Quá trình hình thành và phát triển của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Kafi
- Năm 2006: Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoàng Gia được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103005828 do Sở kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cấp. Vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. UBCKNN cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh số 51/UB- CK-GPHĐKD ngày 29/12/2006 với ngành nghề kinh doanh: Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán và Lưu ký chứng khoán.
- Năm 2007: Trở thành thành viên giao dịch của HSX và HNX.
- Năm 2009: Tăng vốn điều lệ lên 35 tỷ đồng.
- Năm 2010: Chuyển trụ sở chính về 15 Pasteur, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 2016: Tăng vốn điều lệ lên 55 tỷ đồng.
- Năm 2019: Tăng vốn điều lệ lên 155 tỷ đồng. Đổi tên từ Công ty cổ phần chứng khoán Hoàng Gia (ROSE) thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Globalmind Capital (GMC). Chuyển trụ sở chính về 62 Trần Huy Liệu, Phường 12, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 2020: Công ty được cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; Công ty được cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
- Năm 2021: Công ty được cung cấp dịch vụ Tự doanh chứng khoán. Công ty được cấp Giấy phép điều chỉnh về việc Thay đổi địa chỉ Công ty về 62 Trần Huy Liệu, Phường 11, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Năm 2022: Công ty được cấp Giấy phép điều chỉnh về việc Thay đổi địa chỉ trụ sở chính về Phòng 1403, lầu 14, tòa nhà Sailing Tower, 111A Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đổi tên từ Công ty cổ phần chứng khoán Globalmind Capital (Kafi) thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Kafi (KAFI). Tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Công ty được cung cấp dịch vụ Bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Màn đổi chủ của Chứng khoán Kafi
Cuối năm 2021, công ty ghi nhận những chuyển động đáng kể trong cơ cấu cổ đông khi ông Huỳnh Đăng Khoa và Lê Minh Quang đã bán ra tổng cộng 14,73 triệu cổ phần, tương đương 95,04% vốn điều lệ; ngược lại Uniben đã mua vào 3,48 triệu cổ phần, tương đương 22,5% vốn điều lệ. Như vậy, Uniben đã chính thức trở thành cổ đông lớn của Globalmind Capital.
Theo danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến gồm 20 cá nhân và tổ chức được chốt vào ngày 29/12/2021 của Globalmind Capital, Chủ Tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ với số cổ phần sở hữu là 753.300 cổ phần, bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) sở hữu 756.400 cổ phần, ông Đặng Văn Sơn (Phó Chủ tịch HĐQT VIB) sở hữu 759.500 cổ phần.
Giữa tháng 7/2022, công ty chứng khoán này đã thực hiện chào bán 134,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả cho thấy có 84,5 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 62,83% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền thu về là 845 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán tăng từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Theo danh sách 31 nhà đầu tư thực hiện mua, CTCP Uniben - chủ sở hữu thương hiệu Mì 3 Miền đã mua vào hơn 19 triệu cổ phiếu, tương đương 190 tỷ đồng nâng tỷ lệ nắm giữ lên 22,5%. Còn ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB gom 4,1 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 4,86%.
Đáng chú ý, danh sách công bố cho thấy có hai cá nhân là ông Đặng Khắc Cường và ông Đặng Khắc Mạnh đã mua vào lần lượt 6,3 triệu và 4,4 triệu cổ phiếu để chính thức làm cổ đông của Globalmind Capital với tỷ lệ là 6,34% và 4,43% vốn điều lệ. Ngoài ra, Gentle Sun Investment Limited cũng đã mua hơn 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,94% vốn. Trước đó, tổ chức nước ngoài này chưa nắm giữ cổ phần nào của Kafi.
CTCP Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992 và nổi danh với thương hiệu Mì 3 Miền. Đến tháng 9/2014, công ty chính thức đổi tên thành Uniben như hiện tại. Uniben là pháp nhân có nhiều liên hệ tới nhóm chủ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UpCom: VIB).
Tháng 12/2021, Uniben đã mua vào 3,48 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Kafi với tỉ lệ sở hữu 22,5% vốn điều lệ.
Đến tháng 8 cùng năm, công ty chứng khoán này đổi tên Công ty cổ phần chứng khoán Globalmind Capital (Kafi) thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Kafi.
Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2022 của Globalmind bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là ông Lê Quang Trung, ông Hà Hoàng Dũng, ông Trần Tuấn Minh; thông qua bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm sát là ông Trần Xuân Cảnh, ông Nguyễn Thanh Hải, bà Mai Hiền Vân. Trong đó, ông Lê Quang Trung được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Điều đáng nói là các cá nhân được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát của Globalmind Capital lúc đó đều đang nắm giữ chức vụ ở VIB. Ông Lê Quang Trung lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối VIB (thôi chức vụ tại VIB từ 3/2022); Ông Hà Hoàng Dũng nắm giữ vị trí Giám đốc Khối Quản trị rủi ro; Ông Trần Tuấn Minh giữ vị trí Giám đốc Ban Nhân sự VIB…
Đến tháng 9/2022, công bố phê duyệt của Hội đồng quản trị về việc đề xuất vay vốn 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV) với thời hạn trong vòng 12 tháng, lãi suất không vượt quá 8%, tài sản đảm bảo là hợp đồng tiền gửi/giấy tờ có giá do BIDV phát hành thuộc sở hữu của công ty. Mục đích vay nhằm để bổ sung vốn kinh doanh bao gồm đầu tư trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá và các nhu cầu vốn lưu động khác.
Tháng 7/2023, công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, cổ đông ngoại Gentle Sun Investments Limited nắm giữ 24,75 triệu cổ phần, tương ứng 16,5% vốn. Chi tiết khác chưa được công bố.
Chứng khoán Kafi kinh doanh ra sao?
Trước khi có sự góp mặt của cổ đông lớn Uniben, bức tranh tài chính tại Chứng khoán Kafi rất ảm đạm khi công ty có số năm kinh doanh lỗ nhiều hơn lãi. Quý 3/2021, công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 27,6 tỷ đồng, tuy nhiên, mức lãi kỷ lục quý 4/2021 (lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng) đã giúp công ty hết lỗ luỹ kế.
Năm 2022 là năm đầu tiên của giai đoạn chuyển đổi chiến lược kinh doanh của Kafi, Công ty đã bước đầu ghi nhận những dấu ấn đầu tiên bằng các sản phẩm, dịch vụ tài chính xuất sắc như Kafi Wealth, Kafi Trade ... đồng thời tăng cường sự hiện diện của thương hiệu Kafi đối với các nhà đầu tư tài chính cá nhân trên thị trường.
Năm 2022 cũng đã ghi nhận việc Công ty tăng vốn điều lệ thành công, từ mức 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư công nghệ và phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đầu tư tài chính của khách hàng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty là 1.961 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với đầu năm. Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chiếm đa số với 1.576 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 80%. Dư nợ cho vay ký quỹ của công ty đạt 209 tỷ đồng, tập trung vào cho vay các cổ phiếu trong nhóm chỉ số VN30.
Với cơ cấu tài sản tăng mạnh, nợ phải trả của công ty cũng tăng 126 lần, lên 945 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ ngắn hạn. Trong đó, có 934 tỷ đồng vay nợ tài chính với 306,5 tỷ đồng vay Ngân hàng VIB; 513 tỷ đồng vay BIDV; 114,4 tỷ đồng vay bên thứ ba. Thu nhập thuần của công ty đã tăng từ 33 tỷ đồng vào năm 2021 lên 62 tỷ đồng vào năm 2022, tương ứng tăng trưởng 87%.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 do công ty này công bố, lãi từ các tài sản tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 94,2 tỷ đồng, tăng 3,6 lần. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới cũng cải thiện với12,4 tỷ đồng, cao hơn gấp hơn 20 lần cùng kỳ năm trước. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 21,3 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần. Sau khi trừ các khoản chi phí, chứng khoán Kafi báo lãi sau thuế 37 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Tổng doanh thu hoạt động của công ty tăng trưởng 366,22%, tổng doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng trưởng 1.790,52%, nhờ việc Công ty đã mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư tài chính sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ vào quý 3 năm 2022 và quý 3 năm 2023.
Chi phí hoạt động, chi phí tài chính và chi phí quản lý theo đó cũng tăng lần lượt tương ứng 387,59%, 28.288,36% và 54,52% đến từ việc mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu và tuyển dụng nhân sự.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, công ty lãi sau thuế 68 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng tài sản của Kafi tính tới cuối quý 3 là 5.033 tỷ đồng tăng gần 2,6 lần so với con số đầu năm. Trong đó, các khoản cho vay gồm cho vay margin 914,3 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm là 209 tỷ đồng; các tài sản tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng hơn 2,3 lần, lên mức 3.760,3 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Kafi đang đầu tư vào trái phiếu với tổng giá trị 924 tỷ đồng trong đó 922 tỷ đồng là trái phiếu chưa niêm yết và hơn 2 tỷ đồng trái phiếu niêm yết. Ngoài ra, Kafi cũng đang đầu tư 2.656,3 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi.