Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 3 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được nhiều người biết đến từ cuối năm 2011, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB. Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính của cả 3 ngân hàng nói trên.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên 2012 - 2017, HĐQT của SCB có 8 thành viên và bà Nguyễn Thị Thu Sương được bầu làm Chủ tịch, ông Vũ Văn Thành là Phó Chủ tịch và ông Trầm Thích Tồn là thành viên HĐQT… Bà Sương và ông Tồn đều nắm vị trí quan trọng tại Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Saigon Peninsula - là công ty liên kết của Vạn Thịnh Phát).
Ngay sau khi thông tin này phát đi, SCB đã rà soát và khẳng định, Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB. Tuy nhiên, vẫn có một lượng lớn khách hàng đã đến các chi nhánh của ngân hàng này để rút tiền.
Điều đáng nói ở đây là, dù không phải là ngân hàng có liên quan đến vụ việc nhưng có một sự nhầm lẫn của không ít người khiến cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chịu cảnh vạ lây. Trước thông tin này, chiều ngày 8/10, Sacombank đã phải lên tiếng về tên gọi của ngân hàng. Trên fanpage của mình, Sacombank cho hay hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Do nhiều người nhầm lẫn về cách đọc nên tưởng SCB là Ngân hàng Sacombank, dẫn đến một số người gửi tiền lo lắng.
"SCB và Sacombank là hai ngân hàng khác nhau. Sacombank là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, mã chứng khoán là STB", Sacombank thông tin.
Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết: "Khách hàng nên thật cân nhắc, kiểm tra kỹ thông tin trước khi quyết định rút tiền tiết kiệm trước hạn hay không và ngay cả khách hàng của Ngân hàng SCB cũng nên thận trọng, vì đừng theo thông tin thiếu kiểm chứng mà đổ xô đi rút tiền tiết kiệm trước hạn, vừa thiệt thòi, vừa gây khó cho hệ thống".
Tại toạ đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank cho biết, "Sacombank có 566 điểm giao dịch tại các tỉnh thành và có tại hai nước Lào, Campuchia.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng tôi hỗ trợ lãi suất cho người dân, thậm chí giãn trả nợ. Khi xảy ra lụt, bão chấp nhận cơ cấu trích lập dự phòng để cho người dân, ngư dân vay phục hồi sản xuất. Còn đối với doanh nghiệp, khi chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp đến hạn không trả nợ thì chúng tôi phải giải quyết bài toán cơ cấu nợ, trích lập quỹ dự phòng. Rồi những doanh nghiệp ưu tiên lĩnh vực CNTT, lĩnh vực tín dụng xanh, rồi 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN luôn kêu gọi các ngân hàng thương mại phải đồng hành".
Ông Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh cho biết thêm, trong quá trình tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.
"Từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %", ông Minh chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của Sacombank, trong 6 tháng đầu năm, Sacombank đạt hơn 11.250 tỷ đồng tổng thu nhập và 2.908 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 27% và 20% so với nửa đầu năm 2021. Tính đến hết ngày 30/6/2022, STB đang ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 11.035 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Huy động vốn đạt hơn 493.000 tỷ - tăng 6,2% và dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng - tăng gần 7% so với đầu năm; nợ xấu (nhóm 3-5) ở mức 5.300 tỷ đồng - giảm 8% so với số đầu năm. Cho vay khách hàng ghi nhận 414.561 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng ở mức 7.310 tỷ đồng, tăng 5,7%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng đạt 456.417 tỷ đồng, tăng 6,8%. Phát hành giấy tờ có giá tăng 4,6%, ở mức 22.066 tỷ đồng. Quỹ các tổ chức tín dụng ghi nhận 4.234 tỷ đồng, tăng 14%.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, được các cơ quan chức năng ghi nhận nên tháng 9/2022 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank chính là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%.
Việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01. Điều này đã khẳng định Sacombank được NHNN đánh giá cao thông qua việc tăng kết quả xếp hạng từ hạng C lên hạng B.
Tính đến hết quý 3/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu 0,86%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.