Không còn hào hứng săn sale

H, một nhân viên văn phòng ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, “ Mọi năm mình cũng chờ ngày sale để săn hàng nhưng năm nay một là không có thời gian với thứ hai là những năm trước hầu như đều mua nhiều quá, có cái thấy rẻ thì mua nhưng không dùng đến. Vì vậy, năm nay mình không tham gia, buổi tối nếu có thời gian mình sẽ lên xem thử để mua một chiếc nồi áp suất, dù giảm giá hay không mình cũng vẫn mua vì đang đúng nhu cầu”.

deal-chung-doi-big-c-blog-copy-1636708082.jpg

Còn N.A, một sinh viên tại Cầu Giấy, Hà Nội thì cho biết một bí quyết săn sale hiệu quả trong ngày này đó là canh đúng các khung giờ và tìm thật nhanh thứ mình đang cần. Nếu muốn mua sắm mà không bị tốn quá nhiều tiền thì tốt nhất là đừng lang thang vào các danh mục sản phẩm khác.

“Các khung giờ săn sales thường diễn ra vào những thời điểm người tiêu dùng ít mua hàng nhất, chẳng hạn như giữa trưa, đêm khuya 11 giờ, 12 giờ, thậm chí là 3-4 giờ sáng,… Săn sales vào những thời điểm này thường khiến tôi mệt mỏi, các sản phẩm mua được đôi khi lại không dùng đến và giá cũng không thực sự giảm,” N.A cho biết. “Nên việc đánh đổi thời gian và sức khoẻ cho những dịp thế này không còn cần thiết.”

Thu nhập giảm

Một trong những nguyên nhân làm hạ nhiệt đợt mua sắm năm nay chủ yếu là do thu nhập giảm. Khủng hoảng dịch bệnh liên tiếp bùng phát từ đầu năm đã làm kiệt quệ nền kinh tế, gây ảnh hưởng nặng nề đến công ăn việc làm của nhiều người.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,67% - mức cao nhất kể từ quý 1 năm ngoái. Tính đến tháng 7 năm nay, cả nước có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp. Với tỷ lệ ngày càng tăng, con số thực tế bây giờ có thể lớn hơn rất nhiều.

Những người đang có việc làm thường bị giảm lương, thay ca làm luân phiên để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Từ đó thấy rằng so với thời điểm trước dịch, người tiêu dùng không còn nhiều khoản để chi cho những dịp mua sắm, kéo theo sự giảm nhiệt ở các chương trình khuyến mãi năm nay.

T.A, một nhân viên tại ngân hàng tại Đà Nẵng cho biết, “Kể từ năm 2019 trở về trước, năm nào tôi cũng dành ra khoảng 4-5 triệu mua sắm cuối năm. Nhưng kể từ năm ngoái tôi đã phải giảm bớt khoản chi này. Đến năm nay có thể giảm hơn nữa.”

Mùa kinh doanh cuối năm đầy thách thức

Mùa mua sắm cuối năm nay sẽ có rất nhiều thách thức cho các nhà kinh doanh sau một thời gian dài giãn cách. Nhiều hành vi tiêu dùng, khả năng chi trả của người mua đã thay đổi nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó nắm bắt để có những điều chỉnh phù hợp.

mua-sam-1636708119.jpg

Bà Nguyễn Phương Nga, đại diện Kantar Việt Nam, cho rằng dịch bệnh khiến người dân lo lắng đến công việc nên ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm. Người tiêu dùng vẫn sẽ ăn tết nhưng bữa cơm gia đình sẽ có quy mô nhỏ hơn, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến cách trữ thực phẩm, đồ uống ngày tết cũng như cách mua sắm cuối năm cho cao điểm tết.

"Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy chân dung người tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Người tiêu dùng sẽ ưu tiên giá cả và chú trọng chất lượng tương xứng. Ngay cả cách thức mua sắm quà tặng cũng khác. 40% lựa chọn tặng quà giao đến nhà người nhận. Người tiêu dùng cũng không muốn đi đến cửa hàng hay đi tặng quà nhau", bà Nga phân tích.

Các chuyên gia cũng nhận định người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng gián đoạn. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận tết hơn.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, giám đốc Unilever toàn cầu Gro 24/7, nhiều nhà bán lẻ vẫn đánh giá mùa tết có thể chiếm đến 40% doanh số cả năm. Vì vậy, câu chuyện dự báo nhu cầu, điểm rơi rất quan trọng. "Khả năng dự báo quyết định lớn nhưng trong thời điểm COVID-19 rất khó làm được điều này. Doanh nghiệp nào linh hoạt trong đọc thị trường và đáp ứng nhu cầu của người mua vẫn có cơ hội thắng thế", ông Sơn nói.