Đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 6 toàn cầu về số lượng du học sinh Mỹ

Nền tảng tra cứu giáo dục Erudera gần đây cho biết số lượng sinh Việt đến Mỹ học tập tăng 43% trong 7 năm qua, từ 16.579 người năm học 2013-2014 lên 23.777 người trong năm học 2019-2020. Số lượng mới nhất cũng đã đóng góp đến gần 900 triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế nước này

Ông Gent Ukëhajdaraj, tổng biên tập của Eruda, cho biết Việt Nam là quốc gia có đông sinh viên du học ở Mỹ nhất trong số các nước Đông Nam Á.

“Việt Nam có số sinh viên du học Mỹ nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á. Đứng thứ hai là Indonesia với tổng số 8.300 sinh viên trong năm 2019-2020 (nhỏ hơn ba lần so với Việt Nam), tiếp theo là Malaysia với 6.910 sinh viên và Thái Lan với 6.154 sinh viên”, ông Ukëhajdaraj cho biết.

2126-1-77957-1636116889.jpg

Ngoài ra, Việt Nam cũng hiện đang đứng thứ 6 thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ trong năm học 2019 – 2020, theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE).

Trong số du học sinh Việt Nam tại Mỹ, 69,8% theo học bậc đại học, 15,3% theo học sau đại học, 11,4% tham gia vào chương trình thực tập không bắt buộc và 3,5% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.

Ở các nước khác như Đài Loan, Việt Nam cũng dẫn đầu về số lượng du học sinh tại đây với 17.534 người.

Phụ huynh Việt chi 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho con đi du học

Cách đây 3 năm về trước, trong một phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu mỗi năm người Việt chi khoảng 3-4 tỷ đô la Mỹ để đi du học, con số này lớn gấp đôi so với mức 1,8 tỷ đô la Mỹ năm 2015.

Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 150.000 du học sinh, trong đó 90% là du học tự túc. Số lượng du học sinh đi học chủ yếu là đi Nhật Bản, tiếp theo là Australia, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp. Và gần đây Canada là điểm đến của rất nhiều du học sinh Việt Nam bởi nước này khá "thoáng" trong chính sách định cư cho các du học sinh sau khi ra trường. Thống kê cho thấy hiện số lượng du học sinh Việt nhiều đứng thứ 3 tại Nhật Bản, ở Mỹ nhiều thứ 6.

Nếu trước kia chỉ có gia đình giàu có mới có thể cho con đi học nước ngoài tự túc thì nay còn có nhiều con đường để các em đi du học. Độ tuổi đi du học cũng có xu hướng ngày càng sớm hơn. Nhiều gia đình cho con đi du học ngay sau khi học hết cấp 2, thay vì học hết THPT như trước kia.

du-hoc-tai-my-1636117014.jpg

Việc người Việt ngày càng có xu hướng cho con cái đi du học, trong đó chủ yếu là theo hình thức tự túc là việc đáng mừng hay đáng lo? Đây là sự thất thoát nguồn lực hay đầu tư xứng đáng cho tương lai?

Quan điểm của chuyên gia trong ngành

Thống kê của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) cho thấy năm 2017, du học sinh Việt Nam đóng góp hơn 880 triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế Mỹ. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, các quốc gia phát triển đều muốn mở rộng "thị phần" giáo dục bằng cách thu hút sinh viên ngoại quốc. Không chỉ vì mục tiêu tài chính, đó còn là cách tìm kiếm nhân tài bổ sung cho lực lượng lao động của họ.

Như vậy, quốc gia nào có nhiều sinh viên du học thì ngoại tệ bị mất đi và có thể còn mất đi những tài năng, nguồn lực đầu tư suốt 12 năm giáo dục phổ thông cho những sinh viên này.

Báo cáo nêu trên chưa tính đến số học sinh phổ thông du học sang Mỹ. Nếu gộp cả vào thì có thể vượt quá con số 880 triệu đô la Mỹ. Xu hướng du học nước ngoài tăng cho thấy một bộ phận các gia đình giàu nhanh hơn những bộ phận còn lại của xã hội và cũng phản ánh niềm tin vào dịch vụ giáo dục trong nước đang giảm. Niềm tin bị hao hụt chủ yếu do chất lượng giáo dục cũng như môi trường giáo dục còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, GS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng số liệu này khá tích cực. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc, số lượng du học sinh cũng rất lớn. Chọn những nước phát triển có giáo dục ĐH chất lượng cao, người học không chỉ được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến mà còn sẽ có trình độ ngoại ngữ tốt và được rèn luyện trong môi trường quốc tế. Với tấm bằng ấy, người tốt nghiệp dễ xin việc với mức thu nhập cao ở trong nước và ở nước ngoài. Đây chính là kỳ vọng và là lý do chính thúc đẩy các gia đình muốn cho con cái đi du học.