CTCP Tập đoàn Thành Công vừa thông báo đăng ký bán thỏa thuận 60.54 triệu cp EIB trong thời gian 07/10-31/10/2022. Số cổ phiếu mà Thành Công đăng ký bán tương đương 4.924% vốn tại EIB.
Trong cùng thời gian, Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng đăng ký bán thỏa thuận hơn 44.7 triệu cp EIB đang sở hữu, tương đương 3.637%.
CTCP Phúc Thịnh cũng đăng ký bán gần 12.4 triệu cp EIB, tương đương 1.005% vốn theo phương thức thỏa thuận.
Những công ty đăng ký thoái vốn tại Eximbank đều có mối liên hệ với bà Lê Hồng Anh - Thành viên HĐQT Eximbank. Bà Anh hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT tại CTCP Thành Công và bà Anh vừa là em chồng của người quản lý Hợp tác xã cổ phần Thành Công, vừa là chị dâu của người quản lý CTCP Phúc Thịnh.
Bà Hồng Anh sinh năm 1975 là vợ của ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch Tập đoàn Thành Công). Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land (công ty con của Thành Công Group).
Nếu thoái vốn thành công, CTCP Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công và cả CTCP Phúc Thịnh đều không còn là cổ đông tại EIB. Hiện ba doanh nghiệp nêu trên chưa công bố bên mua thỏa thuận cũng như giá giao dịch thỏa thuận. Tổng số lượng cổ phiếu EIB mà 3 doanh nghiệp này đăng ký bán là hơn 117 triệu đơn vị, chiếm gần 9,57% vốn điều lệ của Eximbank.
Tạm tính theo thị giá của EIB, số tiền thu về nếu bán thành công số lượng cổ phiếu nêu trên là hơn 3.800 tỷ đồng.
Tháng 4/2019, giữa những “trận đấu” không hồi kết của các nhóm cổ đông lớn “ngang tài ngang sức” bao gồm cả những đối tượng đã lộ mặt lẫn còn ẩn danh tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), một văn bản được gửi đến cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, khi đó là ông Lê Minh Quốc.
Văn bản bày tỏ sự lo lắng sâu sắc đối với tình hình Eximbank và muốn làm sáng tỏ một số vấn đề, được ký bởi ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Thành Công, cho biết nhóm Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% vốn điều lệ của Eximbank.
Mua vào lượng lớn cổ phần Eximbank với tham vọng hoàn thiện hệ sinh thái "kiềng ba chân" gồm ô tô - bất động sản - tài chính ngân hàng, thế nhưng chỉ sau một năm đưa được người của mình vào HĐQT của Eximbank, và tình hình tại Eximbank chỉ tạm ổn định thì đại gia Tuấn "Thành Công" lại muốn thái sạch vốn.
Không chỉ có nhóm Thành Công, một đại gia khác từng “tranh giành ghế” vào HĐQT Eximbank, là Tập đoàn Âu Lạc do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch HĐQT cũng đã bán gần hết cổ phiếu Eximbank.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021, Âu Lạc nắm giữ hơn 4,3 triệu cổ phiếu Eximbank với giá gốc là 72,2 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 145,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6, công ty này chỉ còn sở hữu 319.700 cổ phiếu Eximbank, với giá gốc gần 10 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 10,2 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng nửa năm, Âu Lạc đã bán gần 4 triệu cổ phiếu Eximbank, thu về khoản lãi chứng khoán là 79,3 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng 9/2022, Eximbank cho biết ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT của EIB do ông Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC. SMBC hiện còn nắm giữ 15% cổ phần EIB.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu EIB ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng. Riêng phiên 30/09, thị trường ghi nhận hơn 64 triệu cp EIB được sang tay với giá trị hơn 2,498 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch 38,932 đồng/cp.
Các phiên trước đó từ 23 – 29/09 cũng ghi nhận từ 3-4 triệu cp giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB với giá 34,000 – 35,000 đồng/cp.
Hiện, cổ phiếu EIB đang được giao dịch quanh mức 32,500 đồng/cp (kết phiên 04/10), tăng hơn 7% so với đầu tháng 9 với thanh khoản bình quân 1 triệu cp/ngày. Trong tháng 9, EIB là cổ phiếu có thị giá (tăng 15%) và thanh khoản tăng mạnh nhất với 6.4 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, gấp 3.7 lần tháng trước.
Tính chung từ đầu tháng 9 đến nay, đã có gần 116.6 triệu cp EIB được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 4,214 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, thị trường cũng ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng với 25 triệu cổ phiếu EIB được sang tay ở mức giá 40,000 đồng/cp, trị giá 1,000 tỷ đồng. Tổng cộng, trong tháng 3/2022 có khoảng hơn 48 triệu cp EIB được mua bán thỏa thuận, chiếm 3.9% vốn điều lệ của Eximbank.
Và động thái đăng ký thoái sạch vốn của các tổ chức liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như diễn biến giá cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây, liệu có báo hiệu một đợt sóng ngầm khác đang cuộn lên tại Eximbank?
Thành Công Group – Từ đại gia kín tiếng ngành ô tô đến đại gia bất động sản
Tiền thân của Thành Công Group là Công ty Cơ khí Thành Công được thành lập vào năm 1999. Năm 2004, Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Anh đi vào sản xuất với thương hiệu xe tải Thành Công và đến năm 2007 khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô thứ 2 tại Ninh Bình.
Năm 2008, công ty Cơ khí Thành Công đổi tên thành CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) – pháp nhân đầu não của cả hệ thống Thành Công.
Bước ngoặt của Thành Công Group bắt đầu từ năm 2009 khi trở thành đối tác chính thức của Hyundai Motor về phân phối, sản xuất, lắp ráp xe du lịch tại Việt Nam. Tên gọi Hyundai Thành Công là cái tên vô cùng quen thuộc trên thị trường lắp ráp và phân phối ô tô trong hơn 1 thập kỷ với một loạt doanh nghiệp như Hyundai Thành Công Việt Nam, Hyundai Phạm Hùng, Hyundai Ninh Bình, Hyundai Tây Đô…
Cho đến năm 2019, Thành Công ra mắt TC Motor - là thương hiệu đại diện cho toàn bộ khối ô tô của Tập đoàn.
Năm 2019, CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam – đơn vị nòng cốt trong hoạt động kinh doanh ô tô của TC Motor – đạt doanh thu gần 43.200 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018.
Từ một ông lớn trong lĩnh vực ô tô, Thành Công Group mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Năm 2018, TCG Land – công ty do Thành Công Group sở hữu 100% vốn - đã mua lại 75% cổ phần của PV-Inconess, doanh nghiệp sở hữu danh mục bất động sản hơn 2 triệu m2 tại Ninh Bình, tập trung tại 2 dự án lớn bao gồm Dự án Trung tâm Liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng và dự án khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Thái – cả 2 dự án đều nằm ở địa bàn huyện Yên Mô, Tam Điệp, Ninh Bình.
Tháng 2/2019, Thành Công Group và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên doanh đầu tư trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Hai bên cho biết sẽ tập trung chủ yếu vào những công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, giao thông, đô thị.
Thành Công Group còn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với loạt danh mục dự án như: Shilla Stay Resort (5,4 ha), Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tọa thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh (Hà Nội), dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).
Để phục vụ cho các thương vụ M&A, một tập đoàn không thể thiếu một công ty chứng khoán. Đầu tháng 12/2020, công ty cổ phần chứng khoán HVS đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chuyển nhượng 100% cổ phần giữa 3 cổ đông hiện tại cho 3 cá nhân là ông Nguyễn Đình Đại là Thành viên Ban kiểm soát tại PV – Inconess, ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai của ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Lê Hồng Anh - vợ ông Nguyễn Anh Tuấn.
Sau đó, toàn bộ số cổ phần HVS liên quan đến nhóm Thành Công Group đã được trao cho một nhóm cổ đông mới. Đầu tháng 8/2021, HVS đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và bầu mới Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2023 với hai thành viên đều đến từ Thành Công Group là bà Chu Hoàng Mai và bà Đinh Hoài Hương. Điều này phần nào cho thấy mặc dù thay đổi cổ đông trực tiếp sở hữu, nhưng bóng dáng của Thành Công Group vẫn còn tại HVS.