vinamilk-thau-tom-moc-chau-2-1678156819.png
 

M&A Case Study Vinamilk thâu tóm Mộc Châu Milk: Phần 1 - Con đường thâu tóm không bằng phẳng?

Đề xuất thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty với các điều khoản có lợi cho nhóm phòng thủ

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, điều 136, Luật doanh nghiệp 2014 thì GTN phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2018, tức là hạn cuối sẽ rơi vào tháng 04/2019. Tuy nhiên, thay vì tổ chức ĐHCĐ như quy định, HĐQT đã xin dời thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sang tháng 06/2019 và thực hiện xin ý kiến của cổ đông bằng văn bản vào ngày 15/04/2019 để thông qua 03 nội dung sau (1) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty (2) Miễn nhiệm tư cách 02 thành viên HĐQT đối với ông La Mạnh Tiến và ông Lars Kjaert (3) Miễn nhiệm tư cách thành viên BKS đối với ông Trần Việt Thắng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao nhóm cổ đông phòng thủ lại thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản các nội dung trên và xin dời họp ĐHĐCĐ?

Trước hết, hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ sẽ có khả năng được thông qua cao hơn so với hình thức họp trực tiếp, khi chỉ cần 51% tổng số cố phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyền chấp thuận. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 2, điều 21 của Điều lệ công ty GTN (2018). Trong khi đó, nếu tổ chức họp ĐHĐCĐ trực tiếp và xin ý kiến của cổ đông sẽ cần tới 65% số phiếu của các cổ đông có quyền biểu quyết tham dự trở lên. Theo đó, nếu như tất cả các cổ đông đều tham dự họp thì việc xin ý kiến của cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ sẽ cần số phiếu tán thành cao hơn và xác suất thành công sẽ thấp hơn so với việc xin ý kiến bằng văn bản.

Trích Khoản 2, điều 21 của Điều lệ công ty GTN 2018

Các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, loại cổ phiếu và số lượng cổ phiếu được chào bán, thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý Công ty, việc tổ chức lại hay giải thể công ty, Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Công ty, hợp đồng, giao dịch quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 162 Luật doanh nghiệp được thông qua khi có từ 65% trở lên tổng số phiếu bầu các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền có mặt tại ĐHĐCĐ (trong trường hợp họp trực tiếp) hoặc ít nhất 51% tổng số cổ phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết chấp thuận (đối với trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản). 

Theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thì tổng số phiếu bầu của các cổ đông có quền biểu quyết tán thành việc thông qua phương án sửa đổi, bổ sung vốn điều lệ là 51.78%. Có thể thấy, tỷ lệ thông qua đã không đạt được sự đồng thuận cao giữa các cổ đông và nếu xin ý kiến ĐHĐCĐ trong trường cuộc họp trực tiếp, thì khả năng các sửa đổi bổ sung này sẽ không được thông qua.

Nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ có những nội dung thay đổi gì mà khiến cho nhóm cổ đông phòng thủ phải gấp rút xin ý kiến bằng văn bản trước khi tổ chức ĐHĐCĐ?

Đối với việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, HĐQT đã xin ý kiến của cổ đông để thực hiện điều chỉnh 36 nội dung, hầu hết các điều chỉnh này là để cập nhật theo Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 71 của Chính phủ về hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp áp dụng đối với công ty đại chúng, Thông tư 95 của Bộ tài chính hướng dẫn một số điều trong nghị định 71. Tuy nhiên, đáng chú ý đó là trong đó bao gồm các điểm sửa đổi, bổ sung với mục đích phòng chống thâu tóm.

524122-2f72ff1206ad4daca29338bcb1a0fafb-mv2-1678008013.png
 

Tổng hợp các điểm sửa đổi, bổ sung trong điều lệ GTN với mục đích chống lại việc thâu tóm 

(Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ 2018, tác giả tổng hợp)

Trước tiên, đối với việc sửa đổi điều 12.2, thì việc trích lục danh sách các cổ đông đủ tư cách tham gia đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đã không còn được phép thực hiện, mà thay đó là cổ đông chỉ được phép yêu cầu trích lục thông tin của chính mình. Để củng cố và nhất quán việc không được phép trích lục danh sách các cổ đông có đủ tư cách tham gia ĐHĐCĐ, điều 12.3 tiếp tục được sửa đổi với việc loại bỏ quyền "kiểm tra và nhận bản sao hoặc bản trích dẫn danh sách các cổ đông có quyền tham dự và bỏ phiếu tại ĐHĐCĐ". Thêm vào đó, quyền triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ cũng chỉ được do cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% trở lên yêu cầu, thay vì mức 5% trước đó. Lý do được HĐQT đưa ra đó là công ty có nghĩa vụ bảo mật thông tin của cổ đông, do vậy, cổ đông chỉ được phép tra và chỉnh sửa thông tin của chính cổ đông đó, không được phép tiếp cận các thông tin của cổ đông khác. 

Việc hạn chế nhóm cổ đông ủng hộ chào mua công khai của VNM tiếp cận danh sách cổ đông sẽ khiến cho việc thuyết phục nhóm cổ đông trung lập còn lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là cuộc chiến uỷ quyền (proxy fight) để thông qua các nội dung quan trọng trước thời điểm diễn ra Đại hội đồng cổ đông chính thức.

Thông qua biên bản kiểm phiếu của việc lấy kiến bằng văn bản, có thể thấy nhóm cổ đông trung lập này rất quan trọng và là chìa khoá chính để xác định bên thắng cuộc trong thương vụ thâu tóm này. Cụ thể, nội dung xin ý kiến về việc miễn nhiệm tư cách các thành viên HĐQT và BKS đã không được thông qua khi số cổ phiếu biểu quyết tán thành chỉ đạt lần lượt là 41.69% và 38.63%. Số lượng cổ phiếu không có ý kiến (được xem là nhóm trung lập) của 2 nội dung trên lần lượt là 10.17% và 13.23%.

Tỷ lệ thông qua 3 nội dung bằng việc lấy kiến bằng văn bản của GTN

(Nguồn: Công bố thông tin GTN)

Một nội dung được bổ sung vào trong Điều lệ tại điều 13.7 đó là bổ sung nghĩa vụ của cổ đông về việc "không thực hiện các hành vi gây tổn hại, ảnh hưởng, hoặc có nguy cơ gây tổn hại, ảnh hưởng cho công ty". Với quy định này, bất kỳ hành động thâu tóm nào của nhóm cổ đông gây tổn hại đến lợi ích của công ty sẽ bị yêu cầu bồi thường. Do đó, việc này cũng sẽ hạn chế các hành động quá khích, thiếu cẩn trọng của bên thực hiện thâu tóm.

Nội dung cuối cùng đó là việc bổ sung để làm rõ quyền của HĐQT xin ý kiến của ĐHĐCĐ bằng văn bản, được quy định tại điều 22.1 của Điều lệ công ty. Với nội dung chi tiết được bổ sung như bảng tổng hợp trên, sẽ cho phép HĐQT có thể nhanh chóng xin ý kiến của ĐHĐCĐ thông qua các vấn đề quan trọng của công ty, thay vì tổ chức họp ĐHĐCĐ.

Loại bỏ thành viên HĐQT đại diện cho nhóm ủng hộ việc thâu tóm của VNM

Tính đến thời điểm trước khi diễn ra đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, thì GTN có tất cả 7 thành viên HĐQT. Trong đó, ông La Mạnh Tiến đã có đơn từ nhiệm vào ngày 30.06.2018 và ông Lars Kjaer cũng có đơn xin từ nhiệm vào ngày 25.03.2019.

Trong biên bản họp lấy ý kiến của HĐQT thông qua việc chào mua công khai của VNM vào ngày 23/03/2019 thì có 3 thành viên HĐQT người Việt không đồng ý thông qua việc chào mua công khai này là ông Tạ Văn Quyền, ông Nghiêm Văn Thắng và ông Nguyễn Hồng Anh. Trong khi đó, 3 thành viên HĐQT nước ngoài còn lại đã đồng ý thông qua đó là ông Lars Kjaer, ông Micheal Lois Rosen và bà Chew Mei Ying.

Có một điểm đáng chú ý đó là ông La Mạnh Tiến đã có đơn từ nhiệm vào ngày 30.06.2018, trước thời điểm HĐQT lấy ý kiến HĐQT về việc thông qua chào mua công khai của VNM và không được lấy ý kiến về việc chào mua công khai của VNM.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Điều lệ công ty 2018 và điểm c khoản 2 điều 135 của Luật doanh nghiệp 2014 thì chỉ có ĐHĐCĐ mới có thẩm quyền bầu và miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Theo đó, mặc dù ông La Mạnh Tiến đã có đơn xin từ nhiệm, nhưng theo quy định của pháp luật thì ông Tiến vẫn còn tư cách thành viên HĐQT cho đến khi được ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm. Việc không lấy ý kiến của các thành viên có đơn từ nhiệm đối với các nội dung thuộc thẩm quyền HĐQT sẽ có khả năng gặp rủi ro về pháp lý. Theo đó, việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua sớm miễn nhiệm tư cách các thành viên này sẽ có lợi cho phe phòng thủ khi số lượng thành viên sẽ giảm từ 7 thành viên xuống chỉ còn 5 lại thành viên, trong đó nhóm phòng thủ đã có 3/5 ghế và tránh được cá rủi ro pháp lý tranh chấp sau này liên quan đến các nội dung có lợi cho nhóm phòng thủ thuộc thẩm quyền của HĐQT thông qua trong tương lai.

Tiếp tục đề nghị miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của 2 thành viên còn lại để loại bỏ hoàn toàn nhóm ủng hộ thâu tóm

Trước 10 ngày diễn ra ĐHĐCĐ chính thức, cổ đông lớn của GTN là Invest Đại Tây Dương bất ngờ đề nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT còn lại của phe đối thủ đó là ông Micheal Lois Rosen và bà Chew Mei Ying. Lý do được đưa ra đó là cả hai là đại diện cho lợi ích của tất cả các cổ đông mà không phải bất kỳ cổ đông cụ thể nào.

Tại sao cổ đông lớn gửi đề nghị đến HĐQT chỉ trước 10 ngày khai mạc ĐHĐCĐ?

Theo khoản 4, điều 18 của Điều lệ công ty GTN thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% cổ phần phổ thông liên tục trong thời gian ít nhất 6 tháng có quyền đề xuất các vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ. Các đề xuất này phải được làm bằng văn bản và phải được gửi cho công ty ít nhất trước 5 ngày khai mạc ĐHĐCĐ.

Trích Khoản 4, điều 18 của Điều lệ công ty GTN 2018

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông được đề cập tại Khoản 4 Điều 12 Điều lệ này có quyền đề xuất các vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông. Đề xuất phải được làm bằng văn bản và phải được gửi cho Công ty ít nhất năm (05) ngày làm việc trước ngày khai mạc Đại hội đồng cổ đông. Đề xuất phải đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành, có ghi rõ họ và tên cổ đông, số lượng và loại cổ phần người đó nắm giữ, và nội dung đề nghị đưa vào chương trình họp.

Tuy vậy, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều 138, Luật doanh nghiệp 2104 thì người triệu tập cuộc họp (HĐQT) phải chấp nhận và đưa kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều này vào dự kiến chương trình và nội dung cuộc họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Do vậy, nội dung kiến nghị đưa vào nội dung chương trình họp cần phải được HĐQT thông qua.

Trích Khoản 4, điều 138 của Luật doanh nghiệp 2014

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải chấp nhận và đưa kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều này vào dự kiến chương trình và nội dung cuộc họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; kiến nghị được chính thức bổ sung vào chương trình và nội dung cuộc họp nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận

Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7, điều 30 của Điều lệ công ty GTN thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập họp Hội đồng quản trị phải gửi thông báo mời họp chậm nhất 03 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp. Đáng chú ý là cuộc họp HĐQT lần thứ nhất chỉ được tiến hành khi có 3/4 thành viên HĐQT tham dự họp trực tiếp hoặc thông qua người đại diện (uỷ quyền). Trong trường hợp số thành viên tham dự họp không theo quy định, thì cuộc họp thứ 2 sẽ tiếp tục được triệu tập trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày dự định họp thứ nhất. Cuộc họp triệu tập lại sẽ được tiến hành khi có hơn 1/2 số thành viên tham dự họp.

Trích Khoản 6 và khoản 7 điều 30 của Điều lệ công ty của GTN

Khoản 6: Thông báo họp Hội đồng quản trị phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng quản trị ít nhất ba (03) ngày làm việc trước ngày tổ chức họp, thành viên Hội đồng quản trị có thể từ chối thông báo mời họp bằng thư/thư điện tử/fax.
Khoản 7: Các cuộc họp của Hội đồng quản trị lần thứ nhất chỉ được tiến hành khi có ít nhất ba phần tư (3/4) số thành viên Hội đồng quản trị có mặt trực tiếp hoặc thông qua người đại diện (người được uỷ quyền). Trường hợp không đủ số thành viên dự họp theo quy định, cuộc họp phải được triệu tập lại trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp triệu tập lại được tiến hành nếu có hơn một nửa (1/2) số thành viên Hội đồng quản trị dự họp.

Với số lượng thành viên HĐQT của bên phòng thủ và ủng hộ thâu tóm khá cân bằng, thì có khả năng cuộc họp HĐQT thứ nhất sẽ không thể diễn ra nếu như các thành viên ủng hộ thâu tóm không tham dự. Do đó, cuộc họp HĐQT thứ 2 sẽ được diễn ra ngay sớm nhất là 1 ngày sau ngày dự định họp HĐQT thứ nhất. Qua phân tích trên, có thể thấy thời gian tối thiểu để HĐQT có thể xem xét và bổ sung nội dung đề nghị miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT theo yêu cầu của cổ đông lớn sẽ tối thiểu là 9 ngày.

Bên cạnh thời gian tối thiểu để được HĐQT thông qua và bổ sung nội dung yêu cầu của cổ đông lớn vào chương trình họp HĐQT, thì còn một quy định nữa liên quan đến việc công bố thông tin liên quan đến bổ sung thành viên HĐQT mới.

Theo quy định tại điều 11, Nghị định 71/2017/NĐ-CP thì đối với trường hợp đã xác định trước danh sách ứng viên thì phải công bố danh sách ứng viên tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc. Tuy nhiên, đối với trường hợp cổ đông lớn Invest Đại Tây Dương gửi yêu cầu miễn nhiệm vào ngày 18/06/2019, chỉ trước 10 ngày diễn ra kỳ họp ĐHĐCĐ (28/06/2019), và các ứng viên thành viên HĐQT bầu bổ sung đã không thể xác định trước đó, theo đó không rơi vào trường hợp phải công bố thông tin trước 10 ngày diễn ra ĐHĐCĐ.

Có thể thấy việc đề nghị miễn nhiệm tư cách 2 thành viên HĐQT còn lại và đề xuất bổ sung thành viên HĐQT được thực hiện chỉ trước 10 ngày diễn ra khai mạc ĐHĐCĐ là bước đi có sự tính toán kỹ lưỡng với mục đích gây bất ngờ đối với phe ủng hộ thâu tóm, và khiến họ không kịp trở tay.

Trích điều 11 nghị định 71/2017/NĐ-CP

Trường hợp đã xác định được trước ứng viên, thông tin liên quan đến các ứng viên Hội đồng quản trị được công bố tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông trên trang thông tin điện tử của công ty để cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng viên này trước khi bỏ phiếu, ứng viên Hội đồng quản trị phải có cam kết bằng văn bản về tính trung thực, chính xác và hợp lý của các thông tin cá nhân được công bố và phải cam kết thực hiện nhiệm vụ một cách trung thực, trung thành, cẩn trọng và vì lợi ích cao nhất của công ty nếu được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị...

Có thể thấy, các bước đi trong việc loại bỏ các thành viên HĐQT nhóm đổi thủ đã được phe phòng thủ tính toán kỹ lưỡng. Kết quả là việc loại bỏ toàn bộ thành viên HĐQT của GTN đã diễn ra theo dự định của nhóm phòng thủ khi ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách của 4 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS với tỷ lệ cụ thể như bảng thống kê bên dưới.

Tỷ lệ thông qua các nội dung tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018

Như vậy, có thể thấy nhóm cổ đông phòng thủ đã thành công kiểm soát hoàn toàn HĐQT và đưa các nội dung phòng chống thâu tóm vào điều lệ của công ty. Vậy cuối cùng VNM đã đạt mục đích thâu tóm như thế nào?

>>>> Xem tiếp: P3: Xoay chuyển tình thế và hoàn tất thương vụ ở kỳ sau

 

Nguồn: Huỳnh Nhật Trình - Thạc sĩ kinh tế, CFA Level 3 Candidate

Founder, Blog Trên Đỉnh Phố Wall

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về email:  nhattrinh_tn3@yahoo.com.vn