
Tháng 6.2020, Thủ tướng chấp thuận dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Phong và phê duyệt cho tỉnh xây dựng, điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế, hoàn thành trước năm 2022.
Ông Nguyễn Tất Tuân, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, tỉnh đang tiến hành quy hoạch lại theo cách thức xã hội hoá công tác lập quy hoạch khu kinh tế này.
Cụ thể, công ty IPPG sẽ tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 dự án. Sau khi có quy hoạch chung do tỉnh thực hiện, từng phân khu riêng sẽ tiếp tục được xã hội hoá cho các công ty tư nhân có khả năng tham gia hỗ trợ tỉnh xúc tiến đầu tư.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, sáng lập IPPG, chia sẻ với báo chí, công ty cam kết hỗ trợ 70 tỉ đồng cho việc lập quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong. Đồng thời, IPP dự kiến có thể kêu gọi 200 nhà đầu tư quốc tế với khoản vốn 60 tỉ USD đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong.

Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay, IPPG đã nghiên cứu về KKT Vân Phong từ 2 năm trước, nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, có thể đầu tư mạnh. Do vậy, IPPG lập quy hoạch để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài đầu tư vào khu vực này.

Theo Chủ tịch IPPG, lộ trình lập quy hoạch được hoàn thiện vào năm 2021. Sau đó, ông sẽ tặng lại tỉnh Khánh Hòa như một món quà cho quê hương, bởi ông cũng là người Khánh Hòa và không đòi hỏi các quyền lợi.

Ngoài ra, theo ông Hạnh, IPPG cũng mong muốn tham gia đầu tư trong phân khu chức năng dịch vụ tổng hợp và giải trí, phi thuế quan của dự án. Và khi đầu tư, IPPG sẽ tham gia đấu thầu như những công ty khác.

IPP là tập đoàn bán lẻ đa ngành, sở hữu chuỗi hơn 1000 cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc, nhà phân phối các thương hiệu thời trang như Louis Vuiton, Bulgari, Christian Dior, Cartier, Rolex, D&G, Nike, Gap… và là đại diện nhượng quyền ẩm thực của Pizza Domino, Burger King, gà Popeyes, Dunkin 'Donuts.
Ngoài ra, IPP còn đầu tư vào hạ tầng sân bay và dịch vụ bán lẻ sân bay. Công ty đã đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Cam Ranh năm 2018 với công suất 8 triệu lượt khách/năm.