Nếu lấy TP.HCM với sân bay Tân Sơn Nhất làm tâm điểm thì toàn bộ các thủ đô các nước ASEAN, kể cả Hà Nội, đều nằm trong tầm bay khoảng 2 tiếng đồng hồ. Một khoảng cách bay lý tưởng của khu vực.

516731589-10230535104067264-1001887354064201261-n-1752038012.jpg
 

Tuy nhiên, một khi sân bay Long Thành khai trương, hành khách và kể cả các hãng bay sẽ gặp khó, nhất là khi kết nối với mạng bay nội địa hoặc/và mạng bay quốc tế.

Các hãng sẽ khó được chọn một trong hai sân bay làm trung tâm (base) hoạt động chính, cho các tuyến bay nội địa hay quốc tế hay cả hai. Nếu hãng bay chọn cả Tân Sơn Nhất và Long Thành thì chi phí dịch vụ mặt đất sẽ tăng vọt, chỉ có lợi cho hãng khai thác dịch vụ mặt đất.

Về lý thuyết, khoảng cách Tân Sơn Nhất - Long Thành chưa đầy 50 km và chỉ mất khoảng hơn tiếng đồng hồ xe chạy. Nhưng với đường sá hiện tại, nếu không kẹt xe, khách mất khoảng 2 tiếng 15 phút. Nhưng nếu kẹt xe thì 5-6 tiếng đồng hồ là bình thường.

"Ví dụ, khách bay đến Long Thành rồi cần quá cảnh tiếp chuyến tại Tân Sơn Nhất. Nếu hành khách phải mất 5 tiếng di chuyển giữa hai sân bay để kịp chuyến bay tiếp theo, sẽ không ai muốn đặt vé. Khi khách không đặt vé, hãng bay sẽ không có đủ sản lượng để khai thác đường bay đến Long Thành", Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nói tại hội thảo tuần rồi.

Nếu khách và hãng bay không khai thác đủ, thì "con gà đẻ trứng vàng" - tức Tân Sơn Nhất của ACV sẽ không còn đẻ trứng nữa. ACV hiện điều hành 21 sân bay trên toàn quốc, trong đó chỉ có 6 là có lãi - gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên Khương, Đà Nẵng và Cam Ranh. Trong khi đó, Long Thành vẫn là gà con...

Đã có người đùa rằng cứ gom tiền, đầu tư mua đất xây nhà nghỉ hay khách sạn quanh Long Thành. Khách muốn bay sáng mai thì tối nay đã phải lên sớm và mướn phòng xung quanh sân bay mới này. Khả năng các công ty dịch vụ mặt đất sẽ chuyển sang điều hành và khai thác mảng lưu trú.

Mô hình kết nối ba sân bay Don Muang (sân bay quốc tế cũ), Suvarnabhumi (sân bay quốc tế mới) và Utapao (sân bay lưỡng dụng) của Thái Lan đáng được tham khảo. Chính phủ Thái dành 9 tỉ đô la để xây tuyến đường sắt cao tốc kết nối ba sân bay này, và kéo luôn hai tâm điểm phát triển vào kế hoạch này. Đó là Pattaya - trung tâm du lịch lớn thứ hai của Thái Lan sau Bangkok, và Laem Chabang - cảng biển nước sâu lớn nhất của xứ này.

515768324-10230535105867309-9022216459485940918-n-1752038012.jpg
 

Không cần bài học Long Thành, chỉ đi taxi từ T1 qua T3 hay ngược lại trong những ngày mưa bão thì sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Khoảng cách 1,2 cây số giữa hai nhà ga được các hãng hét giá 400K. Trả được nửa giá là khó có thể.

Tuyến metro trong tương lai cũng khá lạ, được thiết kế ngay tại Công viên Hoàng Văn Thụ để khách đi bộ kéo vali vài trăm mét chơi...