Bán cổ phiếu Eximbank, nhận ngay gần 80 tỷ tiền lãi

Công ty Cổ phần Âu Lạc đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2002. Đây là một trong những doanh nghiệp vận tải xăng dầu đường thủy nội địa lớn tại Tp.HCM. 

Công ty định hướng xây dựng chiến lược phát triển và triển khai hoạt động trên lĩnh vực vận tải xăng dầu bằng đường biển trong nước và quốc tế là chủ yếu. Đến nay công ty đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược và trực tiếp ký hợp đồng vận tải với nhiều chủ hàng lớn trong nước như Công ty Saigon Petro, Skypec, Thalexim, Petrolimex, PV Oil, Petimex... và ngoài nước như Shell, Conoco Phillips, PTT Thái Lan, Sinopec, Unipec, BP Singapore, Trafigura, PetroSummit, Sojitz, Elico, Petrochina, Petamina, Petron, Horizon Petroleum...

Ngoài ra, trong cơ cấu ngành nghề kinh doanh, Âu Lạc cũng mua bán nông lâm sản lương thực, xe ô tô và phụ tùng, dầu nhớt, vật liệu xây dựng...

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022, doanh thu thuần về cung cấp dịch vụ của công ty 6 tháng đầu năm tăng mạnh, lên mức 281 tỷ đồng, cao hơn gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn bộ doanh thu đó đến từ mảng cung cấp dịch vụ vận tải biển và hàng hải.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty cũng tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 4,3 tỷ đồng lên 85,7 tỷ đồng. Trong số đó, lãi tiền gửi và cho vay là 3,3 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái là gần 3 tỷ đồng. Và "mỏ vàng" đem lại doanh thu lớn nhất cho công ty là lãi kinh doanh chứng khoán, đạt hơn 79,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 0 đồng.

Có 2 mã cổ phiếu mà Âu Lạc nắm giữ là EIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam và mã ACB của Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB. 

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, Âu Lạc nắm giữ hơn 4,3 triệu cổ phiếu Eximbank với giá gốc là 72,2 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 145,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6, công ty này chỉ còn sở hữu 319.700 cổ phiếu Eximbank, với giá gốc gần 10 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 10,2 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng nửa năm, Âu Lạc đã bán gần 4 triệu cổ phiếu Eximbank, thu về khoản lãi chứng khoán là 79,3 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, nửa năm qua, Âu Lạc mua hơn 14 triệu cổ phiếu ACB với giá gốc 365,5 tỷ đồng (bình quân 26.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng 0,42% vốn của ACB. Khoản đầu tư này khiến Âu Lạc phải lập dự phòng 28,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 6 tháng vừa qua, Âu Lạc cũng nhận được một số khoản thu nhập khác là thu nhập từ tiền công ty bảo hiểm bồi thường tàu Aulac Fortune là tiền lãi thanh toán chậm tiền với giá trị hơn 23,2 tỷ đồng.

Thu nhập từ tiền phạt và được bồi thường khác là gần 2 tỷ đồng. Thanh lý tàu Aulac Jupiter cũng đem lại gần 222 triệu đồng cho công ty.

Âu Lạc - Nhân tố từng "tranh giành ghế" vào HĐQT Eximbank

Âu Lạc là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT. Nữ doanh nhân từng giữ vị trí cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank vào năm 2015. 

HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) có đến 2 người đến từ Công ty Âu Lạc gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng. Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - thành viên HĐQT cũng là cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc.

Theo công bố của Eximbank, Âu Lạc từng là khách hàng của ngân hàng này, tuy nhiên, đến tháng 1/2016, Công ty Âu Lạc đã hoàn trả toàn bộ các khoản vay cho Eximbank. 

Cơ cấu Hội đồng quản trị của Âu Lạc

Trước kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của ngân hàng này, một nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên là Chủ Tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, làm đại diện vốn cho anh trai Nguyễn Quốc Toàn, là Chủ tịch ngân hàng Nam Á, làm đại diện gửi thư đến Eximbank đề nghị bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT.

Tài thời điểm này, đã có nhiều thông tin đồn thổi về nhóm cổ đông “tranh giành ghế” vào Hội đồng quản trị của ngân hàng. Đặc biệt, nổi lên thông tin công ty Âu Lạc là “sân sau” của Eximbank,  HĐQT Eximbank “ngăn cản” không muốn tăng thêm thành viên để hỗ trợ công ty “sân sau” của mình Âu Lạc. Tuy nhiên, đáp lại, phía Eximbank cho biết, mọi đồn thổi là không có căn cứ.

Thực tế, sự tranh giành quyền lực tại ngân hàng này đã âm ỉ trong nhiều năm, đặc biệt bùng lên dữ dội từ đầu năm 2019 khi HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 có Nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, ông Quốc sau đó khởi kiện ra tòa, và  tại phiên họp HĐQT ngày 15/5/2019, ông Lê Minh Quốc đã lấy tư cách Chủ tịch HĐQT ký Nghị quyết số 231 chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112. "Chiếc ghế" Chủ tịch HĐQT sau đó được luân chuyển qua ông Cao Xuân Ninh rồi ông Saitoh, xen giữa là một thời gian ngắn được uỷ quyền cho ông Ngô Thanh Tùng.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến quyền lực ở Eximbank ngã ngũ khi bà Tú được bầu vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank trong quý đạt 1.093,7 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến nay, ngân hàng có 1.902,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh so với mốc 554,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm nước. Điều đáng nói, đây cũng là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ 2013 tới nay.