2021 – Ngành mì gói Việt Nam tăng trưởng mạnh

Trong thời gian Covid đang hoành hành, thực phẩm khan hiếm, thì mì gói có lẽ là sản phẩm thức ăn sẵn được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam. Trong năm 2018, Việt Nam tiêu thụ 5.2 tỷ gói mì, đứng thứ 5 thế giới.

 

Sau đó, chúng ta đã tiêu thụ lên đến 7 tỷ gói trong năm 2020, vươn lên vị trí thứ 3. Nếu nói về lượng mì tiêu thụ bình quân đầu người, thì chúng ta tiêu thụ nhiều thứ 2 thế giới với 72 gói / năm, chỉ sau Hàn quốc với 80 gói / năm. 

Tứ đại gia mì ăn liền

Việt Nam hiện có đến hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, tuy nhiên có 4 ông lớn chiếm đến 87% thị trường mì gói Việt Nam: Acecook, Masan, Uniben và Asia Foods. Hãy cùng điểm qua về các công ty này. 

Các công ty mì gói tăng trưởng mạnh nhờ đại dịch
  • Acecook Vietnam

Acecook VIệt Nam ban đầu là liên doanh giữa Vifon, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Acecook. Năm 2008, Vifon thoái vốn và Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. 

Hảo hảo là một trong những sản phẩm nổi tiếng của Acecook

Acecook với nhiều nhãn hàng quen thuộc, rất hợp khẩu vị người Việt như Hảo Hảo, Đệ Nhất, Xưa & Nay, v.v. đã chiếm lĩnh được thị phần lớn nhất ngành. Trong đó, Hảo Hảo tiêu thụ hơn 1 tỷ gói mì 1 năm, và đã tiêu thụ 20 tỷ gói từ năm 2000 – 2018. 

Năm 2019, Acecook đạt doanh thu 10.650 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1.660 tỷ đồng. 

  • Masan

Masan, với chiến lược cao cấp hóa dòng sản phẩm, đã đáp ứng được phân khúc bị bỏ ngỏ bởi các doanh nghiệp Việt khác, và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn thứ 2 ở Việt Nam. Hiện tại, Masan là công ty duy nhất trong top 4 có nhiều sản phẩm có mức giá từ 10 nghìn trở lên 1 gói. 

Các sản phẩm của Masan xuất hiện rất nhiều ở Vinmart

Bên cạnh đó, một yếu tố tiên quyết để tăng doanh số bán mì là nắm mạng lưới phân phối, trưng bày, do các nhãn hàng mì gói có thể xem là thay thế lẫn nhau được, nếu không có loại mì này, người tiêu dùng sẵn sàng mua 1 loại khác. Masan đã tận dụng thế mạnh sở hữu chuỗi siêu thị VInMart, VinMart+ để đưa sản phẩm của mình vào những vị trí trưng bày đẹp và nhiều nhất trong các cửa hàng. 

Năm 2019, Masan đạt doanh thu 4.968 tỷ đồng cho mảng mì gói . 

  • Uniben & Asia Foods

Uniben và Asia Foods có chiến lược tương tự nhau là tập trung vào khu vực nông thôn. Mỗi hãng chỉ có một thương hiệu chính, với Uniben là 3 Miền, và Asia Foods là Gấu Đỏ, cũng đã giúp 2 hãng này đạt được thị phần đáng kể. 

Mì 3 miền là sản phẩm nổi tiếng nhất của Uniben

Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều nông thôn, và thiếu đa dạng hóa sản phẩm, thị phần của hai hãng này đang có chiều hướng đi xuống trong thời gian qua. 

Năm 2019, doanh thu của Asia Foods đạt 5.400 tỷ đồng (bao gồm mảng xuất khẩu – Mì Gấu Đỏ hiện chiếm 50% thị phần mì Campuchia) và Uniben đạt 2.860 tỷ đồng với lợi nhuận lần lượt là 409 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. 

Tương lai của ngành

Ngành mì ăn liền vẫn tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sản lượng mì dự kiến sẽ quay lại mức 5-6 tỷ gói sau khi đại dịch đi qua, và tốc độ tăng trưởng sản lượng sẽ chậm lại. 

Tuy nhiên, giá trị ngành có thể vẫn tăng trưởng tốt do xu hướng chuyển dịch lên các sản phẩm cao cấp hơn có giá từ 20 – 40 nghìn đồng / gói. Phân khúc này hiện đang bị chiếm lĩnh bởi các sản phẩm từ Hàn Quốc và Nhật Bản, và các doanh nghiệp như Acecook, Masan, có thể đánh vào phân khúc này trong tương lai không xa.