Sẽ có bạn nói rằng: hầu hết những người khởi nghiệp đều tay trắng kiến thức kinh doanh cả, đâu phải chỉ có FPT; Vâng, rất nhiều tỷ phú Mỹ đều khởi nghiệp khi là đang là sinh viên năm 2 đại học, rất nhiều tỷ phú và doanh nhân lớn khác, trong đó có Việt Nam cũng là dân công nghệ, dân kỹ thuật đi khởi nghiệp, đâu phải chỉ có mỗi FPT.

Vâng, cái khác biệt thứ nhất là môi trường khởi nghiệp, tuy cùng là dân công nghệ, dân kỹ thuật, dân IT đi khởi nghiệp nhưng ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, họ có môi trường kinh tế thị trường, họ sống trong môi trường kinh tế thị trường từ bé. Các khởi nghiệp khác của Việt Nam sau năm 1991 cũng vậy, họ khởi nghiệp khi Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, còn FPT khởi nghiệp khi mà Việt Nam còn chưa có luật doanh nghiệp và cũng chưa hề có doanh nghiệp tư nhân nào.

Khác biệt thứ hai là thông tin, nếu như ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam ngày nay tràn ngập các sách vở tài liệu và các khoá học về marketing, bán hàng, quản trị tài chính, quản trị nhân sự, truyền thông, lãnh đạo và quản lý, thì thời FPT khởi nghiệp đất nước vẫn đang bị cấm vận kinh tế, chẳng có một quyển sách hay khoá học về kinh doanh nào, ngay cả Internet cũng phải 9 năm sau mới có.

Nói nôm na là cùng mục tiêu đi đến đích, một đằng có một hệ thống đường xá và phương tiện giao thông khắp hang cùng, ngõ hẻm, hai bên đường còn có đầy rẫy các biển báo, chỉ dẫn và công cụ tra cứu thông tin khi cần thiết, còn một đằng là buộc phải đi khi mà không có đường, cũng không có chỉ dẫn, trên đường lại có rất nhiều cỏ dại, thậm chí còn có nhiều cây gai góc cản đường.

Vậy người FPT đã học các kiến thức kinh doanh, quản trị kinh doanh, tài chính, nhân sự, truyền thông, lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp như thế nào để rồi đủ năng lực đưa FPT trở thành tâp đoàn toàn cầu, có qui mô 4-5 tỷ USD doanh số, 70.000 nhân viên, kinh doanh ở 30 quốc gia khắp các lục địa Á, Âu, Mỹ, Úc Châu?

Người FPT học theo lớp bài bản có như các lớp MBA, miniMBA của HSB, FSB, nhưng hiệu quả nhất là học từ chính các đối tác, khách hàng của mình, đặc biệt là từ các tập đoàn lớn toàn cầu (trong danh sách Fortune 500) và học từ sách, báo, tạp chí và học lẫn nhau (học từ đồng nghiệp, học từ cấp trên), học qua thực tiễn. Chính các cuộc họp giao ban tuần, giao ban tháng; chính các cuộc họp tổng kết, sơ kết, làm kế hoạch kinh doanh năm; chính các hội nghị chiến lược; chính các đợt làm hệ thống chất lượng ISO, hệ thống an toàn bảo mật, hệ thống quản trị chiến lược theo phương pháp luận BSC và OKR lại là các lớp học hiệu quả nhất.

Một điểm rất quan trọng nữa là học nhất định phải thực hành, phải thực hành ngay vào công việc lãnh đạo, điều hành kinh doanh hàng ngày của mình, và chỉ khi nào cho ra kết quả tốt, bền vững trong một thời gian dài, thì khi đấy tri thức mới là của mình. Chính vì vậy mà anh Trương Gia Bình đã luôn nhắc nhở các lãnh đạo các cấp của FPT rằng “FPT phải là một tổ chức học tập” và với cá nhân tôi thì FPT chính là một trường học tốt nhất về quản trị kinh doanh, lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp.

Ở mức cao nhất của việc học sau khi thực hành, vận dụng vào thực tiễn là phải đúc kết, hệ thống hoá lại thành nguyên lý, thành bài học để truyền đạt lại cho các lớp kế cận. Cá nhân tôi tự hào vì mình đã hệ thống hoá và viết ra nguyên lý thành công trong cuộc sống và mô hình quản trị khách hàng 4H, một mô hình đã áp dụng ở FPT IS và FPT Software và được một số bạn người FPT IS áp dụng khi ra lập nghiệp riêng.

Giờ ngẫm lại tôi thấy việc học của FPT đã làm đúng như phương châm của cụ Hồ: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”.