Cụ thể, quỹ TVGF3 đầu tư 217 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết, tương ứng 87% tổng tài sản và đầu tư 10 tỷ đồng vào chứng khoán chưa niêm yết và UPCoM, tương ứng 4% tổng tài sản. Quỹ TVGF4 đầu tư hơn 201 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết, tương ứng 79% tổng tài sản và đầu tư hơn 19 tỷ đồng vào chứng khoán chưa niêm yết và UPCoM, tương ứng 8% tổng tài sản. Tỷ trọng tài sản mang đi gửi ngân hàng tại hai quỹ này đều không nhiều, lần lượt chiếm 6% và 10% tổng tài sản.
So với đầu năm nay, tài sản ròng tại thời điểm 31/08 của TVGF3 và TVGF4 lần lượt đạt 249.9 tỷ đồng và 255.2 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 24%, cao hơn mức 10% của VN-Index. Như vậy, tổng tài sản ròng của hai quỹ đạt 505.1 tỷ đồng, số lượng chứng chỉ quỹ không thay đổi trong năm 2023, lần lượt hơn 19.9 triệu chứng chỉ quỹ tại TVGF3 và hơn 20 triệu chứng chỉ quỹ tại TVGF4.
Tốc độ tăng trưởng của VN-Index, TVGF3, TVGF4 từ đầu năm 2023 đến nay Nguồn: VietstockFinance |
Nguồn: VietstockFinance |
Trong danh mục đầu tư chứng khoán, cả hai quỹ của Thiên Việt đều dành sự quan tâm lớn đối với chứng khoán niêm yết với tỷ trọng đầu tư vào nhóm này lần lượt 96% tại TVGF3 và 91% tại TVGF4. Danh mục tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, đặc biệt có sự dịch chuyển từ nhóm ngân hàng sang nhóm bất động sản.
Tính tới cuối tháng 8, giá trị đầu tư vào nhóm bất động sản tại quỹ TVGF3 đạt gần 81.5 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với thời điểm tháng 1, trong đó DXS chiếm 22% giá trị danh mục. Còn quỹ TVGF4 đạt hơn 80.2 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với tháng 1, trong đó DXS chiếm 20% giá trị danh mục. Có thể thấy đây là nhóm ngành mà hai quỹ đầu tư dành sự quan tâm nhiều nhất và cũng là nhân tố chính giúp tỷ suất sinh lợi của hai quỹ đầu tư vượt trội hơn so với VN-Index khi nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận mức tăng rất mạnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cổ phiếu VRE cũng xuất hiện trong danh mục từ tháng 5 sau đó tăng gần 12% lên 30,300 đồng/cp, NVL xuất hiện trong danh mục từ tháng 6 sau đó tăng gần 38% lên 20,450 đồng/cp.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, tỷ trọng vốn đầu tư có phần sụt giảm, đầu năm chiếm đến hơn 40% tại quỹ TVGF3 và hơn 36% tại quỹ TVGF4, đứng đầu danh mục, trong khi đến cuối tháng 8 chỉ còn lần lượt gần 30% và gần 26%, xếp sau nhóm cổ phiếu bất động sản. Hai cổ phiếu ngân hàng còn lại được chọn mặt gửi vàng là VPB và TCB.
Một cổ phiếu ngành chứng khoán là HCM cũng đóng góp lớn trong tỷ trọng của quỹ, đáng chú ý, HCM chỉ mới xuất hiện trong danh mục kể từ tháng 6, sau đó nhanh chóng gia tăng lên vị trí thứ hai về tỷ trọng đối với một cổ phiếu. Giá cổ phiếu HCM cũng đã tăng hơn 16% tính từ thời điểm góp mặt trong danh mục.
Một số cổ phiếu khác cũng góp mặt như PVP, PVD thuộc nhóm dầu khí và một số mã trái phiếu, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp không cao.
Nguồn: VietstockFinance |
8 tháng đầu năm nay là giai đoạn nền kinh tế đối mặt với không ít những khó khăn, các vấn đề về trái phiếu, dòng tiền, pháp lý vẫn còn tồn đọng khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản không có sự bứt phá đáng kể. Tuy nhiên trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt và thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực hơn từ Chính phủ, chính sách, đồng thời năm 2022 nhóm bất động sản gần như giảm mạnh nhất thị trường, do đó việc đi lên từ vùng giá thấp thường hấp dẫn nhà đầu tư.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, TVGF3 ghi nhận khoản lãi từ hoạt động đầu tư là 65.1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 15.3 tỷ đồng, giúp tài sản ròng tăng lên 249.9 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Còn quỹ TVGF4 lãi từ hoạt động đầu tư là 64.1 tỷ đồng, gấp 12 lần so với cùng kỳ, giúp tài sản ròng tăng lên 255.2 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả hoạt động kinh doanh của TVGF3 và TVGF4 8 tháng đầu năm 2023 Đvt: Tỷ đồng Nguồn: VietstockFinance |
TVGF3 và TVGF4 là những quỹ đóng có thời gian hoạt động 5 năm, được quản lý quỹ Thiên Việt thành lập lần lượt vào tháng 08/2021 và tháng 07/2022, được niêm yết và giao dịch trên HOSE.
Vừa qua, Quản lý Quỹ Thiên Việt ra mắt quỹ đóng TVGF5 với quy mô tối đa 400 tỷ đồng, phát hành tối đa 40 triệu chứng chỉ quỹ, thời gian hoạt động 5 năm, dự kiến niêm yết trên HOSE, được lưu ký và giám sát bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID).
Nguồn: Huy Khải/FILI
--------------------------------------------
Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) là một công ty quản lý quỹ được thành lập vào tháng 6/2015 với 99% vốn của Công ty chứng khoán Thiên Việt (TVS). Công ty Quản lý Quỹ cung cấp các loại hình dịch vụ tư vấn quản lý danh mục đầu tư, quản lý tài khoản và quỹ. Công ty dự định mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn để tham gia và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam bằng cách đầu tư vào vốn của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chủ tịch hội đồng đầu tư TVAM là ông Nguyễn Trung Hà. Ông Hà cũng chính là chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán Thiên Việt..
Chân dung ông Nguyễn Trung Hà - Chủ tịch công ty chứng khoán Thiên Việt

Ông Nguyễn Trung Hà được biết đến như là một chiến lược gia kinh doanh hàng đầu với bề dày kinh nghiệm đầu tư qua hơn 30 công ty trong nước. Vị doanh nhân này cũng là một trong những thành viên sáng lập tập đoàn FPT cùng ông Trương Gia Bình, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam,... Ông Trung Hà là người hoạch định chiến lược của FPT trong nhiều năm. Một điều bất ngờ là chủ tịch TVS cũng là thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Ông Hà hiện là cổ đông lớn nhất của TVS với hơn 44 triệu cổ phần, tương đương gần 30%. Với mức giá 25.000 đồng/cp như hiện tại, ông Hà có khối tài sản quy từ riêng cổ phiếu TVS khoảng 1.107 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trung Hà góp vốn và tham gia vào HĐQT của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - truyền thông như CTCP Truyền thông và Giải trí Galaxy, Galaxy Studio, Quảng cáo trực tuyến 24h, Tìm Việc Nhanh, Goldsun Media, Công nghệ Tinh Vân,...
Ông Hà sinh năm 1962, là một trong những sinh viên ưu tú tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonoxop; với chuyên ngành toán học. Ông là người đầu tiên 2 lần đạt giải nhất trong khoá nghiên cứu khoa học của đại học Lomonosov (Nga). Với xuất thân từ toán nhưng câu nói người làm toán là ‘tự sướng’ với mệnh đề "người giỏi làm toán rất lãng phí" khiến giới toán học tranh luận sôi nổi một thời.
Mặc dù là doanh nhân có tiếng trên thương trường trong các lĩnh vực từ công nghệ, truyền thông đến chứng khoán … nhưng ông Nguyễn Trung Hà chỉ được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây khi quyết định mang 32 tỷ đồng cứu bạn là ông Nguyễn Xuân Sơn - bị cáo trong đại án OceanBank thoát án tử hình.
Theo giới thạo tin, giữa ông Sơn và ông Hà là những tình nghĩa từ ngày đầu thành lập Ngân hàng. Ông Nguyễn Trung Hà từng có thời làm Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng ACB từ 1994 đến 1997 trước khi rời bỏ ngân hàng này.