“Đế chế” tỷ đô có giá trị lớn nhất toàn cầu 

Sự gián đoạn kinh tế toàn cầu và lan rộng giáng một đòn mạnh vào ngành thời trang khi con người có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, nhu cầu may mặc giảm đáng kể và buộc các thương hiệu phải nhanh chóng số hóa hoặc đối mặt với hậu quả nghiêm trọng đối với doanh số và lợi nhuận. Mặc dù tổng giá trị thương hiệu của top 50 thương hiệu may mặc có giá trị nhất thế giới giảm 8% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung, thị trường đã chứng kiến ​​sự nhanh nhạy và đổi mới đáng kể trong toàn ngành, điều này chắc chắn sẽ giúp các thương hiệu đứng vững trong năm tới. 

Theo đánh giá của Brand Finance, đây là năm thứ sáu liên tiếp Nike đã giành được danh hiệu thương hiệu may mặc có giá trị nhất thế giới, ghi nhận giá trị thương hiệu tăng 7% lên 34,8 tỷ đô la Mỹ (tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2020). Đối thủ nặng ký của Nike, siêu cường quốc về đồ thể thao - Adidas đã có một năm kém thành công hơn, báo cáo giá trị thương hiệu giảm 1% xuống còn 16,5 tỷ USD. Có thể thấy đây hẳn là một cuộc chạy dài để Adidas có thể bắt kịp người anh em trong ngành. Với Nike, gã khổng lồ này đã tập trung vào việc thực hiện chiến lược phân phối trọng tâm trên thương mại điện tử, giảm mạnh số lượng cửa hàng, nhà bán lẻ với mục đích giành lại quyền kiểm soát mối quan hệ với khách hàng và cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Tính riêng bán hàng kênh trực tuyến, Nike đã thu về hơn 1 tỷ đô la trong năm vừa qua. 

Cùng hoạt động trên social media nhưng Nike đang khẳng định mình có sự hiện diện mạnh mẽ hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, Facebook đang sở hữu hơn 35 triệu lượt thích; tại Twitter, Instagram lần lượt là 9 và 156 triệu lượt theo dõi chưa kể đến hàng loạt các tài khoản liên kết, hoạt động chuyên sâu vào từng lĩnh vực, nhóm công chúng mục tiêu như Nike Sportswear, Nike Basketball, Nike Football…. Đặc tính nổi trội của Nike là họ sử dụng mạng xã hội để lan tỏa nội dung ý nghĩa tới cộng đồng, sáng tạo các chiến dịch truyền thông đậm bản sắc thương hiệu: “Just do it” như một lời thúc giục chúng ta hãy đứng lên làm điều mình thích, chinh phục thứ mình muốn, chẳng cần phải e ngại gì cả, “Cứ làm thôi”. Đồng hành cùng Nike, họ đã chứng minh được bản lĩnh, cùng thương hiệu cất tiếng nói lên phong cách sống của mình.

just-do-it-1624614465.jpg
 

Nike và hành trình theo đuổi 17 mục tiêu phát triển bền vững 

Nếu như quan niệm truyền thống đánh giá thương hiệu đơn thuần qua chất lượng sản phẩm thì ngày nay, khách hàng có xu hướng yêu thích và trung thành hơn với thương hiệu truyền tải văn hóa, giá trị nhân văn tới cộng đồng. Sự bền vững của một thương hiệu không chỉ là con số lợi nhuận mà đó là cách công chúng mục tiêu nhận thức, cảm nhận được cái tôi trong chính câu chuyện của thương hiệu.

Bình đẳng giới

“Strength has no gender; it’s really just measured from within. With sports, if you’re sweating, you’re an athlete.”

Trong nỗ lực đoàn kết cộng đồng, Nike theo đuổi sự bình đẳng cho mọi vận động viên, bao gồm những người đa dạng về khuynh hướng tình dục, bản dạng giới và giới tính. Các chiến dịch truyền thông của thương hiệu hướng tới truyền tải thông điệp chống lại sự phân biệt đối xử và tôn vinh tiềm năng của tất cả các vận động viên. Khẳng định vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực thể thao, khởi động từ năm 2012, Nike đã cho ra mắt bộ sưu tập BE TRUE tập trung đặc biệt vào cộng đồng LGBTQIA với các sản phẩm giày dép và quần áo mang lá cờ price flag lục sắc,  qua đó giúp nâng cao nhận thức của mọi người và cổ vũ cho cộng đồng này. Nike thể hiện sự khích lệ bất diệt, sức mạnh, niềm tự hào “chỉ khi chúng ta đứng cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng thì đó mới chiến thắng thực sự”.

betrue-1624614490.jpg
Ảnh: Nike

Nike đã công nhận 20 tổ chức thúc đẩy cộng đồng LGBTQIA + và cung cấp cho họ tổng số tiền quyên góp là 500.000 đô la. Các tổ chức tập trung vào vận động chính sách trong thể thao, tạo không gian an toàn và nâng cao quyền tự do của cộng đồng LGBTQIA + giúp tạo ra một sân chơi cởi mở hơn cho tất cả mọi người.

Giảm bất bình đẳng

Chương trình đầu tư cộng đồng “Until We All Win” là sự phản ánh trực tiếp sự cam kết và mạng lưới ảnh hưởng của Nike, được gọi chung là Nike UNITED. Mỗi năm (bắt đầu từ 2019), với sự hợp tác của Quỹ hỗ trợ từ thiện của Hoa Kỳ, các khoản tài trợ của Nike có tổng trị giá 4 triệu đô la để cùng đóng góp vào hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy bình đẳng, xây dựng mối quan hệ với nhân viên, công chúng: người Mỹ gốc Á, người da đen, cựu chiến binh... và nhiều địa điểm có liên quan trên khắp Bắc Mỹ. Từ 2015 đến 2019, Nike đã đầu tư 417 triệu đô la để thúc đẩy sự tác động tích cực trên khắp thế giới - 130 triệu đô la trong số đó giúp thúc đẩy bình đẳng cho tất cả mọi người: hỗ trợ các tổ chức quốc gia và địa phương tập trung vào giáo dục, các chương trình thể thao, sáng kiến ​​cộng đồng....

nike-sport-1624614517.jpg
"What will sat they say about you" - Nike

Các chiến dịch truyền thông như “Equality” phát hành vào năm 2017 với sự hiện diện của những vận động viên da màu nổi tiếng như Lebron James, Serena William và vận động viên khác như một lời khẳng định sự bình đẳng trên mọi khía cạnh cuộc sống: họ nỗ lực và họ xứng đáng nhận được công bằng. Chiến dịch “What Will They Say About You” đã truyền nguồn động lực vô cùng lớn tới những cô gái yêu thể thao, phá vỡ định kiến xã hội về phụ nữ, bất chấp những lo ngại hay chỉ trích để trở thành hình những thủ lĩnh thể thao thực thụ và dũng cảm. Các chiến dịch thu hút hàng triệu lượt xem, thảo luận trên các trang xã hội, tạo làn sóng gây chú ý và ủng hộ từ phần lớn dư luận trên toàn thế giới.

Cuộc sống khỏe mạnh

“Our generation is the least active. Ever. And that’s not ok. We’re not looking for a pro. Just a chance. If you think you have what it takes to get us moving, Nike has a way for you to join in”

Nike tin tưởng rằng sức mạnh của thể thao có thể giúp con người khai phá động lực phát triển tiềm năng của bản thân. “You Can’t Stop Us”: “sẽ không có gì ngăn được thể thao, sẽ không có gì ngăn được chúng ta”, chiến dịch truyền thông tạo cảm hứng bất tận, khí thế hừng hực, thúc giục chúng ta tích cực rèn luyện thân thể, thể thao trong đại dịch để bảo vệ sức khỏe. Đây được đánh giá là chiến dịch thành công trên mọi mặt trận như đạt gần 60 triệu lượt xem trên YouTube; 46% người tiêu dùng có khả năng mua hàng sau khi xem quảng cáo và tác động của tiếp thị (tính trên 501 người ở Mỹ tham gia khảo sát của các công ty thiết kế).... 

you-cant-stop-us-1624614797.jpg
You can't stop us - Nike

Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm

Move to Zero, hành trình của Nike hướng tới không carbon và không chất thải, có một mục đích duy nhất: Giúp bảo vệ tương lai của thể thao. Thương hiệu thể hiện sứ mệnh và trách nhiệm của mình vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu qua các bộ sưu tập bảo vệ môi trường. “Move to Zero” dự án được xây dựng dựa trên những nỗ lực hiện có của toàn công ty bao gồm cả mục tiêu của Nike là cung cấp năng lượng cho các cơ sở sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025, giảm 30% lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình vào năm 2030, chuyển hơn 1 tỷ chai nhựa mỗi năm từ các bãi rác để tạo ra sợi cho sản phẩm hay chuyển chất thải thành các sản phẩm mới, sân chơi, đường chạy và sân vận động….

nike-1624614825.jpg
Một sản phẩm bảo vệ môi trường từ Nike