Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác khi gia nhập WTO đều phải chịu thiệt thòi và sức ép rất lớn về cạnh tranh. Nhưng rõ ràng, Việt Nam đã chấp nhận giải bài toán khó của WTO tốt để phát triển kinh tế và bán được hàng cho các nước giàu. Việt Nam đã trưởng thành hơn trong 2 thập kỷ qua vì dám làm và đã vượt qua được khó khăn khi mở cửa kinh tế rất rộng. Chúng ta không sợ việc giá vốn hàng hóa của các nước phát triển rẻ hơn chúng ta vì chúng ta đã chấp nhận điều này để cải thiện chi phí và giảm giá vốn hàng hóa của chúng ta bằng nhiều cách: thuê nhiều CEO từ nước ngoài, chống tham nhũng, mở rộng tín dụng ngân hàng, ban hành nhiều luật, cắt bỏ thủ tục, đầu tư cho các ứng dụng công nghệ, mua phần mềm điều hành… và tạo điều kiện tối đa cho các DN nội địa phát triển nhằm giảm chi phí.

viet-nam-gia-nhap-wto-nam-2007-va-chung-ta-da-phat-trien-khong-ngung-tu-do-1744256774.jpg

Nhưng oái ăm ở chỗ, khi chúng ta trưởng thành thì nhiều nền kinh tế phát triển lại không hài lòng vì họ thấy ta "đi nhanh quá". Thế là hàng loạt điều kiện "kỹ thuật" của các nước phát triển được phát sinh thêm, các điều kiện này vượt qua điều kiện chung của WTO, tạo ra sự ngăn cản hữu hình bằng các khẩu hiệu nhân văn và nhân đạo cũng như khẩu hiệu về bảo vệ môi trường hoặc khẩu hiệu phát triển bền vững khiến cho chúng ta thêm một lần nữa rất khó bán hàng vào các nước của họ. Các điều kiện này nhiều khi cực đoan và quá đáng và mục đích của nó thì rất rõ ràng và cụ thể: đó là ngăn cản hoặc làm tăng giá  vốn hàng hóa của chúng ta.

Ví dụ: điều kiện về lao động trẻ em, quy trình xử lý nước thải, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giờ làm thêm của người lao động, mức trợ cấp của chính phủ, các luật và ban  ban hành… đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chẳng hạn, khiến cho sân chơi của WTO trở nên vô dụng. 

Khẩu hiệu tự do thương mại và công bằng thương mại thực chất là sự o ép về kinh tế của các nước giàu bắt các nước nghèo phải theo. Các nước giàu và phát triển đẻ ra vô vàn các rào cản tinh vi để cấm cửa hàng hóa của các nước nghèo và yêu cầu các nước nghèo mở cửa cho họ bán hàng. 

Các nước nghèo trong đó có Việt Nam, nếu không khéo, sẽ trở thành thị trường tiêu dùng các loại hàng hóa của các nước giàu và thậm chí chúng ta trở thành nơi tiêu hủy hàng hóa của họ. Và tất nhiên, nền sản xuất trong nước bị đè bẹp và suy thoái.

Tuy nhiên, Việt Nam không dễ mắc mưu các chiêu bài kinh tế đội lốt môi trường hay nhân văn này. Chúng ta đã có nhiều cách và một trong các cách đó là tạo ra thủ tục rườm rà nhằm làm chậm chân sự xâm nhập hàng hóa từ bên ngoài để DN nội địa có thời gian thích ứng.
Nhiều hàng hóa của nước ngoài muốn vào VN thì phải vượt qua một "rừng" văn bản và vượt qua khoảng thời gian chờ phê duyệt rất lâu, làm nản lòng sự "xâm lược mềm" hàng hóa này.

Các hàng hóa ngoại này khi hoàn thành thủ tục để  bán thì đơn vị chủ quản có lẽ đã hoàn thành luận án "Tiến Sỹ thủ tục" gồm sự "hiểu biết" về Hải quan, thuế, pháp lý, tiêu chuẩn Việt Nam, hoàn thiện hồ sơ.

Chưa hết, do văn bản của chúng ta thay đổi nhanh, nên, cũng với chính hàng hóa đó, 5 năm tiếp theo, rất có thể họ phải làm một luận án Tiến sỹ khác.
Đúng là "vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn". 

Theo: Lam Phu Nghiem