Nói ngắn gọn, đây là một kiểu đưa tin lợi bất cập hại, lành ít dữ nhiều. Vì cách làm của LQ trong vụ kẹo Kera là chưa kín kẽ, và cổ xuý cho cách làm như thế còn nguy hiểm bội phần.
Về việc một cá nhân tự đi xét nghiệm thành phần có trong sản phẩm hàng hoá và công bố được quy định ở Điều 45 Luật An toàn thực phẩm (chi tiết dưới comment), nhưng tựu chung thì người tiêu dùng phải phát sinh hành vi khiếu nại, khiếu kiện TRƯỚC, rồi mới yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm thực phẩm SAU.
Tức là, việc LQ (hoặc các em) tự ý mang hàng hoá đi kiểm định rồi tự ý công bố rộng rãi lên mạng xã hội, như trong trường hợp này là tiktok, là tự đưa bản thân vào một rủi ro pháp lý vô cùng lớn.
Tại sao luật quy định thế? Là để tránh trường hợp ai đó dùng truyền thông bẩn để dìm doanh nghiệp và đẩy mọi thứ vào tình thế "chuyện đã rồi".
Hãy thử suy nghĩ, điều gì xảy ra nếu việc tự kiểm định của các em là chưa chính xác (có thể do mẫu các em dùng là hàng giả; hoặc nó có lỗi ở khâu đóng gói; hoặc bên kiểm định lấy mẫu bị sai; hoặc bên kiểm định thao tác sai; hoặc mẫu đó không đại diện cho toàn bộ lô sản phẩm v.v...)
Nhưng ngay sau đó, vì quá tự tin và "say men chiến thắng" mà các em lập tức tung hê lên mạng rằng:
Công ty A làm hàng giả; Ăn cái này vào chắc bị ung thư; Bọn A này mâ/t dạy, bán đồ đểu, lừa dô/i mọi người v.v...
Ở thời điểm đó, chưa có bất cứ kết luận nào từ các cơ quan có thẩm quyền rằng Công ty A thực sự làm hàng giả thì bọn em sẽ bị kiện ngược và đối diện hàng loạt vấn đề như kết luận sai, tung tin sai, bôi nhọ mạt sát doanh nghiệp, lợi dụng quyền tự do ngôn luận v.v...
Nói đâu xa, vụ bà mẹ ra tay với mấy đứa con để trục lợi tiền bảo hiểm vừa rồi là ví dụ điển hình. Một người dùng livestream "kết tội" bà mẹ đã bị lên phường nộp phạt vì tung tin thất thiệt. Dù sau đó công an có bắt bà này, nhưng ở thời điểm người kia livestream thì lại là tin chưa xác thực. Rắc rối đúng không?
Quy trình đúng là khi nghi ngờ hàng hoá nào đó làm gian làm dối, chúng ta có quyền bỏ tiền ra kiểm định, nhưng đừng tung hê kết quả đó lên VÀ CÀNG ĐỪNG BAO GIỜ TỰ KẾT LUẬN ĐIỀU GÌ. Hãy trình báo với cơ quan có thẩm quyền để họ tự đi lấy mẫu và kiểm nghiệm (việc kiểm nghiệm này cũng được thực hiện ở nơi được chỉ định chứ không phải mang đi lab nào cũng được). Sau đó, nếu nghi ngờ có sai phạm thì cơ quan liên quan sẽ tiến hành điều tra và kết luận.
Cô biết, tới đây sẽ nhiều em chép miệng: chẳng có bên nào nó làm đâu; rồi thì chúng nó ăn tiền ngập mặt bao che nhau rồi v.v... blah blah các kiểu. Nhưng với trách nhiệm của một người làm truyền thông cô vẫn phải đưa ra quy trình chuẩn cho các em nắm rõ và tự quyết.
Nếu không tin tưởng vào bên nào khác mà muốn tự mình "lên clip" được không? Được. Nhưng phải cực kỳ cẩn thận câu từ. Ví dụ, có thể nói "Tôi nghi ngờ chất lượng nên đã tự kiểm tra", "Kết quả từ một đơn vị kiểm nghiệm uy tín cho thấy", "Tôi không kết luận gì, nhưng tôi thấy cần phản ánh để cơ quan chức năng vào cuộc", "Mọi người nên cẩn trọng, và nếu có nghi ngờ thì nên gửi kiểm nghiệm hoặc báo cơ quan chức năng" và đừng kèm theo bất cứ chữ nào khẳng định đúng sai, và đừng mạt sát!
Cũng như Quang Linh Vlog, một trăm điều đúng nhưng chỉ một điều sai thì vẫn cứ là sai. Các em cần hiểu rõ để biết cách tự bảo vệ mình trong quá trình làm content trên mạng, đặc biệt em nào càng có nhiều followers, càng nhiều ảnh hưởng thì càng phải lưu tâm.
Nói thật là cô chưa xem hết các video "đấu tranh" của LQ trong vụ này đâu, nhưng vì bạn có tag tên cô vào clip kèm theo tâm sự: nhiều khi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ nếu là cô Long thì cô Long sẽ làm gì, cô Long sẽ không bao giờ lùi bước để nói lên sự thật; nên cô thấy mình cần lên tiếng.
Đúng là khi cần thiết, cô sẽ chọn nói lên sự thật nhưng không chọn cách làm nóng vội, sơ hở và không có đường lùi. Em nào hâm mộ cô thì cô rất cảm ơn, học theo cô thì cô vô cùng cảm kích nhưng phải hiểu đúng hiểu đủ chứ đừng chỉ nhìn vào bề nổi bên ngoài rồi hấp tấp làm theo.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long - Truyền thông Trăng Đen