Chúng ta ai cũng biết Facebook (Fb), bởi trên hành tinh này có đến 3 tỷ người dùng Fb, nghĩa là cứ hai người trưởng thành thì có một người dùng Fb, còn tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg thì quá nổi tiếng và rất được hâm mộ trong giới công nghệ và giới trẻ. Thế mà giá trị công ty của Fb chưa bằng có 2/3 của Nvidia.

Chúng ta ai cũng biết Amazon là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, thống trị lĩnh vực thương mại điện tử ở Mỹ, Châu Âu và các nước kinh tế phát triển (chưa kể Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon còn là tỷ phú giầu nhất nhì thế giới). Hầu hết những người dùng máy tính đều dùng Google để tìm kiếm, tra cứu thông tin trên mạng (cá nhân tôi thì mỗi ngày phải dùng Google vài chục lần, thậm chí trăm lần chứ không ít); tổng tài sản của Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập Google lên đến 258 tỷ USD. Thế mà giá trị công ty của Fb cũng như Google đều thấp hơn Nvidia.

Chúng ta ai cũng biết hãng Tesla đi đầu trong lĩnh vực xe ô tô điện và tỷ phú Elon Musk là tỷ phú giầu nhất thế giới. Thế mà giá trị công ty của Tesla chưa bằng 1/3 của Nvidia.

Intel và AMD đã nổi tiếng vài chục năm nay như hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chip Intel và AMD được dùng phổ biến trong các dòng máy tính mà chúng ta vẫn dùng. Nvidia, xuất phát điểm là công ty chip bán dẫn, trước đây chỉ nổi tiếng trong giới game thủ và những nhà thiết kế đồ họa mà thôi, thế mà giá trị công ty của Nvidia lớn gấp 7 lần AMD và lớn gấp 10 lần Intel.

Nvidia không phải công ty công nghệ non trẻ, Jensen Huang thành lập Nvidia từ năm 1993, nghĩa là trước cả Amazon, Google, Facebook và Tesla. Nvidia lên sàn chứng khoán vào đầu năm 1999 và phải mất đến 24 năm để đạt được cột mốc giá trị công ty 1.000 tỷ USD, thế nhưng chỉ cần đúng 270 ngày (9 tháng) để đạt cột mốc 2.000 tỷ USD. Giờ đây Nvidia đã trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau có hai gã khổng lồ Apple và Microsoft mà thôi.

Các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng sự tăng trưởng thần kỳ của cổ phiếu Nvidia chính là nhờ sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI và hiện tại AI đang bắt đầu bước sang một kỷ nguyên mới: tạo ra sự thay đổi lớn lao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên toàn cầu và chính Nvidia là trái tim đang đập của siêu chu kỳ AI, chứ không phải Open AI (chatGPT) hay các gã khổng lồ Microsoft, Google, Amazon, Tesla, Meta hay IBM.

Vậy tại sao Nvidia, vốn chỉ là hãng sản xuất chip, vốn chỉ nổi tiếng trong giới game thủ và các nhà thiết kế đồ họa lại chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, lại đang có vị thế tốt nhất, rõ ràng nhất trong cuộc cách mạng AI? Câu trả lời sẽ được tôi chia sẻ trong bài tiếp sau với tiêu đề “Nvidia là trái tim đang đập của siêu chu kỳ AI”.