vpbank-la-ngan-hang-gi-ngan-hang-vpbank-co-uy-tin-1628659194.jpg
Trụ sở VPBank.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng tiến độ tìm đối tác chiến lược có thể bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh.

Theo KBSV, VPBank đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược từ năm 2019 và lãnh đạo ngân hàng chia sẻ nếu khả quan sẽ tìm được đối tác chiến lược vào cuối năm 2021 và động thái giảm room khối ngoại tối đa về 15% được cho là bước đi dọn đường để đón cổ đông chiến lược. 

Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp sẽ làm chậm lại tiến độ của thương vụ này do: (1) Thương thảo lại mức giá bán do ngân hàng chịu các tác động tiêu cực của dịch, cùng với đó VPBank sẽ không quá vội vàng do không có lí do để bán giá thấp; (2) Việc giãn cách ảnh hưởng đến quá trình thương thảo, hoàn thiện giấy tờ.

Tại báo cáo phát hành vào cuối tháng 6, KBSV cho rằng tập đoàn SMBC - một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí nhà đầu tư chiến lược của VPBank. Trước đó, ngân hàng này đã đã chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, là công ty con của tập đoàn SMBC.

KBSV đánh giá cao khả năng SMBC sẽ trở thành đối tác chiến lược của VPBank bởi tổ chức tài chính này có tham vọng lớn tại Việt Nam. SMBC hiện tại đang là cổ đông chiến lược của Eximbank (EIB) với 15% cổ phần và đã từng ngỏ ý mua lại ngân hàng 0 đồng PG Bank. Mặc dù có kì vọng lớn tuy nhiên SMBC chưa có được thành công như các đối thủ của mình là Mizuho Bank, Ltd (đầu tư vào Vietcombank) hay MUFG (đầu tư vào Vietinbank). 

Bên cạnh đó, trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, một trong các ngân hàng TMCP tốt nhất Việt Nam sẽ là bước đi tái khẳng định tham vọng của SMBC tại thị trường Việt Nam. Hơn nữa, SMBC và VPBank đã có mối quan hệ sau thương vụ mua bán FE Credit. KBSV cho rằng thương vụ này nếu diễn ra hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VPBank như tăng nguồn vốn hoạt động, tăng các khoản tiền gửi ngoại tệ từ đó cải thiện CASA…

Trước KBSV, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - đơn vị tư vấn thương vụ bán vốn FE Credit và sở hữu 1% vốn tại đây - cũng cho rằng nhà đầu tư chiến lược mà VPBank đang đàm phán là một tổ chức đến từ Nhật Bản.

VCSC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào vị trí cổ đông chiến lược của VPBank sẽ làm gia tăng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng đáng kể tương tự diễn biến tại Vietcombank. Hiện tại, chỉ có Vietcombank và VietinBank là có lượng tiền gửi ngoại hối từ các tổ chức tín dụng khá lớn và cả 2 đều có các ngân hàng Nhật Bản làm nhà đầu tư chiến lược. 

Dự đoán của hai tổ chức trên hoàn toàn có cơ sở khi SMBC đã phát tín hiệu ‘buông tay’’ Eximbank sau gần 13 năm làm cổ đông chiến lược. Theo đó, cổ đông ngoại này đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 diễn ra vào ngày 27/4 của Eximbank sau khi rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.