Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay khoảng 125.000 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.750 tỷ đồng, tăng 21%. Ban lãnh đạo cho rằng thị trường còn nhiều rủi ro vì dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn, song công ty vẫn quyết tâm trở lại đà tăng trưởng hai chữ số. Đây là năm thứ 10 liên tiếp, công ty duy trì tăng trưởng cùng lúc chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Với một công ty lớn như Thế Giới Di Động (MWG), để giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số, trong thời bình đã rất khó khăn, huống chi là thời dịch bệnh. Hơn nữa, theo thú nhận của ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động trong ĐHCĐ năm nay thì: “Tại Việt Nam, MWG không còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần của mình trong mảng điện thoại và điện máy”.

Thế nên, không ngạc nhiên, khi trong thời gian gần đây, MWG thường xuyên đưa ra những động thái làm ngạc nhiên tất cả mọi người. Dường như, tư duy của Ban lãnh đạo Tập đoàn này ngày càng mở, khi chỉ cần cảm thấy kiếm được tiền sẽ làm, mà không quan tâm nhiều đến việc mình có quen thuộc với nó hay không. Nguyên tắc kiếm tiền mới của MWG là dựa trên sức mạnh hệ thống bán hàng mà họ đã xây dựng cùng mặt bằng của khoảng hơn 2.500 cửa hàng Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh trên khắp Việt Nam.

Thế Giới Di Động lấn sân sang ngành hàng xe đạp, tận dụng mặt bằng Điện Máy Xanh

Ví dụ mới đây, mới đây Thế Giới Di Động vừa khai trương 2 cửa hàng bán xe đạp tại các quận vùng ven TP. HCM, ngành hàng mới nằm dưới mái hiên của 2 siêu thị Điện Máy Xanh.

Các loại xe đạp được bày bán đa dạng chủng loại, gồm xe đạp leo núi, xe thể thao, xe thành phố, xe trẻ em. Các thương hiệu được chọn bán tại chuỗi này gồm có Giant, Martin 107, Asama, Thống Nhất và các hãng khác. Giá bán trung bình mỗi mẫu xe khoảng 3 triệu đồng. Trong đó, xe đạp trẻ em hiện đang có mức tiêu thụ tốt.

Do khai trương đúng dịp lễ 30/4, nên doanh thu của ngành hàng mới rất khả quan, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho hay. Sau kỳ nghỉ lễ, số bán giảm xuống nhưng duy trì đều đặn mỗi ngày bán trung bình 15 xe mỗi cửa hàng.

Để thu hút khách hàng, ông Hiểu Em cho biết: MWG đã áp dụng giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, hoặc mua điện thoại nhận phiếu giảm giá mua xe,... tương tự cách chuỗi này áp dụng khi đưa vào kinh doanh các mặt hàng mới. Theo chia sẻ từ lãnh đạo MWG, hàng năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp, với đơn giá trung bình 2 - 2,5 triệu/chiếc. Doanh thu thị trường 5.000 - 6.000 tỷ đồng, đủ lớn để MWG bắt tay thử nghiệm.

"Xe đạp được đưa vào kinh doanh cũng nằm trong mục tiêu tìm cơ hội giúp TGDĐ và ĐMX tiếp tục gia tăng về doanh số", ông Hiểu Em cho hay. Tuy nhiên, Tập đoàn này chưa đặt mục tiêu thị phần đối với mặt hàng mới này.

doan-van-hieu-em-1621072924.jpg
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động

Trong thời gian tới, Thế Giới Di Động sẽ mở thêm khoảng 10 cửa hàng khác. Ngoài TP.HCM, sẽ có các cửa hàng tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu. Các nhân viên có sẵn của MWG sẽ được đào tạo để lắp ráp và sửa chữa xe đạp, mặt bằng được tận dụng từ nguồn có sẵn nên hầu như không phát sinh chi phí.

Trong quá khứ, MWG đã từng mở bán thêm các mặt hàng như đồng hồ, laptop, phụ kiện chính hãng ngay trong chính diện tích cửa hàng cũ của chuỗi Thế Giới Di Động và đây là lúc họ đang tìm cách tối ưu không gian của chuỗi Điện Máy Xanh.

Khi được hỏi nếu thử nghiệm thành công, MWG có dự định lấn sân sang bán ô tô, xe máy, xe điện hay không, lãnh đạo công ty đã để ngỏ khả năng này. Ông Hiểu Em trả lời: "Chúng tôi không nói trước được gì. Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội làm sao để gia tăng được doanh số cho tập đoàn.

Đâu là nhóm sản phẩm tương đồng với mô hình của Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và quy mô thị trường đủ lớn chúng tôi sẵn sàng sắn tay áo để thử nghiệm. Kết quả trả ra khả quan thì chúng tôi sẽ tăng tốc, nếu không thì dừng lại. Đó là văn hoá của MWG xưa nay”.

Tuyển cộng tác viên bán hàng điện máy - điện thoại để tận dụng hệ thống bán hàng rộng khắp cả nước

Theo thống kê gần nhất của MWG, hiện doanh nghiệp này có 5 chuỗi bán lẻ gồm Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang và Blutronics (thị trường Campuchia); tổng số cửa hàng là 4.494 cửa hàng. Trong đó, tổng cộng số cửa hàng của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chiếm 2551 cửa hàng, trải dài khắp cả nước.

"Hiện tại, Điện Máy Xanh đang chiếm 50% thị phần điện máy tại Việt Nam, 30% thuộc về các nhà bán lẻ khác và 20% thuộc về 20.000 đến 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống còn lại. Mục tiêu của mô hình kinh doanh cộng tác viên chính là để đánh chiếm 20% thị phần thuộc về 20.000 đến 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ đó", ông Đoàn Văn Hiểu Em nêu cụ thể.

Mô hình kinh doanh cộng tác viên của MWG thế này: họ sẽ tuyển những chủ cửa hàng nhỏ lẻ đang bán smartphone hay điện máy ở những vùng sâu vùng xa – nơi mà 2 chuỗi Điện Máy Xanh cùng Thế Giới Di Động chưa vươn tới, làm cộng tác viên bán hàng. Theo đó, MWG sẽ trả hoa hồng từ 5% đến 20% cho các cộng tác viên.

Các cộng tác viên chỉ việc bán hàng theo giá và hình thức thanh toán đã có sẵn trong hệ thống của MWG, còn tất cả các phần còn lại như giao hàng, bảo hành, thanh toán… là trách nhiệm của Thế Giới Di Động. Về phần khách hàng, thay vì lên các website và app của chuỗi Thế Giới Di Động hay chuỗi Điện Máy Xanh mua hàng, thì chúng ta nhờ các cộng tác viên mua hàng giúp.

screen-shot-2021-05-13-at-70152-pm-1621072924.png
Chú thích ảnh

"Điều kiện đầu tiên để trở thành cộng tác viên của chúng tôi là phải có cửa hàng nhỏ bán smartphone hoặc điện máy, để đảm bảo những cộng tác viên đó có tệp khách hàng nhất định đồng thời am hiểu về các tính năng sản phẩm để có thể tư vấn cho khách hàng.

Thứ hai, cộng tác viên đó phải ở khu vực mà các cửa hàng offline của chúng tôi chưa bao phủ đến, để không xảy ra tình trạng ‘mình cạnh tranh với mình’. Sau 2 ngày thẩm định từ MWG, nếu thỏa các điều kiện, chúng tôi sẽ đến treo thêm bảng hiệu", CEO của MWG giải thích cặn kẽ hơn.

Hiện tại, 2 chuỗi Bách Hóa Xanh và Thế Giới Di Động của MWG đã về tận quận/huyện xa xôi nhất, gần như ở mỗi trung tâm huyện lỵ/thị trấn ở Việt Nam đều có 1 đến 2 cửa hàng của công ty này.

Nên không khó để nhận thấy, thị trường sắp tới mà MWG muốn đánh chiếm ở đây chính là đơn vị xã – thôn, tức những khu vực sâu xa nhất của Việt Nam. Đây là những khu vực mà người dân vẫn còn xa lạ với hình thức mua hàng online, nhưng có nhu cầu mua hàng trả góp lớn.

Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, MWG không mang hàng đến trưng bày ở cửa hàng offline của cộng tác viên, mà chủ cửa hàng sẽ giới thiệu sản phẩm đang có trên website – app của doanh nghiệp này. Nếu khách hàng đồng ý mua hàng, họ sẽ dùng account của mình để trực tiếp đặt hàng online và cả hỗ trợ làm hồ sở trả góp online nếu khách hàng muốn.

Nếu mô hình chạy tốt, trong giai đoạn 2, với những sản phẩm dung lượng phân phối lớn và vòng quay nhanh, MWG có thể mang đến phân phối cho các cửa hàng – cộng tác viên, để họ có thể bán và thu tiền trực tiếp. Lúc đó, doanh nghiệp này có thể đóng vai là nhà phân phối; còn bây giờ họ chưa phải, MWG vẫn chỉ là nhà bán lẻ đơn thuần.

MWG mới nảy ra ý tưởng cho mô hình kinh doanh cộng tác viên này mới đây và vừa bắt tay thực hiện được 1 tháng. Sắp tới, họ sẽ cấp tập triển khai chiêu mộ cộng tác viên ở khắp cả nước, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giai đoạn thử nghiệm của dự án, để Tập đoàn có thể trả lời những câu hỏi và rút ra kinh nghiệm. Thế nên, cũng như ngành hàng mới xe đạp, MWG cũng không đề ra những con số doanh thu – lợi nhuận cụ thể.