Trong tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – VBB) có chia sẻ vấn đề liên quan đến việc tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, đối với việc thực hiện tăng vốn điều thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ngày 26/4/2022, Đại hội đồng cổ đông Vietbank đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐQT để thông qua Phương án tăng vốn điều lệ với tổng số tiền tăng thêm là 1.003 tỷ đồng. 

Theo đó, Hội đồng quản trị đã chỉ đạo Văn phòng HĐQT và các Khối/Trung tâm/Phòng Ban liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ nộp hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Phương án tăng vốn và thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Ngày 5/7/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 1.003 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua trước đó.

Vietbank tiếp tục quá trình chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên tình hình thị trường tài chính trong nước giai đoạn cuối năm 2022 và kéo dài qua các tháng đầu năm 2023 có nhiều biến động lớn, lãi suất có xu hướng tăng cao và thanh khoản toàn thị trường có những thời điểm căng thẳng nhất định. Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nhà đầu tư và Cổ đông.

Bên cạnh đó, theo tính toán kế hoạch vốn mục tiêu tối thiểu giai đoạn 2023 -2026 đáp ứng ICAAP, Hội đồng quản trị cũng đã xây dựng phương án tăng vốn cấp 2 trong các năm để đảm bảo vừa có thể phát triển kinh doanh và vừa đảm bảo các tiêu chuẩn vốn theo quy định. Thế nên việc chưa triển khai tăng vốn điều lệ trong năm 2022 không có ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh doanh của Vietbank.

Việc tăng vốn điều lệ Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông lần này xem xét tiếp tục triển khai thực hiện theo phương án đã được thông qua, đồng thời giao Hội đồng quản trị quyết định các vấn đề liên quan, làm vệc với Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện các thủ tục tăng vốn theo quy đình.

Lý giải về việc chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu Vietbank, phía ngân hàng cho hay, việc niêm yết cổ phiếu mã VBB đã được thông qua vào tháng 4/2022.

Căn cứ kết quả hoạt động kinh doanh của Vietbank trong năm 2020, 2021 và Phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của Vietbank giai đoạn 2016 – 2020, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành theo quy định theo quy định của pháp luật để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên về quy định hành chính Vietbank chưa đảm bảo. Cụ thể ngày 13/5/2022, Vietbank bị Đoàn Thanh tra theo Quyết định 11/QĐ-TTGSNH2 – Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN ra Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và Ngân hàng đối với hành vi “Không báo cáo đúng thời hạn đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử".

Như vậy, Vietbank chưa đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 5 – Thông tư 26/2012/TT-NHNN và chưa thể tiến hành niêm yết cổ phiếu trong năm 2022.

"Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu Vietbank có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho việc Vietbank ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là Công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023 - 2025", báo cáo của Vietbank cho biết.

Chính vì vậy, ngân hàng tiếp tục trình lên phương án thực hiện niêm yết cổ phiếu Vietbank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trưởng thuận lợi trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, năm 2022, tổng huy động của Vietbank đạt gần 100.000 tỷ đồng; trong đó, huy động vốn từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 81.110 tỷ đồng. Cho vay khách hàng của Vietbank đến ngày 31/12/2022 đạt 63.633 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank là 2,48% trên tổng nợ áp dụng theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thu nhập lãi thuần sau kiểm toán cũng tăng lên 1.811 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2021. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng lên 121 tỷ đồng, tăng 28,4%; đồng thời hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp gần 5 lần so với năm 2021 đạt 55,6 tỷ đồng.

Năm 2023, Vietbank đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng 12% trong năm 2023, lên mức 125.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay dự kiến đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Huy động từ khách hàng (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi) dự kiến tăng trưởng 17%, lên mức 95.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng từ mức 656 tỷ đồng lên 960 tỷ đồng, tương đương tăng 46%. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức dưới 2,5%.

Ai đang sở hữu Vietbank?

Vietbank được biết tới là ngân hàng được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, với những cổ đông sáng lập ban đầu đều có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. 

Tới thời điểm hiện tại, Chủ tịch của Vietbank là ông Dương Nhất Nguyên.

Ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983 và là người trẻ nhất trong Hội đồng Quản trị VietBank. Đáng chú ý, ông Nguyên là con trai của ông Dương Ngọc Hoà - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.

Ông Nguyên tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học DeVry (Mỹ), có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính - ngân hàng.

Trước khi gia nhập Vietbank năm 2013, ông Nguyên từng giữ nhiều vị trí điều hành, quản lý tại các công ty trong Tập đoàn Hoa Lâm của gia đình. Tại Vietbank, ông Nguyên lần lượt trải qua các vị trí phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó chủ tịch HĐQT. Ông Nguyên cũng phụ trách chỉ đạo nhiều dự án chuyển đổi của Vietbank như dự án tiền lương, tái định vị thương hiệu, ngân hàng số, corebanking.

duong-nhat-nguyen-vietbank-1680931001.pngChủ tịch HĐQT Vietbank Dương Nhất Nguyên.

Ông Nguyên hiện tại trực tiếp sở hữu 3,05% cổ phần Vietbank. Cộng với số cổ phiếu của bố mẹ và các em, gia đình ông Nguyên nắm giữ 13,4% cổ phần Vietbank và là nhóm cổ đông lớn nhất tại ngân hàng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.