Tôi sẽ tiếp tục khẳng định, môi trường ảnh hưởng ít nhiều đến con người và bạn chính là sản phẩm của nơi mình sinh sống và học tập.

vbi-87-1620622871.jpg

Một thập niên trước đây khi vừa tốt nghiệp cấp ba, tôi chưa hề biết mình muốn học gì hay đi đâu. Sau một thời gian đó đây thì gia đình quyết định cho tôi đi du học. Lúc đó tuy chưa nhận ra nhưng cuộc đời như bắt đầu một trang mới và sẽ không còn như cũ nữa.

Năm nay tôi 28 tuổi và đây là câu chuyện bản thân đã lớn ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Anh và Mỹ thế nào. Tiêu đề nghe giống như có mâu thuẫn vì sao hai khái niệm đó là khác nhau được. Nhưng khi tôi nhìn lại thì xin khẳng định là hai quốc gia nói tiếng Anh này không chỉ là nơi tôi đã từng học tập mà còn là “Giáo viên” vĩ đại nhất.

Sau đây là những bài học đó và tôi đã trưởng thành từ nó thế nào.

[1] Thoát khỏi vùng an toàn và tự tin nói tiếng Anh | Tôi đáp xuống Manchester và đi xe đến Huddersfield, một thị trấn nhỏ ở giữa nước Anh và ngôi trường cho ba năm học tới mang cùng tên. Lần đầu tiên đi xa gia đình nên tôi vô cùng lúng túng vì không quen biết ai hay cần phải làm gì.

May mắn là có dịch vụ đưa đón của trường. Tôi ở trong phòng ký túc xá với 4 người khác cho nên được chào đón từ đầu. Họ dẫn tôi đi dạo thị trấn, làm thẻ xe buýt và mua sim điện thoại. Khi về phòng gắn sim vô thì gọi liền cho mẹ và đó là lần đầu tôi khóc khi không phải là con nít.

Ngày đầu tiên vào lớp, tôi rụt rè và im lặng như một học sinh mẫu mực. Lớp tôi học không có một bạn Việt Nam nào mặc dù trong trường thì có chút ít, chỉ có vài người từ Trung Quốc và Ấn Độ. Vì không thể nào câm mãi được nên tôi tự ép bản thân phải bắt đầu giao tiếp và làm quen với mọi người.

Nếu bạn chưa biết thì tiếng Anh bạn học ở trung tâm rất khác so với ở ngoài đời, nhất là khi ở một nơi có giọng địa phương như Huddersfield. Dù có chút nhút nhát nhưng tôi đã bắt đầu chịu cởi mở hơn. Tôi vẫn nhớ lần đầu phát biểu, lúc đó chắc mấy bạn sinh viên kia cũng không hiểu tôi nói gì vì họ chỉ nhìn. Đó không phải là trải nghiệm cá nhân đâu mà của đa số bạn tương tự.

Nếu còn ở Sài Gòn thì có lẽ kết quả sẽ khác. Tôi sẽ không dám thể hiện hay tập luyện. Nhưng mọi người rất cảm thông, chẳng ai chê cười cả, giảng viên cũng khuyến khích và điều này cho tôi động lực. Rồi một ngày, một tuần, một tháng và một học kỳ trôi qua. Từ lúc nào đó, tôi hết cảm thấy tự ti vì cái “Vietnamese accent” của mình và dần cải thiện.

Bây giờ khi nhìn lại, tôi có thể vượt khỏi giới hạn đó vì tự ép bản thân phải thoát khỏi cái gọi là vùng an toàn. Vì bất cứ ai nếu trong hoàn cảnh đó cũng phải cố gắng hơn. Nếu không thì có lẽ sẽ chết đói vì không mua đồ ăn, hỏi bài hay nói chuyện với bạn học.

Có thể là tranh biếm họa về 3 người và văn bản cho biết 'Tôi trưởng thành khi du học Anh Mỹ thế nào Thoát khỏi vùng an toàn và tự tin nói tiếng Anh Tự lập, tự nấu ăn và tự quản chi tựquảnchitiêu tiêu "Đi làm" và hiểu "Đilàm"vàhiểugiátr» giá trị của đồ“ng tiền 10110 Quen nhiều sắc tộc khác và có cái nhìn rộng hơn 07.5.2021 Chủ động và không sợ sai Khám phá và du lịch Bóc Phốt Tài Chính'

[2] Tự lập, tự nấu ăn và tự quản chi tiêu | Ba năm học ở Anh trôi qua rất nhanh, nghĩ lại thì nó giống như ba tháng vậy. Tôi tốt nghiệp và về nước làm việc. Nhưng sau một năm thì cảm thấy muốn tìm môi trường khác để thử thách. Thế là tôi quyết định sang Mỹ học tiếp, theo lời động viên của gia đình. Nếu Anh là trải nghiệm tuổi mới lớn thì Mỹ chính là sự trưởng thành.

Vì không phải là lần đầu đi xa nhà nữa nên tôi không còn lạ lẫm như trước. Đáp xuống sân bay Seattle và chuyển sang Portland, cảm giác vẫn hồi hộp. Trường của tôi nằm ở trong thành phố cho nên rất dễ đi lại, khác với ở thị trấn như Huddersfield.

Lần này tôi phải tự lo mọi thứ. Từ việc tìm chỗ trọ, nhà thuê, mua đồ, nấu ăn và đi tới trường. Tôi như già đi trước tuổi vậy.

Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ vào bếp vì có mẹ nấu sẵn rồi. Nhưng khi xa gia đình thì không thể đi ăn quán hoài được nên tôi phải tự làm đầu bếp của riêng mình. Điều làm tôi ngạc nhiên là thực phẩm ở Mỹ rất rẻ, có thể nói là rẻ hơn ở Sài Gòn cho nên ngày nào tôi cũng nấu một món mới.

Một ngày của tôi bắt đầu từ sáng sớm rồi kết thúc lúc tôi. Với bao chi phí phải lo, tôi cảm thấy mệt mỏi từ tiền xe, điện nước, điện thoại và bảo hiểm. Nhưng nhờ vậy mà tôi được trở thành người lớn dù vẫn còn đi học.

[3] “Đi làm” và hiểu giá trị của đồng tiền | Học phí ở Mỹ đắt đỏ và mặc dù gia đình có thể chi trả nhưng tôi quá chán cảm giác phụ thuộc. Cho nên như bao bạn khác, tôi quyết định tìm việc làm thêm bán thời gian để kiếm thêm tiền.

Tôi biết, đây không phải là một thứ gì đó nên được nói công khai vì hiện tại theo luật thì du học sinh ở Mỹ không được phép đi làm. Nếu bạn đọc thì hãy coi đây là trải nghiệm của một người đi trước chứ không phải là lời khuyên.

Công việc đầu tiên của tôi là, đoán trước đi nhé, phục vụ trong quán phở. Như hàng vạn bạn khác đã trải qua giai đoạn này, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Khi không có đủ điều kiện thì du học sinh sẽ tới mấy quán ăn người Việt và xin làm việc.

Để tôi miêu tả, nó rất cực, mệt kinh khủng. Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy tay chân đau nhức đến vậy. Làm liên tục cả ngày trời, đã vậy còn bị la không thương tiếc. Tôi vô cùng bực và ráng làm vài ngày rồi nghỉ. Sau đó thì tìm chỗ khác làm nhưng cách cư xử cũng không khác là mấy. Nhưng vì muốn sống tự lập nên cắn răng tạm chấp nhận.

Tự hứa với bản thân là phải ráng học để tìm việc tốt hơn chứ không thể làm việc lao động mãi được. Đó là động lực duy nhất khiến tôi có thể tiếp tục. Tôi chỉ làm vào cuối tuần hay hè thôi, chủ yếu có đủ tiền để trang trải chi phí trong lúc học. Cho nên đừng bạn nào mê tiền mà bỏ bê mục đích ban đầu nhé.

[4] Quen nhiều sắc tộc khác và có cái nhìn rộng hơn | Khi nói về Mỹ thì chúng ta hay hình dung đến hình ảnh người mắt xanh da vàng. Nhưng hiện tại thì ở các thành phố lớn, bạn có thể thấy mọi con người từ mọi quốc gia khác đến sinh sống và làm việc. Giống như có cả thế giới trong phạm vi nhỏ vậy.

Sẽ rất bình thường nếu giảng viên là người gốc Ấn, hiệu trưởng gốc Châu Âu, đứa ngồi kế bạn là gốc Trung Quốc, đứng kế bên nữa là một bạn Mỹ hay sáng ăn với bánh mì thịt và tối ăn ở quán Thái. Tất cả thành phần cộng lại thành một sự đa dạng mà hiếm nơi nào có được.

Nhờ vậy nên tôi có có cái nhìn đa chiều về mọi thứ và học hỏi rất nhiều từ các bạn bè quốc tế. Tôi như không cần phải đi vòng quanh Trái Đất mà nó đang xoay quanh chính mình.

[5] Chủ động và không sợ sai | Người Mỹ rất chủ động và tự tin. Khi họ có một suy nghĩ gì đó thì sẽ không ngần ngại nói. Khi họ muốn một cái gì đó thì sẽ tìm cách thực hiện. Từ nhỏ tôi đã được dạy là phải khiêm tốn, không được thể hiện, còn ở Mỹ tôi buộc phải tự tin hơn.

Dù đó là khi làm bài tập nhóm, có vấn đề gì đó khi mua hàng hay muốn góp ý với người bạn. Nếu bạn quá thụ động thì sẽ thiệt thòi cho bản thân và khó mà tiến xa. Bạn đừng sợ mình mắc sai lầm dù là khi nói tiếng Anh hay tò mò về gì đó vì chẳng có gì ngu ngốc hơn im lặng.

Có lẽ vì điều đó nên bây giờ tôi không ngần ngại nói ra suy nghĩ của mình về bất cứ điều gì. Khi bạn có một ý tưởng kinh doanh thì hãy thí nghiệm chứ đừng giữ nó trong đầu vì nó sẽ là ý tưởng chết.

Nghĩ lại thì tôi bắt đầu hiểu vì sao nước lại sản sinh ra những doanh nhân vĩ đại vì nơi đây tạo môi trường để tầm nhìn của họ có cơ hội trở thành hiện thực, dù ban đầu nghe điên rồi cỡ nào đi nữa. Vì không sợ sai, nên họ không ngại bày tỏ. Vì không sợ thất bại, họ nên tiên phong.

[6] Khám phá và du lịch | So với nước Anh, Mỹ như một châu lục riêng, nó rất lớn. Nhiều người còn chưa đi hết từ bờ Tây sang Đông. Thời đôi mươi ở Sài Gòn thì tôi rất muốn phượt từ Nam ra Bắc nhưng mỗi lần nghĩ tới đường xá là phải bỏ ý tưởng đó ngay vì quá nguy hiểm.

Nhưng khi ở Mỹ, tôi có thể đi mọi nơi với chiếc xe hơi. Nói ra không phải để so sánh nhưng nếu ở Việt Nam xe hơi là gì đó đắt đỏ thì ở Mỹ nó như xe máy vậy, ý tôi là có quá nhiều và giá cả vô cùng rẻ.

Chiếc đầu tiên của tôi, Toyota cũ, được mua lại chỉ với giá $5,000 và tôi đồng hành với nó mọi nơi. Từ chuyến xuống California hay lên Washington. Tôi chưa đủ tự tin và thời gian để đi sang những bang phía Đông như New York hay Florida. Nước Mỹ rất rộng lớn và có nhiều địa điểm để bạn khám phá. Nếu bạn là người thích du lịch thì không nơi đâu bằng nơi đây.

SUY NGẪM | Một năm trôi qua, hai năm trôi qua. Tôi tốt nghiệp thêm một lần nữa nhưng lần này là bằng thạc sĩ và cảm thấy mình đã chinh phục được cái gì đó.

Bây giờ khi đã trở về Sài Gòn làm việc, tôi vẫn cảm ơn nước Anh và Mỹ đã giáo dục và đào tạo tôi thành con người trưởng thành. Thật khó hình dung sẽ ra sao nếu tôi không có cơ hội đi đó đây. Tôi nghĩ mình sẽ rụt rè, nhút nhát và thụ động hơn so với hiện tại.

Khi kể về trải nghiệm của mình cho những bạn đi sau, tôi không chỉ coi du học là để học ở trường mà là một cuộc trải nghiệm xã hội để giúp con người phát triển hơn. Từ việc giao tiếp với người bản xứ, sống tự lập, đi làm, tiếp xúc với bạn bè quốc tế hay những chuyến đi xa, tất cả cộng lại trở thành một lực thúc đẩy sự tiến bộ trong mỗi cá nhân.

Cho nên khi ai đó kêu tôi miêu tả về mình, tôi sẽ không ngần ngại nói là tuy lớn lên ở Việt Nam nhưng tôi chỉ thực sự trưởng thành ở Anh và Mỹ. Lời kết chắc là “Thank you the UK and America.”

Các bạn trẻ hãy tung bay, đi đó đây để khám phá và va chạm. Thế giới này đang chờ bạn. Khi xa nhà và sống trong môi trường khác, bạn sẽ trưởng thành.

Bài viết trên là lời kể của một người bạn đã du học Anh và Mỹ.

Bóc Phốt Tài Chính | 07.5.2021

Tác giả: Trong Nhan Nguyen