Rạng sáng hôm qua, tôi về lại Việt Nam. Trong lúc loay hoay đợi hành lý như thiền và đợi taxi như chờ xổ số, chợt nghĩ đến vấn đề báo chí bàn thảo nhiều đợt rồi: nối chuyến giữa hai sân bay thế nào khi mà kẹt xe mãi mãi?

Mà ngẫm kỹ, vấn đề Tân Sơn Nhất (TSN) - Long Thành (LT) không đơn thuần là câu chuyện hạ tầng hay kết nối vật lý. Đó là bài toán chiến lược, đòi hỏi sự dứt khoát và tầm nhìn xa, nhất là khi chúng ta khao khát đưa TP.HCM thành trung tâm kinh tế khu vực.

tan-son-nhat-long-thanh-nao-chi-la-ket-noi-1752720859.jpg

Đông Nam Á, chứ không phải Đông Nam Bộ!

Có mấy ý nhanh thế này:

1 Ưu tiên rõ ràng cho Long Thành

Phải xác định rõ ưu tiên cho sân bay nào, chứ không thể đi hai hàng, cái nào cũng muốn. Quan điểm cá nhân của tôi là ưu tiên tuyệt đối cho Long Thành. Dồn khách về đó, bởi chỉ khi đó chúng ta mới có thể cạnh tranh trung chuyển quốc tế.

Không đủ khách thì cạnh tranh bằng niềm tin à?

Việc này đòi hỏi sự đầu tư lớn, đồng bộ và có chiến lược dài hạn. Khi Long Thành trở thành cửa ngõ quốc tế, Tân Sơn Nhất nên trở thành sân bay nội địa, phục vụ các chuyến bay tầm ngắn hoặc từ các tỉnh lẻ. Để TP.HCM có động lực đúng đắn cho nỗ lực chuyển đổi ấy, có thể giao luôn Nhơn Trạch - Long Thành về cho TP.HCM là một ý tưởng đáng suy nghĩ.

Muốn Long Thành cất cánh, Tân Sơn Nhất nhất thiết phải hạ cánh!

2 Tận dụng hiện có, thay vì đòi thêm

Phải thoát khỏi lối mòn cái gì cũng phải đầu tư thêm: thêm đường, thêm làn, thêm xe, thêm ngân sách… mà hãy nghĩ đến việc phát huy tiềm năng hiện hữu.

Phải thoát khỏi quán tính “muốn nhanh thì cần cao tốc”. Tuyến có dư địa cải thiện nhiều nhất trong ngắn hạn theo tôi lại là Phạm Văn Đồng - QL1A - QL51. Trên tuyến này, dành RIÊNG một làn đường cho xe buýt nhanh. Tuyến này vẫn còn rộng thênh thang, lại ít ngã tư đèn xanh đèn đỏ nên nếu quyết tâm dành riêng thì kết nối hai nơi chỉ khoảng 45-60 phút (45km), vừa hiệu quả về thời gian lại tối ưu chi phí đầu tư. Nên sử dụng loại xe buýt sàn thấp để tiện kéo hành lý và dễ lên xuống cho người cao tuổi, ưu tiên trải nghiệm khách hàng.

3 Đồng bộ hóa và đa dạng hóa phương tiện

Đồng bộ, cũng nên có tuyến xe buýt ưu tiên dọc Đại lộ Đông Tây, qua Mai Chí Thọ và nối đến Suối Tiên. Tại đó, sẽ nối với tuyến vừa trao đổi ở ý trên để đi làn riêng. Cũng lưu ý là Suối Tiên cũng là bến cuối của Metro. Và nếu cần thiết, thêm một làn riêng từ Công viên Văn Thánh hoặc thậm chí là Công viên Lê Văn Tám (có bãi xe lớn) đến Suối Tiên hay lên thẳng sân bay Long Thành.

Trong lúc đó, cao tốc Sài Gòn - Long Thành nên cấm container/xe tải (ít nhất là từ 5h sáng đến 10h đêm). Tôi thấy tốc độ toàn tuyến đang bị trì chậm lại bởi các loại xe đó. Cấm sẽ tăng tốc độ lưu chuyển chung lên khoảng 20-30% nữa. NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN HƠN HÀNG.

Có thể suy nghĩ để áp dụng ở một số con đường phù hợp làn dành riêng cho xe vận tải hành khách (biển vàng như taxi, xe công nghệ và xe buýt). CHUNG PHẢI QUAN TRỌNG HƠN RIÊNG.

Mở thêm tuyến xe buýt đường sông Bến Thành - Long Thành để đa dạng tuyến điểm. Đây không chỉ là một phương án di chuyển mà còn là một trải nghiệm du lịch, tăng thêm sức hút cho khu vực.

4 Linh hoạt điều tiết giao thông

Một ý mà tôi đã nhắc hơn 10 hay 15 năm nay là nên điều tiết giao thông linh hoạt hơn theo phát sinh thực tế thay vì ngồi phòng máy lạnh và nghĩ cách xin/xài thêm ngân sách.

Đặc thù giao thông của Tp HCM (và nhiều đô thị đơn tâm Việt Nam) là kẹt theo chiều dịch chuyển khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Hãy nhìn Trường Chinh/Cộng Hoà, Điện Biên Phủ, Minh Khai, CMT8, Phạm Hùng… kẹt buổi sáng chiều này (trống như chùa bà Đanh chiều còn lại) và tình trạng ngược lại vào giờ tan tầm.

Tại sao không làm vạch phân cách di động?

Theo đó, hướng di chuyển đông hơn sẽ có nhiều làn hơn? Không có người á? Thế mấy công ty cây xanh, vệ sinh đô thị thì người để làm gì? Và thực ra có thể làm bằng máy tự động (Trung Quốc đã làm, có clip).

Điều tiết linh hoạt còn thông qua thời gian đèn xanh đèn đỏ linh hoạt. Tôi không thể hiểu được tại sao chúng ta có thể nhận diện gương mặt, đọc biển số từng xe và báo ngay cho CSGT xe nào đã hết hạn kiểm định, mà lại không biết chiều nào đang kẹt để ưu tiên đèn xanh ở đó hoặc giao lộ dẫn đến đó.

Cái này sinh viên khoa CNTT năm 2/3 có thể làm trong vài tuần đó nghe. Hệ thống trụ đèn hiện tại chỉ cần gắn thêm con chip bé tí là tương thích mà không cần đầu tư lại. Việc này Nga - Mỹ đã làm hết rồi. Lưu ý không nên sử dụng giao thức không dây kẻo dễ bị ảnh hưởng đến an ninh giao thông.

5 Tầm nhìn trung và dài hạn

Trong trung hạn, mở rộng cao tốc Sài Gòn - Long Thành lên 6-8 làn. Cũng nên có làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Hoặc dành một làn cho mono-rail hay xe lửa đô thị như Bangkok, nối Sa La (hoặc nếu được thì Bến Thành).

Thêm một hai cầu nữa nối qua sông Đồng Nai cũng là điều nên nghĩ đến.

Trong dài hạn, ưu tiên Metro TSN - Bến Thành. Hoặc kéo dài tuyến Suối Tiên đến tận sân bay Long Thành. Đây là những dự án xương sống, định hình hệ thống giao thông công cộng hiện đại cho toàn vùng.

6 Kết nối - hay là phân vai?

Bài toán kết nối Tân Sơn Nhất - Long Thành không chỉ dừng lại ở hạ tầng, mà còn là một bài toán về định hướng phát triển, về cơ chế điều phối và cả sự đồng thuận trong vùng. Để thúc đẩy các nỗ lực ấy, nhất thiết phải có sự đồng thuận, đồng tâm, quyết liệt của TP.HCM.

Bởi lẽ, nếu làm tốt những điều này, Đồng Nai sẽ là địa phương hưởng lợi trực tiếp từ vị thế của Long Thành.
Trong khi đó, TP.HCM, với việc nhường lại vai trò sân bay quốc tế chính cho Long Thành, có thể đứng trước những "bất lợi" nhất định về kinh tế - xã hội, tương tự như câu chuyện mở rộng QL13 suốt 20 năm qua khi “làm thì tốn tiền mà thằng khách lại hưởng”.

Nếu không giải được bài toán phân vai – thì sẽ không có ai đủ sức đóng vai chính. Và TP.HCM sẽ mãi loay hoay với kẹt xe, kẹt cơ chế, kẹt động lực.

Vậy, có nên giao Nhơn Trạch và một phần Long Thành về cho TP.HCM để tạo sự đồng bộ trong quy hoạch, điều phối nguồn lực và san sẻ lợi ích, đảm bảo TP.HCM có động lực mạnh mẽ để “hy sinh” Tân Sơn Nhất và dồn sức cho Long Thành cất cánh?

Đây là câu hỏi lớn đòi hỏi sự cân nhắc thấu đáo từ các nhà hoạch định chính sách.

KẾT LẠI

Muốn Long Thành cất cánh, phải để Tân Sơn Nhất hạ cánh.

Muốn hết kẹt xe, phải hết kẹt tư duy.

Muốn phân được vai, phải cài lợi ích!

Muốn TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế, mà còn là trung tâm tư duy – thì cần những quyết định xứng tầm, chứ không phải những toan tính chia phần.

Theo: Tran Bang Viet