Khi người ta đã chán chê "mâm cao cỗ đầy", lòng dễ thèm nhưng dưa cà mắm muối... Vậy, thay vì cứ mãi miết chạy theo những thứ "hữu hình", tại sao bạn không bán cho họ những thứ "vô hình" có tên CẢM XÚC - THỨ SẼ LÀM NÊN SỰ KHÁC BIỆT. Đây là lý do mà Cục gạch quán đã tạo trend và cảm hứng cho rất nhiều người học theo.

Trước khi muốn biết điều tôi sẽ chia sẻ, bạn hãy dành cho mình vài phút, với một tâm hồn rộng mở, đưa mọi cảm xúc của mình về miền ký ức của tuổi thơ (nên bạn là dân thị thành chánh hiệu, thì sẽ hiểu hơn chút về cảm xúc ngày Tết của bọn trẻ " nhà quê" đã từng sinh ra).

Bài viết của một người chủ sở hữu một chuỗi thương hiệu mà bất cứ khách nước ngoài nào khi đến Saigon đều muốn đến nơi này:

CỤC GẠCH QUÁN

Một Kiến trúc sư thuộc hàng " quái", nên mọi thứ anh làm đều rất " quái", nhưng chính từ cái chất "quái" này đã làm nên Nhân hiệu lẫn Thương hiệu của mình.

Các bạn đọc nhé:

"Cái quán quê
- Bài: KTS Trần Bình
- Cục Gạch Quán được đăng trên tạp chí Nhà Đẹp Xuân Canh Dần - 02/2010

• Sáng mồng một này tôi dậy sớm, hít thở không khí nhà quê, cái ban mai tinh khiết phản phất bên khóm cúc vàng. Trong phòng khách mâm cơm Bà đã chờ sẵn cho đám cháu con cả năm mới có ngày xum vầy. Tôi không chọn cho mình hoa Mai hay hoa Đào để làm trang trí tết, hoa giấy đủ màu cũng làm rộn rã cả không gian. Nó đẹp bởi vì nó thật, nhìn vào biết là hoa giấy và không nhái bất kỳ lọai hoa nào. Tết mới là dịp bán được nên hoa cũng chỉ được làm vào dịp cuối năm, không hương nhưng không tàn, không dịu dàng mà rực rỡ.

Xem như năm nay mình ăn Tết lớn vì đã kịp mở cái quán nhà quê để “nối nghiệp” Bà. Lặng lẽ mấy mươi năm, bây giờ cái quán của Ngọai ở quê cũng sắp rệu, không lợp lại được cái mái lá khác vì giàn kèo đã mục nát, Bà chấp vá cũng che được nắng mưa…. Chừng ấy năm nó chắc chiu cho bà chăm sóc chúng tôi ăn học, có nghề. Giữa nhịp sống hối hả của thị thành tôi mới nhận ra được sự đóng góp vô hình của nó: giúp bà khỏe và minh mẫn dù bà sắp bước sang tuổi 90. Một bao lộc lì xì vô giá cho tôi, một cảm giác rộn ràng mà lặng lẽ.

Sau giờ giao thừa bà hay ưu tiên cho mấy đứa con nít đến xông đất. Chúng mang tiền đến, không toan tính và rất hồn nhiên. Không sắp đặt và đã trở thành thông lệ, vì tết là dịp lũ nhỏ nhận được lì xì. Nắng xuyên qua kẽ lá, gió lay nhẹ, Bà dậy lội bộ đi chợ, lúc về hai tay khệ nệ chính là bài tập thể dục dưỡng sinh vô giá. Những lúc rảnh, mấy bà già cùng sớm hay đến quán ngồi nói chuyện cháu con, thương yêu, giận hờn, vui buồn đều có.…những chia sẽ đời thường, thật thi vị chỉ có ở xóm với làng...

Cục Gạch Quán chất chứa những kỷ niệm chân tình, lẵng lặng, yên tĩnh trong không gian cũ, nâng niu những giá trị thật của người nhà quê theo xu hướng “ăn xanh sống sạch”, một ý niệm trong cách đối xử tử tế hơn với môi trường. Góp nhặt và chọn lọc lại những vật dụng cũ, kết hợp chúng với vài vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện nghi. Bắt chước Ngọai, tôi đựng mấy đôi đũa dừa nước trong cái lon lygo rồi cho khách tự so đũa trước khi ăn, khách không phàn nàn mà thích thú vì lâu lắm rồi mới được “về quê”. Cái ly thủy tinh lấy ý tưởng từ cái chung hột vịt lộn, giữ lại dáng dấp xưa chỉ thay đổi chất liệu và tỷ lệ kích thước, thấy gần gần và lạ lạ. Mấy hôm trời nóng Ngọai hay cho chúng tôi uống nước đậu đen, gạo rang. Bây giờ nó trở thành thức uống sang cả vì sự “sạch” không hóa chất , nhưng cầu kỳ trong cách chế biến thay gì chỉ khui một chai nước đóng sẳn trong vài giây. Bắt chước Ngọai, đi chợ luôn mang theo giỏ xách, mấy cái bao nilon Ngoại nhét để dành trong xó bếp bây giờ lại là bài học bảo vệ môi trường. Bắt chước Ngọai, bếp tôi tự làm đậu hủ, tự muối cà muối cải, tương chao đặt bà Ba, bà Bảy tự làm để họ không biết để thêm vào chất bảo quản, cái chén chè đậu xanh không dám bỏ vỏ vì sợ ăn không mát, chuối chiên ít bán vì là món ưu tiên để mời khách cho thấy “cái giá” của chuối chiên.

Cái quán quê là kho tư liệu giúp tôi tìm kiếm những ý tưởng, là mạch cảm xúc trong những thiết kế của chính mình. Thiết lập lại không gian trong ngôi nhà Pháp xưa như giữ lại chút quá khứ của sài Gòn. Quán Bà Ngọai được đặt ngay trong phòng ăn của nhân viên, tái lập lại không khí gia đình, mất đi cảm giác văn phòng, thân thiện và gần gũi. Cái hồ nước và khóm cây tràm trồng trong mấy cái ống cống như một ốc đảo, tạo cảm giác lọt tỏm trong thiên nhiên và xa lạ với thị thành. Không gian mênh mông vì rộng hơn. Bắt chước Ngọai, tôi chỉ mua gỗ vụn về làm quán cho đỡ tốn tiền. Nhổ đinh, bào chuốt từng cây gổ li ti, lắp ghép vụn vặt là công đọan hiếm thấy và không dễ làm. Mấy khúc gỗ 4x8 dài chừng 1m được chẻ rãnh chèn cây vào giữa làm liên kết và là giải pháp chống rớt bụi từ sàn nhà bên trên. Một sáng kiến của mấy anh thợ nhà quê mà chưa chắc anh kiến trúc hay nội thất nào cũng biết. Cái cầu thang đi hơi khó là một thiết kế sai, nhưng vì không muốn cưa hay cắt cây cột gỗ có sẵn nên đành chấp nhận, xem như là cách biện minh an toàn nhất- một thông điệp có dụng ý cho mọi người suy nghĩ lan man hơn.

Bây giờ Cái Quán Quê đã trở thành cái lý sống, là bài học nhập môn cho đám cháu con. Nơi gặp gỡ được những người biết sống với cái tình. Cây bưởi trên lầu không thèm kết trái, chăm sóc lắm cũng chỉ được mấy chùm hoa nhỏ. Mấy hôm trời không trăng tôi hít thật sâu mới ngửi được hương của chúng, im lặng rồi bảo với đám lính nhà quê: thấy chưa, ở thành phố đâu phải cái gì cũng có.

Hoa càng đẹp và tinh khiết hơn chưa!"

----------------------------------------------------------------------
Rồi giờ tới lượt tui nói.

Khi mà một ngành kinh doanh đòi hỏi rất nhiều về tính sáng tạo, sự khác biệt lẫn bản sắc thương hiệu... nhưng đa số thì vẫn chạy theo sự sao chép, thì thay vì cứ phải đeo đuổi những điều to tác, tại sao không thử 1 lần, biến những thứ đời thường nhất trở thành sự khác biệt của bạn?

Khi mà cuộc sống ngày càng hối hả, chúng ta quá mệt mỏi lẫn nhàm chán thứ " Cơm đường - cháo chợ" thì chính những bữa "cơm nhà" trở thành một trải nghiệm xinh xắn, thân thương mà ai cũng phải khát thèm.

Bữa cơm gia đình dần là điều xa xỉ khi ta mãi quay cuồng với guồng sống ngày càng vội vã, người ta dễ thèm cái cảm giác quây quần bên nhau, cùng tranh đũa những món ăn đạm bạc, chẳng cần gì những món cao sang, có chăng chỉ cần tô canh nóng hổi vừa miệng, đĩa rau luộc như vừa hái ngoài vườn với tộ cá kho vừa đủ riu lửa, hay những món ăn đồng quê, nhiu đấy thôi cũng đã thấy ngon.

Giá trị của một mâm cơm gia đình là ở chỗ đó. Đặc biệt là với những kẻ xa quê thì một bữa cơm gia đình đúng nghĩa cũng đủ khiến cồn cào nỗi nhớ...

Còn nhớ khi Cục Gạch mới vừa mở cửa, một đứa đệ tử của tui về làm Tổng quản lý có mời tui tới, cảm giác khi bước qua cái cổng gỗ là một quán ăn kiểu cổ với phong cách Vintage kiểu quê quê, qua lối dẫn vào trong nhà là cây cỏ, dây leo vừa mát mắt vừa gần gũi với thiên nhiên. Những loại cây có ở Cục Gạch Quán đều là các cây quen thuộc đi theo ta những năm tháng tuổi thơ, đặc biệt là cây ổi, khóm mồng tơi xanh mướt. Hồi đó, cái quán này thiệt ngộ, nó chẳng có cái Menu như bao cái quán trên đời, mà ở đó mỗi ngày nó hứng lên bán cái gì thì khách ăn cái đó, rồi mọi thứ dường như người chủ cố tình là đi cho nó thật nhà quê... từ đôi đép " chiếc đực chiếc cái" của nhân viên, đến cái cách bỗ bã tự nhiên của thằng ku Quản lý, rồi đũa chiếc dài chiếc ngắn, cái chén mẻ, cái đồ đập đá dùng để xới cơm... mọi thứ thật tự nhiên theo cái kiểu nghệ thuật sắp đặt như không sắp đặt...

Khách hàng người Việt, ngoài sự yêu thích nơi này bởi những điều giản dị kia là sự gần gũi và tách biệt phố xá ồn ào bên ngoài cánh cổng. Khi đến đây, ta cứ ngỡ mình lại được về ngôi nhà của ký ức tuổi thơ, khiến khi đối diện trước nó, cảm xúc sẽ vỡ oà vì sự hoài niệm. Trải nghiệm thú vị về đời sống ở quê ngày trước luôn hiện diện ở một góc nhà của Cục Gạch Quán, từ những hình ảnh thân thương với chiếc lồng gỗ, cái gác măng rê cũ hay chiếc ghế bành xưa bóng màu thời gian.

Và bạn sẽ không thể tin một điều là, nơi đây chỉ bán những bữa cơm quê, nhưng lại được khách hàng ngoại quốc thích thú đến như thế nào. Họ tò mò vì muốn biết vì sao người Việt lại thường phải ăn cơm cùng nhau, gắp cùng đĩa thức ăn hay múc từng muỗng canh trong cùng một tô. Đến cả cặp đôi nổi tiếng như Angelina Jolie và Brad Pitt hoặc như vợ chồng ông Obama khi đến Saigon đã phải dành thời gian để đến nơi này và họ đã dành rất nhiều lời khen có cánh về bữa ăn vô tiền khoáng hậu mà lần đầu tiên họ có được.

Vậy đó, trong kinh doanh - khi người ta càng cố nặn trong đầu mình những cái ý tưởng thật cao siêu, thật khác lạ thì lại càng bế tắc, đến đỗi cứ ngỡ là mình khác biệt với đối thủ thì càng dị biệt đến nỗi chẳng ai muốn đoái hoài, thì có những người họ chỉ bán những điều dung dị nhất, đời thường nhất thì họ lại tạo tiếng vang...
Lẽ ở đời, thửa hàn vi thiếu thốn, người ta ăn uống cái gì, cuộc sống như thế nào, thì khi càng đủ đầy, thứ người ta thèm "ăn" nhất chính là những thứ giúp họ hoài niệm...

Khi người ta sống trong một môi trường ngột ngạt, bon chen... người ta thèm những khoảng lặng, sự bình yên "rất đời"...

Khi người ta đã chán chê "mâm cao cỗ đầy", lòng dễ thèm nhưng dưa cà mắm muối...
Vậy, thay vì cứ mãi miết chạy theo những thứ "hữu hình", tại sao bạn không bán cho họ những thứ "vô hình" có tên CẢM XÚC - THỨ SẼ LÀM NÊN SỰ KHÁC BIỆT.

Đây là lý do mà Cục gạch quán đã tạo trend và cảm hứng cho rất nhiều người học theo.

Xem Series bài:

Sơ lược Ngành Hospitality ở Việt Nam – Bài 1. Góc nhìn từ Nghề

Sơ lược ngành Hospitality ở Việt Nam – Bài 2: Ẩm – Thực là gì?

Sơ lược Ngành Hospitality ở Việt Nam – Bài 3: Các thời kỳ tiêu biểu của Ẩm thực Việt nam hiện đại

Sơ lược ngành Hospitality ở Việt Nam – Bài 4: Văn hóa & Kinh doanh ẩm thực Miền Nam giai đoạn 1954 – 1975

Sơ lược Ngành Hospitality ở Việt Nam –  Bài 5: Văn hóa ẩm thực Miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 ( tiếp theo)

Sơ lược ngành Hospitality ở Việt Nam – Bài 6: Văn hóa ẩm thực Miền Nam giai đoạn 1975 – 2020 ( tiếp theo)

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 7: Văn hóa ẩm thực Miền Nam giai đoạn 2000 – 2010 ( tiếp theo)

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 8: Sự xuất hiện của những chuỗi nhà hàng và cà phê giai đoạn 2000 – 2010

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 9: Sự xuất hiện của Karaoke

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 10: Những gã tí hon yêu cafe làm nên việc lớn

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 11: Trịnh Lai – Gã khai hoang tầm cỡ thế giới

Sơ lược ngành hospitality ở Việt Nam – Bài 12: Golden Gate - Khi những kẻ ngoại đạo làm nên kỳ tích