Mỗi năm đến đợt này, với kết quả du học của tụi con – cũng như với nhiều bạn chọn con đường ở lại trong nước – thầy muốn nói rất rất nhiều điều với tụi con lắm.
15 năm qua, đã chứng kiến thật nhiều câu chuyện của bao nhiêu đứa rồi, mỗi đứa một con đường, một cách đi, cách sống và con đường trưởng thành, vui buồn, thành bại khác nhau. Lần nào cũng muốn nói thật nhiều, nhưng chưa bao giờ cảm thấy là đủ cả. Chắc là cũng bắt đầu già lẩm cẩm rồi. ^_*
Thế nên, cứ theo lệ, dẫu công việc bộn bề, năm nay cũng dành thời gian viết "một chút" gì đó. Vài điều có thể là mới với một số bạn, nhưng có lẽ nhiều điều đã là chuyện “nghe hoài – nghe mãi – nghe suốt rồi” với nhiều bạn khác. Nhưng thầy mong, tụi con hãy đọc, ngẫm và thấm, vì thầy tin rằng những điều này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thừa thãi cả.
Chỉ mong con đường phía trước của tụi con sẽ chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn và khai thác lẫn thật sự sống những năm tháng đại học tốt nhất có thể.
- - - - -
1. Khởi đầu không bằng bước tiếp
Nhận kết quả xong, con có thể vui sướng tột cùng, hoặc buồn bã chấp nhận một nơi tàm tạm, hoặc tạm gác thêm một năm để thử sức lại. Dù là gì, hãy nhớ nhé: Tất cả chỉ là khởi đầu. Khởi đầu này có thể có tí liên quan tới thành bại, vui buồn sau này, nhưng nó chưa bao giờ là yếu tố chủ đạo và quyết định.
Đi tiếp thế nào mới là quan trọng, và tương lai vẫn đang rục rịch tiến hóa từng giây phút, phụ thuộc vào những gì con làm tiếp sau đó và cách con bước đi.
- - - - -
2. Quản lý tự do
Bước vào đại học, và đặc biệt đi du học, là một bầu trời tự do: tự do về thời gian, về lối sống, chẳng ai quản lý hay thúc giục, càm ràm, lải nhải; con muốn làm gì, ăn gì, đi với ai, ngủ nghỉ ra sao thì tùy con. Sự tự do này sẽ rất mới mẻ và thú vị, đầy cám dỗ lắm đó. Nó có nhiều lợi ích lắm, nhưng nó cũng có cái giá của nó. Và đôi khi cái giá phải trả là rất đắt và con sẽ không nhận ra nó cho đến khi con “phóng vèo” qua 4 năm, bước vào đời.
Vì thế, có lẽ quan trọng nhất của thời đại học là quản lý sự tự do này. Thời gian và năng lượng của con nên có một danh sách thứ tự ưu tiên nhé. Ngày xưa, khi đi thầy đi du học năm 17 tuổi – cũng là lần đầu tiên bước ra thế giới, ba má có đưa cho thầy một bức ảnh gia đình, viết tay vài dòng căn dặn. Ngay dòng đầu tiên, ba má thầy ghi: Giữ gìn sức khỏe và học là trên hết, Ri nhé.
- - - - -
1 3. Tự bơi, tự học
Vào đại học, con sẽ chẳng có ai nhắc nhở con như các thầy cô thời cấp 3 đầu. Con phải tự bơi đó. Và khi tự bơi, con đừng nghĩ rằng sẽ có ai đó đứng trên thuyền, nhìn con bơi rồi tự nhảy xuống cứu con.
Đại học và cuộc sống có rất nhiều nguồn lực. Hãy luôn có ý thức, động lực để đi tìm và khai thác triệt để các nguồn lực đó. Quan trọng ai là người khôn để đi “cào cấu” các nguồn lực tốt nhất có thể, như con một sư tử đói đi tìm miếng thịt tươi.
Thế giới và cuộc đời ngoài kia không có nhiều chỗ cho những con người thụ động, ngồi chờ sung rụng đâu con nhé. Tự học, tự học và tự học.
- - - - -
4. Xây dựng người chữ T
Học là ưu tiên trên hết, nhưng cũng đừng chỉ ru rú bên sách vở. Có nhiều thứ để trải nghiệm lắm: hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, các thử thách, thực tập, việc làm thêm, network,… Nhưng đừng ôm đồm, nhảy cóc một rừng hoạt động. Hãy chắt lọc.
Nhìn vào bản thân mình và thấy mình thiếu kỹ năng gì, thì hãy chọn trải nghiệm nào giúp con khắc phục kỹ năng đó nhé. Sẽ là một điều rất dở nếu con đi qua 4 năm đại học và chỉ có một tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, nhưng toàn bộ kỹ năng mềm của con vẫn ngang lè phè như trước khi con bước vào đại học.
Thế giới đang rất cần những người chữ T – thanh dọc là kiến thức và kỹ năng chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó; còn thanh ngang chính là độ rộng trong kiến thức ở các khía cạnh khác và kỹ năng mềm. Để ra trường, có thể con không làm đúng chuyên ngành – cũng không sao cả, nhưng con có đủ kiến thức và kỹ năng nền để nhảy sang một việc khác và vẫn rất thành công.
- - - - -
5. Mỗi ngày nhâm nhi vài trang sách
Con có biết bao nhiêu sinh viên đi qua thời đại học và thậm chí còn không đọc xong được một cuốn sách nào, ngoài những cuốn giáo trình chuyên ngành không? Ừ thì, những bạn đó cũng sẽ tốt nghiệp, vài bạn tốt nghiệp khá giỏi là đằng khác. Nhưng công việc và cuộc sống lúc nào cũng đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn là cách nhìn của chúng ta về vô số lĩnh vực chồng chéo, đan cài vào nhau.
Chưa kể, con sẽ gặp rất nhiều biến cố trong cuộc đời, bản nhạc đó lên xuống thất thường lắm. Đôi khi một quyển sách có thể sẽ “cứu” con nhẹ nhàng đi qua những thăng trầm đó. Còn nếu vì may mắn, con đường con đi khá êm ái và nhẹ nhàng, thì hãy tin rằng: Đọc một quyển sách cũng sẽ giúp con có một sức tập trung kinh khủng, hiệu suất làm việc của con cũng đã hơn khối người suốt ngày làm cái gì cũng chỉ có phe phẩy vài ba nốt nhạc.
Hãy “ép” mình đọc sách, dù khởi đầu có chán nản và khó nhai đến đâu, cho đến khi nào nó thành hơi thở của con, nhẹ nhàng, sâu lắng và... nghiện sách.
- - - - -
6. Dành thời gian cho bản thân được... tĩnh
Đời sống sinh viên nhiều rầm rập, xập xình như toa tàu lắm đó. Nhiều khi con sẽ không nhận ra là mình bị cuốn theo dòng chảy quay cuồng ấy đến đâu đâu. Rồi bỗng dưng, khi con đang “tận hưởng” những guồng quay đó, con chợt nhận ra:
Thôi chết, sao thời gian phọt nhanh vậy. Và nhìn lại quãng đường đã đi, con thấy không có nhiều lắng đọng, sâu sắc mà chỉ là một rừng trăm nghìn mảnh vỡ, mỗi thứ một chút, mau đến mà cũng chóng quên, vui đấy nhưng không để lại nhiều giá trị.
Thầy sợ và lo tụi con cứ như những con “zombies” bị lập trình bởi nhịp sống mà cứ tưởng mình đang kiểm soát cuộc sống vậy. Mỗi ngày, dành chút thời gian lắng cho bản thân, xây dựng thói quen tĩnh tâm, phản tư, xem thử một ngày đi qua mình đã làm được gì, lớn lên được ở một điều nhỏ nhặt nào chưa, và nếu ngày mai chỉ có thể làm một điều thôi, thì đó sẽ là điều gì. Và sáng mai thức dậy, hãy dốc sức để hoàn thiện điều đó tốt nhất có thể.
Khi đó, tuy con tĩnh lặng và tưởng chừng như chẳng làm gì, nhưng thật ra con đang giúp cho mình lớn hơn nhiều người cả một cái đầu và bình an hơn phần lớn xã hội này rồi đó.
- - - - -
7. Mở rộng quan hệ nhưng có chắt lọc
Vào đại học, con gặp một thế giới đủ loại người và các mối quan hệ chằng chịt, chồng chéo, rải rác. Mỗi thứ đều có giá trị cho con, giúp con mở rộng thế giới quan và nếu được khai thác tốt, sẽ giúp con xây dựng kỹ năng giao tiếp và làm việc với đa dạng loại người. Điều này quý lắm.
Thế nhưng, đừng đi qua thời đại học mà không xây dựng được cho mình một vài mối quan hệ chắt lọc, sâu sắc và chân thành. Tất nhiên không có thì cũng chẳng chết ai. Nhưng thầy thấy như vậy nó hơi buồn. 4 năm đi qua mà không có vài đứa bạn thấu hiểu, sống vì nhau để mai kia ra đời, những lúc lạc lõng và tụt mood thì có thể alô hoặc nhắn tin: Mày ơi, ra café cho tao xả chút.
Và con biết khi đó, đầu dây bên kia sẽ không do dự mà gật cái rụp, để con an tâm xổ hết những gì trong cái thúng đầy nước đục của cõi lòng, không do dự và không sợ bị nó đánh giá như nhiều người khác ở đời.
- - - - -
8. Làm bạn với thất bại
12 năm học phổ thông, có thể vì nhiều lý do, con có lẽ được bảo bọc khá kỹ và được “miễn dịch nhân tạo” trước thất bại. Thầy mong con hãy dùng thời gian đại học để xây dựng hệ miễn dịch tự nhiên đối với thất bại. Và cách duy nhất để làm được điều đó là cho phép mình thất bại, hoan nghênh thất bại và đi qua thất bại.
Thất bại đầu sẽ đắng họng, xám xịt lắm. Thất bại thứ hai đắng hơn, xám đen hơn. Thất bại thứ ba có thể tệ hơn nữa, hoặc cũng có thể “sáng sủa” hơn chút… Nhưng điều quan trọng là thái độ, tinh thần và cảm xúc của con với thất bại sẽ đỡ hơn lần đầu tiên. Và cái tâm thế của con đi qua mỗi thất bại sẽ vừa quyết liệt, lại vừa bình an hơn. Vì những trưởng thành sâu sắc nhất thường bắt đầu từ thất bại.
Thế nên, có môn học nào thú vị hấp dẫn nhưng con sợ khó, sợ rớt thì thầy khuyên con: Hãy học môn đó và chiến đấu hết mình với nó. Con sẽ lớn nhanh và nhiều hơn là con nghĩ đó.
- - - - -
9. Khi quá tải, xem lại cái tủ lạnh
Mỗi ngày học đại học là một ngày con sẽ chất vào trong cuộc sống mình nhiều thứ lắm, lớn có, bé có, nặng có, nhẹ có. Nếu con không để ý thì cũng không sao cả. Nhưng đến một lúc nào đó, mọi thứ quá tải và con cảm thấy mệt mỏi.
Nếu vậy thì hãy tự nhắc là: Có lẽ cái tủ lạnh đã chất đầy quá nhiều thứ, trong đó lắm thứ cũng thừa thãi và thối rữa rồi. Dành chút thời gian, xem lại mọi thứ từ A đến Z, bỏ tất cả ra khỏi cái tủ lạnh cuộc sống của con. Sau đó, hãy đặt từng thứ lại vào trong tủ lạnh, từ cái quan trọng nhất và chỉ nên dừng ở con số 4-5 gì đó thôi nhé.
Hồi xưa, vài lần mệt mỏi, thầy cho phép bản thân biến đi đó vài ngày. Sau này, gặp những biến cố lớn trong đời, hoang mang, mệt mỏi, lạc lõng, thì có khi thầy dành cả tháng trời. Và đây là những thứ thầy đặt lại trong tủ lạnh của mình – và đến giờ vẫn thế: chuyện học, vài mối quan hệ sâu sắc, 1-2 hoạt động ngoại khóa, và gia đình.
- - - - -
10. Một cuộc gọi không tốn nhưng rất đáng
Bận gì thì bận, nhưng con nhớ thường xuyên gọi về cho ba má nhé, được nữa thì online cho ba má xem cái mặt con mập ốm thế nào, tóc con dài ngắn ra sao. Con thì chắc bận lắm, nên có thể không nghĩ về ba má nhiều đâu, nhưng hai “em bé lớn tuổi” đó chắc lúc nào cũng nghĩ về con đó.
Chỉ là vì thương con, nên ba má ngại, không dám gọi con thôi. Mà ba má có gọi con nhiều quá, con có thể cảm thấy phiền hà, khó chịu thì những lúc đó, thầy mong con cố tự nhủ bản thân là: Ba má chắc nhớ mình lắm. Số lần gọi thường là tỷ lệ thuận với tình yêu, nỗi lo và nỗi nhớ đó.
Thế nên, con chăm gọi điện về nhà hơn nhé, đôi khi một tuần 1-2 lần thôi là cũng đủ cho ba má con rồi, không nhiều đâu. Một tiếng “Ba má dạo này có khỏe không?” của con còn hơn một liều thuốc bổ đắt tiền đó và chắc ông bà sẽ nở nụ cười thật to trên gương mặt, và cả trong lòng. Thêm chia sẻ vài câu chuyện vu vơ của con nơi trời xa, tưởng là bình thường cơm bữa "nhạt ơi là nhạt" với con thôi, nhưng là hạnh phúc và niềm vui cả tuần của ba má con đó.
Vài phút trong quỹ thời gian một ngày hay một tuần của con thôi, nhưng có lẽ đó là tất cả những gì ba má con cần những ngày con xa nhà. Thời gian còn lại của ba má không được nhiều như của con đâu.
- - - - -
Tất nhiên con số 10 điều chắc chắn là không đủ. Nhưng thầy cũng không biết là con có đủ kiên nhẫn đọc hết không, hay chỉ lướt lướt cho qua rồi lại bấm quẹt cái khác. Nếu con có kiên nhẫn và bình an đọc đến đây rồi, thì thầy tặng con thêm điều cuối cùng này nhé:
Sống mạnh mẽ.
Sống bản lĩnh.
Sống bình an.
Hãy đi tìm những hạnh phúc đích thực của trưởng thành từ những điều bình dị, chân thành, bền vững con nhé. Vì cuộc đời này đã quá thừa thãi những thứ mì ăn liền, hào nhoáng và chóng đến, vội đi rồi. Bản thân con và cuộc đời con xứng đáng được nhiều hơn những thứ ấy.
Yêu thương đong đầy. Bình an lắng đọng. Và bản lĩnh bước tiếp, nhé con nhé.