photo1611108429513-1611108429696469853602-1628942728.png
Ảnh minh họa.

Ngân hàng đẩy mạnh tìm kiếm vốn ngoại

Trong buổi trao đổi với các nhà phân tích mới đây, ban lãnh đạo VPBank cho biết sẽ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trước đó, VPBank thông báo khóa 'room' ngoại ở mức 15%, động thái được cho là bước đi dọn đường để đón cổ đông chiến lược. 

Mặc dù VPBank chưa tiết lộ danh tính đối tượng hướng đến nhưng theo một số nguồn tin chưa chính thức trên thị trường, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản) đang đàm phán trở thành đối tác chiến lược của VPBank sau thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit. 

Trong các báo cáo phân tích mới đây, các công ty chứng khoán cũng nhận định nhà đầu tư chiến lược mà VPBank đang đàm phán là một tổ chức đến từ Nhật Bản. Và thực tế, lãnh đạo VPBank cũng xác nhận SMBC là đối tác mà ngân hàng quan tâm nhưng hiện tại quá sớm để nói trước kết quả.

Ngoài VPBank, một loạt ngân hàng trong nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Mới nhất, SHB thông báo tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán cổ phiếu được thông qua đại hội cổ đông hồi tháng 4.

Trước đó, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT SHB đã trình và được cổ đông thông qua việc chốt "room" nhà đầu tư ngoại. Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại SHB sẽ được khống chế không quá 20% và chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VSD là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.

Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, SSI Research cho biết OCB đang đàm phán với một số nhà đầu tư về phát hành riêng lẻ và kỳ vọng có thể hoàn tất đàm phán trong tháng 9/2021.

Trao đổi với báo chí trước thềm niêm yết, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng là khoảng 19,5% và còn khoảng hơn 10% sẽ được OCB bán tiếp.

Theo vị lãnh đạo này, OCB đã có kế hoạch bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank -  1 trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản trong tháng 6/2020. Thế nhưng, do việc đàm phán chưa kết thúc, trong khi OCB phải đưa cổ phiếu niêm trên HOSE. Vì thế, ngân hàng đã hoàn tất thủ tục niêm yết và sau đó sẽ khởi động triển khai bán thêm vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Một ngân hàng khác cũng vừa tiết lộ kế hoạch chào bán cổ phần cho nước ngoài là MSB. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng giám đốc MSB, trong tương lai gần, khả năng ngân hàng sẽ xin ý kiến cổ đông dành một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược ở thời điểm cần thiết. 

Ông Linh cho biết, đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có thể đóng góp về nguồn lực, tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cho ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng, mức sinh lời hàng năm của MSB hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cơ hội với ngân hàng.

Trước đó, SCB cũng cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tài cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo kế hoạch tăng vốn năm nay, Nam A Bank cho biết, sẽ hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại Nam A Bank còn nguyên 30%. 

Đầu năm 2021, trao đổi với báo chí lãnh đạo LienVietPostBank tiết lộ ngân hàng chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin cập nhật về tiến độ này. 

Trong kế hoạch tăng vốn đến năm 2022, Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho khối ngoại mà đối tượng hướng đến là đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản. Theo ban lãnh đạo Vietcombank, đây là phần còn lại trong phương án chào bán 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được ngân hàng thông qua năm 2018.

Kỳ vọng thêm những thương vụ mới

Việc huy động vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh luôn được ngân hàng trong nước chú trọng. Do vậy, không chỉ các nhà băng còn nguyên room ngoại, mà ngay cả ngân hàng đã gần cạn room cũng muốn có khoảng trống để tìm cơ hội sau khi Covid-19 được kiểm soát. 

Ngoài ra, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, đặc biệt là sức hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những yếu tố hộ trợ các nhà băng mở rộng kế hoạch thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, ngoài ACB, MSB, TPBank, ABBank đã cạn ‘’room’’ ngoại là thì nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa để đón nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số ‘’hàng hot’’ như Techcombank, HDBank, MB vẫn còn trống 5 – 10% so với mức tối đa, thậm chí tại SHB là hơn 20%. Đó là chưa kể với các ngân hàng đang tái cơ cấu hay 3 ngân hàng “0 đồng”, đối tác nước ngoài có thể mua 100% vốn nếu được sự đồng ý của Chính phủ.

Mặt khác, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), các ngân hàng VIB, VPBank, Techcombank và ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của các ngân hàng châu Âu theo EVFTA.