346866633-668784715047042-2986235059004588440-n-1684126896.jpgẢnh: Mashable.


Khái niệm Metaverse đã manh nha xuất hiện từ năm 1982 trong phim điện ảnh Tron và được nhắc đến trong game Second Life vào năm 2003. Đến cuối năm 2021, từ khóa này bỗng “hot” trở lại khi nhà sáng lập Facebook quyết định đổi tên đế chế nghìn tỷ USD của mình thành Meta và tuyên bố tham vọng xây dựng một thế giới ảo - nơi mọi người có thể tương tác mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Động thái của vị tỷ phú đã gây sốt toàn cầu, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thế nhưng, theo Business Insider, việc thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm cuối cùng đã khiến ý tưởng của Zuckerberg trở nên phi thực tế sau 3 năm phát triển. Và khi giới công nghệ chuyển sang một xu hướng mới, hứa hẹn hơn - AI sáng tạo, số phận của Metaverse dường như đã được định sẵn.

Những lời hứa hẹn hấp dẫn

Ngay từ khi giới thiệu Metaverse, Zuckerberg tuyên bố đây sẽ là tương lai của Internet. Trong video quảng cáo, Meta mô tả viễn cảnh tương lai nơi mọi người có thể tương tác liền mạch trong thế giới ảo, "giao tiếp bằng mắt" và "cảm thấy như đang ở trong cùng một căn phòng”. Zuckerberg nhấn mạnh, công nghệ này sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm “nhập vai”.

Những lời hứa hoành tráng ấy đã tạo nên những kỳ vọng “cao ngất trời” cho Metaverse. Giới công nghệ và truyền thông xôn xao với khái niệm mới. Trang tin công nghệ The Verge đã thực hiện bài phỏng vấn dài 5.000 từ với Zuckerberg, mô tả vị CEO với “tầm nhìn bao quát, sâu sắc về Internet".

Hàng loạt các công ty lớn như Waltmart, Roblox, Microsoft, ByteDance, Amazon, Disney cũng đều tham gia vào “cuộc chơi”, khiến các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và nhà phân tích Phố Wall đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của Metaverse.

Thời điểm đó, công ty tư vấn Gartner dự đoán, đến năm 2026, 25% dân số thế giới sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong Metaverse còn tờ WSJ tin rằng công nghệ này có thể thay đổi hoàn toàn cách làm việc của con người.

Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, Metaverse có thể tạo ra giá trị 5.000 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm, khoảng 95% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng Metaverse sẽ "tác động tích cực đến ngành của họ" trong vòng 5 đến 10 năm tới. Trong khi đó, Citibank nhận định Metaverse sẽ là một cơ hội trị giá hơn 13.000 tỷ USD.

Thực tế, Metaverse chẳng “bay cao bay xa” như kỳ vọng.

Theo Business Insider, Zuckerberg đã ca ngợi Metaverse là "sự kế thừa của Internet di động", nhưng thất bại với việc định hướng mô hình kinh doanh cho “vũ trụ ảo”, khi không xác định được đối tượng mục tiêu và sự sẵn lòng chấp nhận sản phẩm của khách hàng.

Công nghệ này đã sử dụng những hình đại diện kỹ thuật số từ những năm 1990 với các trò chơi nhập vai trực tuyến như "Meridian 59", "Ultima Online" và "EverQuest". Thêm vào đó, để trải nghiệm vũ trụ ảo, gia nhập nền tảng Horizon Worlds, người dùng sẽ cần sử dụng kính thông minh Oculus có giá hàng trăm USD.

Trong buổi trò chuyện với Jim Cramer của CNBC, Zuckerberg tuyên bố rằng 1 tỷ người sẽ sử dụng Metaverse và chi hàng trăm USD cho công nghệ này, nhưng không thể giải thích lợi ích hay lý do khiến người dùng sẵn sàng chi mạnh tay để đeo một thiết bị cồng kềnh, tham dự một buổi hòa nhạc ảo, chất lượng thấp.

“Bom xịt” tỷ USD

Khác với những lời hứa hẹn hấp dẫn, Metaverse đã nhanh chóng trở thành “bom xịt”. Thực tế, mọi ý tưởng kinh doanh hay dự báo thị trường “màu hồng” hầu như chỉ xuất phát từ lời nói của Mark Zuckerberg.

Theo Business Insider, Decentraland, nền tảng Metaverse phi tập trung dựa trên công nghệ Ethereum, chỉ có khoảng 38 người dùng hoạt động hàng ngày trong “hệ sinh thái 1,3 tỷ USD”. Công ty đã phản đối, tuyên bố nền tảng có 8.000 người dùng hoạt động hàng ngày. Tuy vậy, đây vẫn là con số rất nhỏ so với hàng trăm nghìn người chơi trong các trò chơi trực tuyến lớn như Fortnite.

Meta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, sau khi đốt hàng tỷ USD xây dựng vũ trụ ảo Horizon Worlds. Mashable báo cáo, tính đến tháng 10 năm ngoái, Horizon Worlds cũng chỉ thu hút chưa đến 200.000 người dùng – thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 người mà Meta đã đặt ra cho cuối năm 2022. Theo The Verge, ngay cả nhân viên Meta cũng thờ ơ với nền tảng mà công ty đã đặt cược cả tương lai vào, vì nó quá nhiều lỗi.

Nhiều công ty bắt đầu “quay lưng” với Metaverse, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và làn sóng AI bùng nổ mạnh mẽ.

Hồi tháng 1, Microsoft đã "khai tử" nền tảng làm việc ảo AltSpaceVR, sa thải 100 nhân viên thuộc nhóm phát triển Metaverse, cắt giảm chi phí cho đội ngũ phát triển kinh thực tế ảo HoloLens. Đến tháng 3, Disney đã đóng cửa bộ phận Metaverse, còn Walmart dừng toàn bộ các dự án vũ trụ ảo đã xây dựng trên Roblox.

Bản thân Mark Zuckerberg cũng đang góp phần đẩy xu hướng đình đám một thời đến bờ vực thất bại. Hồi tháng 3, người sáng lập Facebook tuyên bố công ty đang tập trung phát triển AI và tích hợp công nghệ này vào các sản phẩm. Trao đổi với CNBC vào tháng 4, Giám đốc công nghệ của Meta, Andrew Bosworth, cho biết ông cùng với Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox hiện đang dành phần lớn thời gian cho AI. Meta thậm chí đã ngừng giới thiệu “vũ trụ ảo” cho các nhà quảng cáo, dù đã chi hơn 100 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ này với sứ mệnh trở thành "Metaverse đầu tiên".

Ed Zitron, CEO công ty quan hệ công chúng EZPR nhận định: "Zuckerberg đốt hàng chục tỷ USD vào Metaverse để phục vụ cho giấc mơ viển vông của bản thân, rồi giết chết nó ngay khi một ý tưởng khác bắt đầu được Phố Wall quan tâm".

Theo chuyên gia này, thế giới ảo hoặc trải nghiệm trực tuyến tập trung có thể sẽ vẫn tồn tại dưới hình thức nào đó, nhưng giấc mơ Metaverse giờ đã tan tành.

"Đây sẽ là một trong những thất bại mang tính lịch sử nhất của ngành công nghệ", Zitron nói.

Nguồn: Business Insider