Trong thống kê về Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán – cập nhật đến ngày 3/7/2021, chúng ta có thể thấy xuất hiện thêm 2 cái tên mới trong năm nay là ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Novaland và ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Phát Đạt.
Theo đó, ông Bùi Thành Nhơn đang sở hữu 317.341.075 cổ phần của Novaland (NVL) trị giá 37.764 tỷ đồng, đang đứng vị trí thứ 3. Sự giàu lên nhanh chóng của doanh nhân 63 tuổi này là nhờ cổ phiếu NVL của Novaland đã bứt tốc ngoạn mục lên 121.000 đồng/cp, gấp 2,5 lần chỉ trong nửa năm vừa qua.
Tập đoàn Novaland cho biết, định hướng tiếp tục của họ là sẽ đầu tư vào phân khúc BĐS trung – cao cấp với quỹ đất khoảng 5.400 ha, tổng giá trị phát triển quỹ đất đạt 45 tỷ USD. Trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ bổ sung quỹ đất thêm khoảng 10.000 ha.
Năm 2021, Novaland đề ra kế hoạch doanh thu thuần 27.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ, tăng lần lượt 447% và 5% so với thực hiện năm trước. Năm nay, tập đoàn này cũng sẽ tiếp tục phát triển các dự án ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng.
Phần mình, ông Nguyễn Văn Đạt đang giữ trong tay 297.690.510 cổ phần của bất động sản Phát Đạt (PDR), trị giá 28.549 tỷ đồng, chiếm vị trí thứ 6 và đứng trước cả tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Sovico và Phó Chủ tịch kiêm CEO của VietJet. Trong khoảng nửa năm vừa qua, cổ phiếu PDR tăng phi mã hơn 120%.
Năm 2021, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.868 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 53% so với năm ngoái. Công ty bất động sản này mới đây vừa chính thức sở hữu dự án Bình Dương Tower, qua đó nắm toàn quyền quyết định việc phát triển dự án có diện tích 45.510 m2 này.
Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ngoài ông Nhơn và ông Đạt, lần lượt còn có ông Phạm Nhật Vượng – vị trí thứ 1 (cổ phiếu trị giá 225.173 tỷ đồng), Trần Đình Long – vị trí thứ 2, Hồ Hùng Anh – vị trí thứ 4, Nguyễn Đăng Quang – vị trí thứ 5, Nguyễn Thị Phương Thảo – vị trí thứ 7, Nguyễn Đức Thụy – vị trí thứ 8, Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup – vị trí thứ 9 và kết danh sách là ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Vicostone.
Với tổng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ta có 7 tỷ phú USD, người chốt danh sách chính là CEO Vietjet – sở hữu gần 60 triệu cổ phiếu HDB - 47,5 triệu cổ phiếu VJC và 154, 7 triệu cổ phiếu VJC (gián tiếp sở hữu thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny). Tổng giá trị cổ phiếu của bà Thảo khoảng 26.616 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, nếu soi vào danh sách tỷ phú USD Việt Nam mà Forbes công bố trong vào tháng 4/2021, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác biệt thú vị. Đầu tiên: không phải cứ là tỷ phú USD trên sàn chứng khoán Việt Nam sẽ nghiễm nhiên lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes; thứ hai, có những tỷ phú không xuất hiện trên sàn chứng khoán, vẫn được Forbes công nhận sự giàu có nếu thật sự…giàu có.
Trong danh sách những tỷ phú USD trên khắp thế giới của Forbes năm 2021, Việt Nam có 6 cái tên, lần lượt bao gồm: Phạm Nhật Vượng – tổng tài sản 7,3 tỷ USD – đứng thứ 344 của thế giới, Nguyễn Thị Phương Thảo – 2,8 tỷ USD – 1111, Trần Đình Long – 2,2 tỷ USD – 1444, Hồ Hùng Anh – 1,6 tỷ USD – 1931, Trần Bá Dương và gia đình – 1,6 tỷ USD – 1931 và Nguyễn Đăng Quang – 1,2 tỷ USD – 2378.
Ông Trần Bá Dương lần thứ 4 có mặt trong danh sách, còn ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang tái xuất sau 1 năm vắng mặt.
Tóm lại, dù ông Bùi Thành Nhơn và ông Nguyễn Văn Đạt đều là tỷ phú USD trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn chưa được Forbes công nhận là người giàu tầm cỡ thế giới. Trong khi ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco, dù doanh nghiệp của ông chưa chính thức IPO, vẫn được Forbes ghi nhận.
Tuy nhiên, hiện tượng này không có gì lạ trong giới tỷ phú. Năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, dù sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị tới 2 triệu USD trên sàn chứng khoán, vẫn nằm ngoài danh sách tỷ phú USD Việt Nam của Forbes.
Forbes từng cho biết việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú trên thế giới rất khó khăn. Và để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau.
Cụ thể, Forbes định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.
Các phóng viên của tạp chí này phỏng vấn cả những cá nhân có liên quan tới các tỷ phú để ước tính khối tài sản ròng họ sở hữu. Và tài sản trên sàn chứng khoán chỉ là một trong các tham số của Forbes trong việc quyết định đưa tên các đại gia vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
Đó là nguyên do, dù nhiều năm đứng top đầu trong danh sách những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, nhưng ông Trịnh Văn Quyết chưa từng một lần lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes. Nhìn vào hoạt động kinh doanh của FLC hay cổ phiếu của doanh nghiệp này, chúng ta sẽ thấy chúng thiếu sự ổn định và bền vững. Hiện ông Quyết đang đứng vị trí thứ 31 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán, tổng giá trị các mã cổ phiếu khoảng 4.369 tỷ đồng.
Thế nên, có thể ông Bùi Thành Nhơn và ông Nguyễn Văn Đạt đang trong danh sách theo dõi của Forbes, nhưng để thành công lọt vào mắt xanh của tạp chí này, cần thêm thời gian và cả hai phải thể hiện tốt hơn nữa trên thương trường. Tài sản chỉ dựa vào mỗi sàn chứng khoán là khá ảo!
Ngược lại, sở dĩ ông Trần Bá Dương chưa lên sàn vẫn được Forbes công nhận vì ông giàu thật sự, theo kiểu ‘tiền tươi thóc thật’. Do chưa chính thức IPO, nên Thaco hiếm khi công bố tình hình kinh doanh – chỉ số tài chính của họ một cách rõ ràng, tuy nhiên thông qua các thương vụ đầu tư – thâu tóm ‘vua cá tra’ Hùng Vương cùng Agrico HAGL, mọi người đều biết ông và gia đình của ông nhiều tiền như thế nào.