dragon-capital-thanh-co-dong-lon-vpbank-1819129-1629371545.png
Ảnh minh họa. 

Tháng 4 vừa qua, VPBank đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FECredit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC) và Chứng khoán Bản Việt, dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng khoảng 1,4 tỷ USD và giúp tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 48%. Ngoài ra, VPBank cũng có kế hoạch phát hành thêm 15% cho cổ đông chiến lược trong năm 2021 - 2022.

Mặc dù VPBank chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược hướng đến nhưng theo một số nguồn tin chưa chính thức trên thị trường, SMBC đang đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit. 

Trong các báo cáo phân tích mới đây, các công ty chứng khoán cũng nhận định nhà đầu tư chiến lược mà VPBank đang đàm phán là một tổ chức đến từ Nhật Bản. Và thực tế, lãnh đạo VPBank cũng xác nhận SMBC là đối tác mà ngân hàng quan tâm nhưng hiện tại quá sớm để nói trước kết quả.

Theo công ty chứng khoán MB (MBS), sự tham gia của SMBC vào FE Credit sẽ giúp ngân hàng củng cố được vị trí số một về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Với việc làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào quý II mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên MBS kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV, thời điểm dịch được kiểm soát và người dân gia tăng chi tiêu bù vào thời gian cách ly cũng như các hoạt động lễ hội cuối năm.

Về phía ngân hàng mẹ, MBS cho rằng với nguồn tiền thu về từ bán cổ phần FE Credit, mục tiêu tăng trường tín dụng 17% của VPBank trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, việc phát hành thêm 15% vốn cho cổ đông chiến lược cùng với dự báo nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ giúp VPBank có được mức tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2022 và 20% từ năm 2023 trở đi.

Mặt khác, MBS cho rằng nếu cổ đông chiến lược là SMBC sẽ giúp VPBank thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn. Hiện tại chỉ có Vietcombank và VietinBank có khoản tiền gửi ngoại tệ liên ngân hàng rất lớn và cả hai đều có cổ đông chiến lược là ngân hàng Nhật với chiến lược mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ. Nhóm phân tích kỳ vọng VPBank sẽ có thể nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên mức 20% trong năm 2026 khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - đơn vị tư vấn thương vụ bán vốn FE Credit và sở hữu 1% vốn tại đây - cho rằng nhà đầu tư chiến lược mà VPBank đang đàm phán là một tổ chức đến từ Nhật Bản.

Theo VCSC, VPBank có thể chào bán cho 1 nhà đầu tư chiến lược theo nhiều giai đoạn với đợt đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021 với việc bán 60,2 triệu cổ phiếu quỹ, tiếp theo là đợt chào bán lớn hơn 344 triệu cổ phiếu trong năm 2022 (tỷ lệ cổ phiếu sơ cấp/thứ cấp là 50:50) để tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất từ 11,7% năm 2020 lên 18,5% năm 2022. Tỷ lệ CAR tăng theo từng giai đoạn sẽ cho phép ngân hàng tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 17,5% năm 2021 lên mức đỉnh 22,1% vào năm 2023 và sau đó giảm dần xuống 18,2% vào năm 2025. 

VCSC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào vị trí cổ đông chiến lược của VPBank sẽ làm gia tăng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng đáng kể tương tự diễn biến tại Vietcombank. Hiện tại, chỉ có Vietcombank và VietinBank là có lượng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng khá lớn và cả 2 đều có các ngân hàng Nhật Bản làm nhà đầu tư chiến lược. 

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích dự báo tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại VPBank tăng từ 2,5% trên tổng nợ phải trả có phát sinh lãi (bao gồm cả tiền gửi) vào năm 2020 lên 7% vào năm 2025, điều này sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức tín dụng bằng ngoại tệ sau sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản. Kịch bản này - cùng với sự gia tăng dự kiến trong tỷ lệ CASA - dự kiến sẽ làm giảm chi phí huy động hợp nhất từ 5,9% vào năm 2020 xuống 4,2% vào năm 2025.

Vì sao SMBC chọn VPBank?

Tại báo cáo phát hành vào cuối tháng 6, KBSV cho rằng tập đoàn SMBC - một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí nhà đầu tư chiến lược của VPBank. 

KBSV đánh giá cao khả năng SMBC sẽ trở thành đối tác chiến lược của VPBank bởi tổ chức tài chính này có tham vọng lớn tại Việt Nam. SMBC hiện tại đang là cổ đông chiến lược của Eximbank (EIB) với 15% cổ phần và đã từng ngỏ ý mua lại ngân hàng 0 đồng PG Bank. Mặc dù có kì vọng lớn tuy nhiên SMBC chưa có được thành công như các đối thủ của mình là Mizuho Bank, Ltd (đầu tư vào Vietcombank) hay MUFG (đầu tư vào Vietinbank). 

Bên cạnh đó, trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, một trong các ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam sẽ là bước đi tái khẳng định tham vọng của SMBC tại thị trường Việt Nam. Hơn nữa, SMBC và VPBank đã có mối quan hệ sau thương vụ mua bán FE Credit. KBSV cho rằng thương vụ này nếu diễn ra hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VPBank như tăng nguồn vốn hoạt động, tăng các khoản tiền gửi ngoại tệ từ đó cải thiện CASA…