Mỗi lần có thành viên mới chào sàn chứng khoán thì hay có vụ đánh chiêng chào mừng, nhưng chắc ít người biết lịch sử ra đời như thế nào?

Hóa ra ý tưởng vụ đánh chiêng này là của ông Lý Xuân Hải - cựu CEO ngân hàng ACB. Dưới đây là nguyên văn câu chuyện được ông Hải chia sẽ trên trang facebokk cá nhân.

------‐---------------------

Tôi đã từng làm ở công ty chứng khoán ACB (ACBS). Năm 2002 ACBS tư vấn niêm yết cho công ty Thuỷ Sản 4 (Mã TS4). Thời điểm bắt đầu niêm yết là ngày 08/08/2002 - ngày toàn số đẹp được chọn.

Chỉ trước khi niêm yết 3 ngày, trong giai đoạn chuẩn bị, ngồi với anh Trần Đắc Sinh - Tổng Giám đốc TT Giao dịch Chứng khoán (STC) tên cũ của HOSE- nghe anh bảo có ý kiến đề nghị nên theo thông lệ TT Chứng khoán New York (NYSE) là khi có thành viên mới chào sàn thì bấm chuông chào mừng. Tôi bảo: “Hay anh ạ. Nhưng mình là người Việt Nam, con cháu Vua Hùng và văn hoá trống đồng. Để em tìm mua cái trống đồng tặng STC. Mỗi đơn vị chào sàn mình đánh trống đồng chào mừng cho mang nét văn hoá dân tộc. Bọn em tài trợ cho STC vụ này”. Anh Sinh bảo: “Tui thấy hay. Ông triển khai đi”.

Tôi về giao nhóm Châu “già”, Lynh “già” Cafe Index, Chinh “béo”, Phượng “mama tổng quản”, Khôi “chuyên gia thất tình”, Tuấn “lầy”, Thuần, Chung “chim”, Thắng ... nhiều cái tên nổi tiếng một thời khi thị trường chứng khoán còn phôi thai... đổ túa khắp Sài Gòn đi tìm mua một cái trống đồng mô hình để tặng. Suốt 2 ngày không kiếm đâu ra. Tôi gọi cho anh Sinh báo là không kiếm được trống đồng. Đúng lúc ấy có chương trình lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên đang được quảng bá. Tôi bảo anh Sinh: “Không có trống đồng, thôi ta thay bằng cái chiêng. Cũng rất dân tộc anh ạ”. Anh Sinh đồng ý và còn nói thêm “Tụi em được quyền gắn chữ ACBS tặng”. Tôi bảo anh: “Tặng là tặng chứ không cần ghi tên làm gì. Quan trọng là mọi người thấy hay!”. Ấy vậy mà không kịp ngăn vì khi mang chiêng về có 1 cậu, hình như là Khôi và Châu “già”, đã kịp lấy đinh nguệch ngoạc viết mấy chữ mờ mờ: “ACBS kính tặng” phía sau của chiêng. Chỉ còn 1 ngày, tôi nhanh chóng vẽ ra thiết kế mẫu cái giá gỗ treo chiêng để Châu “già” kịp làm gấp trong ngày. Vội vã thế nhưng khi mang lên mọi người đều thấy được, không ai chê.

Người đầu tiên trong lịch sử ngành chứng khoán Việt Nam gõ chiêng lên sàn là anh Phương CT-TGĐ của công ty Thuỷ Sản 4 ngày 08/08/2014. Nhiều năm sau gặp nhau anh Sinh vẫn nhắc chuyện này và nói đã không biết bao nhiêu nguyên thủ, chính khách của Việt Nam, các cường quốc và tổ chức quốc tế đã đánh chiêng của sàn STC và sau là HOSE. Nghe kể chiêng cũ do đánh nhiều bị nứt nên đã được thay bằng chiêng mới và giá treo mới. Nhưng thú vị là hình dáng giá treo mới không khác thiết kế giá ban đầu của tôi là bao. Chứng tỏ tài năng thiết kế cũng được!

Lịch sử đánh chiêng của TTCK Việt Nam ra đời là như thế. Âu cũng là một dấu ấn của cá nhân tôi với TTCK Việt Nam vào cái thuở “ban đầu lưu luyến ấy” và tính cách quyết đoán dám làm của anh Sinh.

Cũng phải nói thêm hồi ấy thị trường mới ra đời, số lượng công ty niêm yết ít, quan hệ giữa UBCKNN, STC, các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán rất chân tình, cởi mở và tin tưởng nhau như anh em chiến hữu. Nhiều chuyện quan trọng được mang ra bàn thảo chung và quyết cái rẹt. Kiểu như chuyện cái chiêng và không chỉ chuyện ấy. Nhiều chương trình quan trọng như bán đấu giá DNNN cổ phần hoá qua STC, ý tưởng ban đầu cũng hình như của anh Sinh, được bàn nhau triển khai như nghiên cứu khoa học và quyết rất nhanh. Bàn bạc cãi nhau như mổ bò, người nêu ý tưởng không ngán ngại nhìn trước nhìn sau và người quyết dám quyết và không sợ chịu trách nhiệm.

Thân đến mức thi đấu giải tennis ngành chứng khoán tổ chức ở Bình Quới, ACBS của tôi đánh đôi lãnh đạo thua bét giải (thật ra lúc ấy tôi không biết đánh tennis không định dự nhưng STC bắt tham gia cho đủ tụ nên nội bộ chúng tôi ra chỉ tiêu: không thua trắng 6:0 là thắng). Vì thế thua nhưng vẫn tuyên bố thắng và rất cùn: “Em đi thi nhiệt tình theo kêu gọi của STC thế mà không có giải thưởng em không chấp nhận, không dự tổng kết và không chơi với các anh chị nữa”. Bởi cái tội to mồm theo chiến thuật “đánh nhau quan trọng là hét to, không cần khỏe” của Azit Nexin nên không ai dám trao giải đạo đức... Hehe. Cùn thế mà lại được chiều. Chị Phan Thị Tường Tâm PTGĐ STC, trưởng Ban tổ chức giải, phải đôn đáo sai mua thêm một cái cúp và vắt óc nghĩ ra giải “Đội có cổ động viên nhiệt tình nhất”. Ấy là vì ACBS tuy đánh tennis kém nhưng có mấy con thuồng luồng cả nam lẫn nữ uống bia thôi rồi. Đi nguyên công ty, bọn ấy lên tầng 2 mua mấy thùng bia lạnh và một mâm mồi, chả theo dõi thi đấu nhưng cứ mỗi lần cụng là hò hét cổ động bọn tôi điếc hết cả tai Ban tổ chức và cũng làm đối thủ “cóng” nên bọn tôi chỉ thua 1:6-3:6 chứ không thua trắng. Quan trọng là bia hết sạch thì vừa hết trận. Cúp ấy sau mang về chưng ở ACBS ai đến thấy cũng nể nhưng đọc thì không ai hiểu và phì cười. Không biết giờ ACBS còn lưu cúp ấy không?

Vào thời điểm ấy quy mô thị trường rất nhỏ. Năm 2003 có ngày doanh số giao dịch có 300 triệu VND. Nói chuyện trong một buổi giao lưu với STC tôi nói: “Biết khi nào TTCK Việt Nam như TTCK Malaysia: giao dịch mỗi ngày 300 triệu nhưng không phải là VND mà USD nhỉ!”. Mọi người đều trầm ngâm như “ông nằm mơ nước Nga” vậy và bảo nhau chắc còn lâu, lâu lắm. Các hình thức đặt lệnh từ xa, tức là chuyển lệnh trực tiếp từ công ty chứng khoán và đặt lệnh qua Internet hay điện thoại mãi sau này mới dám thử nghiệm, còn thì toàn phải nhập lệnh tại STC. Các sản phẩm phái sinh thì mới chỉ là nghiên cứu. Khớp lệnh chỉ định kỳ chứ không liên tục (ngoài sàn Hà Nội).

Những ngày qua Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam lập hàng loạt các kỷ lục tăng vọt: Số lượng nhà đầu tư tăng vọt, khối lượng lệnh và giá trị giao dịch tăng vọt, giá trị thị trường tăng vọt, chỉ số VNIndex tăng vọt. Ước mơ 300 triệu đã bị vượt qua gấp 3 lần khi khối lượng giao dịch đạt gần 1 tỷ USD/ngày. Phải nói là rất đáng mừng cho TTCK Việt Nam sau 20 năm phát triển đã lớn rất nhanh cả về lượng và chất. Thị trường với “các nhà đầu tư ngây thơ và các công ty chứng khoán, nhà tư vấn, ngây ngô” như anh Lê Xuân Nghĩa lúc ấy trêu bọn tôi, đã lột xác trở thành một kênh huy động vốn quan trọng quy mô lớn, dành cho các nhà đầu tư bản lĩnh với túi tiền nặng ký và các công ty chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh các yếu tố tích cực ấy gần đây bắt đầu có hiệu ứng phụ: tình trạng, tần suất nghẽn hệ thống xử lý lệnh cũng tăng vọt.

Nhưng tình trạng “hạ tầng tắc nghẽn” ấy có vẻ còn như một dấu hiệu đặt ta mang tính căn cơ hơn: Có phải chỉ hạ tầng CNTT? Theo tôi với thị trường hiện nay không chỉ có vậy.

1. Trước hết là sứ mệnh: Mọi nền tài chính đứng trên hai chân trụ là Thị trường Vốn (TTCK) và Thị trường tiền tệ (Ngân hàng). Hai thị trường này cần gắn bó với nhau, hỗ trợ nhau và cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chiến lược là cung cấp vốn, phân bổ vốn và luân chuyển vốn cho nền kinh tế. Với quy mô hiện nay của TTCK Việt Nam có thể nói đã ngang tầm với TT Tiền tệ để thực hiện sứ mệnh phục vụ kinh tế Việt Nam. Với vô số lợi thế, tôi nghĩ hoàn toàn đã đến lúc nghĩ đến để TT Tài chính Việt Nam vươn ra khu vực gần: các quốc gia Đông Dương và lân cận là Lào, Campuchia, Myanmar... Hiện nhiều Ngân hàng Thương mại Việt Nam đã vươn ra khu vực này nhưng TTCK thì chưa thấy.

2. Thị trường hàng hoá: Một chủ đề quan trọng, đang là khoảng trống và quy mô quá nhỏ bé, thô sơ.

3. Như một theo dõi riêng tôi thấy ở các quốc gia đủ rộng lớn có nền kinh tế phát triển trung tâm Tài chính và Trung tâm Chính trị thường không nằm chung một chỗ: Mỹ là New York và Washington, Đức là Frankfurt và Berlin, Trung Quốc là Thượng Hải và Bắc Kinh... đây cũng là các trung tâm tài chính toàn cầu lớn nhất hiện nay. (Hỏi chuyện một anh bạn chuyên gia phong thủy, anh ấy bảo cũng như xây dựng điểm kinh doanh không nên gần hay đối diện đền, chùa. Không biết vì sao nhưng quả thật khi chọn địa điểm các doanh nhân thường làm vậy). Đặc điểm chung của các trung tâm này là lịch sử và gần với khu vực kinh tế phát triển. Với cách nhìn ấy hoàn toàn có thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Mình, trung tâm tài chính tiền tệ của Việt Nam, thành trung tâm tài chính tiền tệ cho khu vực Đông Dương và lân cận. Với quan hệ lịch sử sẵn có, thuận tiện về địa lý và ưu thế về quy mô... TP Hồ Chí Mình đang sẵn có hình hài của một Trung tâm Tài chính, Financial HUB, của khu vực và thực hiện sứ mệnh là cửa ngõ bước vào nền kinh tế khu vực này. Chỉ cần một chương trình chiến lược hợp lý và bộ máy triển khai nhanh nhạy.

4. Hạ tầng pháp lý và chuẩn mực, bao gồm quản trị: Để Việt Nam trở thành HUB Tài chính- Tiền tệ cần phải hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Để hội nhập chúng ta cần nói chung một ngôn ngữ pháp lý, áp dụng chung một chuẩn mực kỹ thuật và chuẩn mực quản trị. Quá trình này trên thực tế đang diễn ra và đến hôm nay có thể nói hạ tầng đã có phần nào. Chỉ cần tiếp tục thay đổi một cách nhất quán.

5. Hạ tầng giao thông và Logistics: Mọi giao dịch tài chính tiền tệ đều gắn ít nhiều với giao dịch hàng hoá. Do vậy việc quy hoạch và thiết lập hạ tầng giao thông và logistics là rất cần thiết bên cạnh thị trường tài chính.

6. Hệ thống doanh nghiệp: Mọi thị trường tài chính mạnh đều gắn với nền kinh tế lớn và mạnh. Mọi nền kinh tế lớn và mạnh đều cấu thành bởi doanh nghiệp mạnh, cạnh tranh tốt. Các trung tâm tài chính của các vùng lãnh thổ, quốc gia nhỏ không có nền kinh tế lớn thì xây dựng hạ tầng mạnh bên cạnh các nền kinh tế lớn như Hongkong gắn với châu Á và sau là Trung Quốc, Singapore với Châu Á và Đông Nam Á, Dubai với Trung Đông. Việt Nam với thị trường 100 triệu dân hoàn toàn có thể và đang trở thành một nền kinh tế quy mô không nhỏ. Theo tôi đánh giá GDP Việt Nam sẽ đạt 500-600 tỷ USD (nominal) không quá khó khăn. Khó khăn của bẫy thu nhập trung bình là sau đó. Trong quá trình này hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và khu vực hoàn toàn có thể trong vài chục năm tới đạt cấu trúc một kim tự tháp với một số doanh nghiệp giá trị dăm chục thậm chí trăm tỷ đô; vài chục doanh nghiệp 10-20 tỷ đô; dăm chục một trăm doanh nghiệp tỷ đô và hệ thống rộng khắp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ. TTCK và TT Tiền tệ phục vụ hệ thống Thị trường Tài chính và doanh nghiệp quy mô như thế này chắc sẽ khác xa ngày hôm nay. Và đòi hỏi một hạ tầng CNTT hoàn toàn khác.

Mấy hôm nay lùm xùm vụ sàn HOSE bị nghẽn... lại nhớ ước mơ 300 triệu ngày nào. Thấy thật đáng mừng khi ước mơ ngày nào thành sự thật.
Nguyên nhân thì truyền thông đã bàn nát, các giải pháp tình thế, ngắn hạn cũng không ít. Các câu hỏi của bài viết dưới đây nêu ra không hề ngắn hạn và cần cách tổ chức thực hiện vừa nhanh vừa hợp lý, hợp tình.

Chỉ đáng tiếc chút xíu là thị trường lớn nhanh đến mức các cơ quan quản lý thị trường hơi chậm trong việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật. Nhưng tôi tin chỉ một thời gian không lâu nữa sẽ được giải quyết vì chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Tôi vẫn mơ để Việt Nam đặt các mục tiêu và sứ mệnh như ở trên. Mơ một ngày nào đó TP Hồ Chí Mình - Việt Nam trở thành Trung tâm Tài chính khu vực. Và các loại hạ tầng lúc ấy sẽ được chuẩn bị kỹ để không bị “nghẽn” như bây giờ.
Mà nếu có nghẽn, thì là lúc chúng ta lại có quyền mơ tiếp.

Tác giả:  Lý Xuân Hải