Vừa dạy online xong, 10:00 tối rồi, nhưng tôi phải lọ mọ viết nhanh bài này. Nhiều người đang quá lo lắng, từ những người gởi/ đầu tư 5, 20 triệu cho đến người có nhiều tỷ... Họ đều lo!
** Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tuyên bố “‘Tiền gửi của người dân tại ngân hàng được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”. Nghĩa là trường hợp SCB này, cũng như các trường hợp khác, Nhà nước sẽ ứng cứu, đểm đảm bảo tiền gởi của người dân. Điều này tôi đã giải thích trong status về STB, VTP tối 8/10/2022.
Cho đến nay Nhà nước vẫn chấp nhận, chưa thay đổi suy nghĩ của đa số người dân “ngân hàng là không có rủi ro”. Vì thế trong quá khứ nhà nước đã mua một số ngân hàng với giá 0 đồng, tức là dùng tiền của quốc gia, tiền của toàn dân để cứu tiền của những người gởi, nhằm đảm bảo an ninh tài chính, đảm bảo người dân không ùn ùn đi rút tiền tại SCB, rồi lan qua các ngân hàng khác.
Tôi tin là Nhà nước sẽ tiếp tục cứu người gởi tiền tại SCB như câu tuyên bố nói trên của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng như những phát biểu trên báo, Page Chính phủ. Vấn đề là SCB còn bao nhiêu tiền? NHNN sẽ huy động từ các nguồn như thế nào? NHNN sẽ tránh in tiền, vì sẽ tăng lạm phát.
Thế nhưng nhiều người dân vẫn lo, và đi rút tiền tại các SCB. Nếu cùng lúc, trong 1 vài tuần mà cùng lúc nhiều người rút tiền thì không ngân hàng nào trên thế giới có thể kịp xoay tiền mặt để trả.
Trong ngành NH có “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” (Loans to Deposit rate). Ví dụ, huy động 100 đồng thì được cho vay 85 đồng. Nếu tổng số tiền của những người đến rút chỉ khoảng 5, 7 đồng thì ngân hàng có để trả. Chứ lên đến 15 đồng, 20 đồng, 30 đồng thì không ngân hàng nào trả được. Họ đâu có thể nào thu hồi nợ kịp. Ngân hàng Nhà nước cũng cần thời gian để sắp xếp tiền để hỗ trợ về NH đang bị bank run đó.
Trong trường hợp này, những phương án như phát hành ủy nhiệm chi qua Ngân hàng khác, tiền sẽ đến Tài khoản của người gởi tại ngân hàng khác sau 2,3 ngày là hợp lý. Giãn thời gian cho tiền về. Nhưng quan trọng là số người rút sẽ giảm đi thì mọi việc mới ổn.
Rất hy vọng, xong vụ SCB, nhà nước nên mạnh tay hơn, để không có những SCB nữa.
** Còn về tiền mua trái phiếu thì khác hẳn. Nhà nước không có trách nhiệm phải gánh nợ cho 1 doanh nghiệp nào cả. Nhà nước không thể dùng ngân sách để cứu tráo chủ nào cả.
Câu phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: 'Sẽ giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người mua trái phiếu'.
Trích "Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã làm việc với các nhà phát hành trái phiếu và họ cam kết trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư” thể hiện sự quan tâm ông đối với người dân, và về thực chất là một câu nói trấn an lòng người.
Chuyện trái phiếu Tân Hoàng Minh đã xảy ra khá lâu rồi, nhưng những trái chủ THM vẫn chưa nhận lại tiền của họ. Một số nhỏ may mắn có lấy được lại tiền thì chỉ là 1 phần nhỏ số tiền họ đã bỏ ra mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Những trái chủ của An Đông cũng sẽ vô vọng không kém.
Trích VnExpress "Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông, thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát - giai đoạn 2018-2019 phát hành 3 lô trái phiếu trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024.
Một trong các lô trái phiếu của An Đông, như lô ADC-2018.09, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và cũng không có bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn 5 năm từ ngày phát hành.”
An Đông được xác định là lừa đảo, thì bây giờ còn gì cho trái chủ chia nhau. An Đông sẽ trả cho nhà đầu tư bằng cái gì? Nói theo kiểu xéo sắc là trả bằng con mắt à?
Ông Bộ trưởng Tài chính, phải xử lý và chấn chỉnh những cán bộ đã không giám sát việc phát hành trái phiếu. Rất nhiều Trái phiếu rất rủi ro, chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn để phát hành riêng lẻ, mà đã được các doanh nghiệp quá tham vốn (hay lừa đảo) này phát hành ra công chúng.
Cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của một số công ty chứng khóa, ngân hàng…những trái phiếu rác đã được đưa đến tận tay người dân, những người được xem là công chúng này đáng lẻ phải được bảo vệ tốt hơn.
Bộ tài chính không thể để các doanh nghiệp lừa đảo người dân như vậy.
Các bạn muốn đọc thêm về những nội dung tương tự, về cổ phiếu, trái phiếu, ngân hàng thì comment tương tác nhé. Tôi sẽ úp nhiều bài hơn để mọi người nắm rõ.
Thân ái
Chú Ba tài chính Lâm Minh Chánh
Cũng vì các vụ lùm xùm trái phiếu này, mà tôi đã viết thêm hẳn 1 chương về trái phiếu (2 chương mới còn lại là Chứng chỉ quỹ đầu tư và Đa dạng hóa đầu tư) cho cuốn sách “Đầu tư Chứng khoán: chơi trò hên xui hay tích lũy tài sản”. Bạn xem nội dung tại đây nhé: https://bizuni.vn/sach-khoa-hoc-dau-tu-chung-khoan