Bây giờ tui sẽ viết ngắn gọn.
Tui đã đọc bài của ông Long chuyên gia truyền thông gì đó (tác nhân chính để STAC lên bài xin lỗi) không những 1 lần, mà tới vài lần sau khi lên stt.
1. Là một người học và làm trong ngành thực phẩm, tui thấy đầu tiên ông Long không hiểu thế nào là lấy mẫu.
Lấy mẫu đúng là tuân theo quy trình nghiêm ngặt như lấy ở vị trí nào (thí dụ như kho lúa, lấy ở trên không được, lấy ở dưới cùng cũng không được, lấy ở gần cửa ra vô cũng không được, gần cửa sổ cũng không xong, v.v.); lấy bằng cách nào, lấy xong thì phải đồng nhất mẫu ra sao; v.v. Có vài môn học từ về việc lấy mẫu đến phân tích các chỉ tiêu của thực phẩm. Và cái này đã được quy chuẩn hoá.
TUY NHIÊN, việc lấy mẫu đó nó KHÁC HẲN việc lấy mẫu một sản phẩm được lưu hành. Sản phẩm được lưu hành, tức là sản phẩm thoả tất cả các yêu cầu về chất lượng của nhà sản xuất và được phép lưu hành.
Và như vậy, người mua hàng được quyền mang 1 sản phẩm BẤT KỲ đi kiểm nghiệm. Nó không cần tới "một cơ quan chức năng có chuyên môn về việc lấy mẫu" mới có thể lấy mẫu được. Rất đơn giản là cùng 1 lô sản phẩm bán ngoài thị trường, thì giá trị về chất lượng của các sản phẩm là NHƯ NHAU, và mỗi 1 sản phẩm là đại diện cho chất lượng của nhà sản xuất. Làm gì có cái logic là hộp thịt A lấy làm mẫu, trong khi đó hộp thịt B cùng loại lại không thể lấy mẫu?
Đó là lý do hãy để người trong ngành người ta nói, mình không hiểu, dù có là chuyên gia ngành khác thì vẫn sai vì thiếu hiểu biết như thường.
2. Chính vì không hiểu "mẫu" (của hàng hoá, tức thành phẩm) và "lấy mẫu" (của nguyên liệu, bán thành phẩm) là gì, cho nên ông Long hiểu sai về việc là "phải có cơ quan chức năng" mới có thể lấy mẫu. Từ đó ông diễn đạt theo ý ông nó phải có quy trình là kiện (/khiếu nại) rồi cơ quan chức năng mới tổ chức lấy mẫu, sau đó mới công bố.
(Đúng là quy trình khởi kiện là vậy. Nhưng nếu không khởi kiện thì ĐÂU CÓ CẦN cái quy trình kia?!)
3. Thành ra khi thấy bài viết suy diễn của ông Long, STAC hoảng hồn, cho là mình làm sai quy trình, có thể bị kiện tới nơi, thành ra lên bài xin lỗi liền. Đâu có phải vậy!?
Luật pháp VN không cấm nhận định về 1 sản phẩm, càng không cấm người dân đi kiểm nghiệm.
Logic đơn giản là vầy: tôi không biết sản phẩm đó như thế nào, cho nên phải nhờ các trung tâm kiểm định mang mẫu ra kiểm tra, đánh giá bằng các phương pháp khoa học, vậy thì có gì sai?
Kiểm nghiệm xong thì tôi có thể thông tin ra đại chúng các thông tin của giấy kiểm định. Điều đó cũng không sai và không vi phạm pháp luật. Các tờ báo chẳng phải cũng thường làm vậy đấy chăng? Họ đâu có KHỞI KIỆN TRƯỚC, rồi chờ các cơ quan chức năng mang đi kiểm nghiệm rồi mới được... viết báo? Logic gì kỳ vậy????
4. TẤT NHIÊN, khi thông tin ra đại chúng bằng các kênh như facebook, youtube, tiktok...; thì cần phải nhớ, THÔNG TIN PHẢI KHÁCH QUAN, TRUNG THỰC theo giấy kiểm nghiệm.
Chẳng hạn, trong giấy kiểm nghiệm ghi chất A có hàm lượng xyz gam, thì phải trung thực mà ghi như thế. Tránh suy diễn như "là chất độc gây hại ABC". Ghi vậy là "chết" đó. Vì để đi đến kết luận đó, là việc của người am hiểu lãnh vực đó. Còn phán bừa là dễ dính tội vu khống. Cái này dễ bị kiện ngược lại.
(Còn báo chí, để đi đến 1 kết luận nào đó, họ phải phỏng vấn và lấy ý kiến chuyên gia, rồi dẫn vào bài. Thế mới không bị "hớ" mà dẫn tới bị kiện ngược lại.)
Với người viết có chút hiểu biết, để có được kết luận, người ta có thể trích dẫn các văn bản pháp quy, dược điển, hay các tài liệu được công nhận về hàm lượng, độc tính, v.v để người đọc thấy rõ hơn về điều họ khuyến cáo.
Tuy nhiên điều này thực sự là 1 bài toán với những nguời không chuyên. Sa đà vô thì dễ rơi vô tội vu khống các tổ chức, doanh nghiệp..., và có thể bị kiện ngược lại.
Ngay cả việc đặt câu hỏi (tưởng chừng vô thưởng vô phạt) nhưng nếu mang tính dẫn dắt dư luận, thì cũng bị kiện ngược như thường.
5. Về các kết luận của STAC, tui thấy nó mang tính trung tính, không suy diễn hay quy chụp, vậy thì việc gì em phải xin lỗi?
6. Việc xin lỗi của STAC là do chưa đủ kiến thức. Nó dẫn đến 1 tiền lệ hết sức nguy hiểm là tạo nên tâm lý e dè cho những người muốn "bốc phốt" các nhãn hàng lừa dối (thậm chí là lừa đảo) người tiêu dùng, rằng sẽ vi phạm pháp luật.
Đời sống XH sẽ trở nên trong sạch hơn, đó là nhờ những tiếng nói phản biện. Ở lãnh địa tiêu dùng, rất cần những bằng chứng vạch trần những tiêu cực trong chất lượng sản phẩm. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"
(Tất nhiên những kẻ té nước theo mưa, vì điều gì đó, hòng dìm chết những doanh nghiệp - đã có pháp luật "sờ gáy". Cho nên đừng lo sợ những loại "bút máu" này.)
10/4/25, dáo xư Phễu
Nguồn: Dinh Phong Nguyen