Woay là startup cuối cùng gọi vốn tại tập 4 Shark Tank mùa 4. Hồ Tiến Lộc - founder kiêm CEO của Woay cho biết: startup của mình hiện đang cung cấp nền tảng thiết kế minigame cho doanh nghiệp.

Gamification hay còn gọi là game marketing là một hình thức ứng dụng các nguyên lý thiết kế game vào hoạt động marketing. Hình thức marketing này giúp tăng tương tác thương hiệu với khách hàng, thu thập được các data tiềm năng, tăng doanh số, tri ân khách hàng.

Game marketing sẽ là một trong những xu hướng marketing quan trọng trong vài năm tới

Shark Liên thắc mắc: “Em đã làm gì để sống sót tới giờ này khi Covid-19 hoành hành ảnh hưởng đến toàn thế giới mà em vẫn đứng đây và rất tự tin”?

Hồ Tiến Lộc cho hay: “Năm 2020, tụi em định danh mình là chuyên gia gamification trong marketing. Rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã biết đến tụi em và agency (công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo) đang có nỗi khổ, nỗi đau về cái này”.

Nhận định thị trường đang rất tiềm năng, khách hàng đang sẵn sàng với gamification nhưng chưa biết làm thế nào, Hồ Tiến Lộc tự tin rằng Woay có thể thắng trên thị trường game marketing.

woay-shark-tank-4-8-1621854080.jpg
Hồ Tiến Lộc - founder kiêm CEO của Woay

 

Khi được Shark Hưng hỏi về số lượng người dùng, khả năng hòa vốn, Hồ Tiến Lộc phân tích: hiện tại, Woay đang có 1.700 acquire user (khách hàng được kết nạp mới) trên nền tảng và tự tin “đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 14.000 acquire user. Dự kiến cuối năm 2021 doanh số đạt 4.5 tỷ”.

Chia sẻ thêm về quan điểm kinh doanh, Hồ Tiến Lộc tâm sự: làm startup không nhất thiết phải lỗ. Anh giải thích rằng startup của mình làm từ những con số rất nhỏ. Khi có bản MVP (Minimum Viable Product – phiên bản dùng thử cơ bản), Woay đã đạt được doanh số khoảng 10.000USD. Woay dùng số tiền đó để phát triển dần cho tới bây giờ.

Nhận định đây là một xu hướng marketing trong 5 năm tới, Hồ Tiến Lộc đến Shark Tank 4 để kêu gọi đầu tư bắt đầu từ 450 triệu đồng cho 1% cổ phần.

Với tư duy chắc chắn, Woay không ngại kiếm tiền lẻ trong thời gian đầu

Là người có hai mươi năm làm công nghệ, Shark Bình rút ra kinh nghiệm: “Đi bán phần mềm hoặc gia công phần mềm có thể đủ sống thôi. Trong khi trí tuệ, IQ, đầu vào của những người làm phần mềm lại rất cao”. Shark Bình đưa ra ý kiến: “Người làm phần mềm phải biết kiếm tiền từ việc dùng phần mềm làm công cụ. Quan trọng nhất là kiếm tiền và bán hàng”.

Cho rằng cách bán hàng kiểu “500.000Đ/subscription (người đăng ký) thì không biết đến khi nào giàu”, Shark Bình đặt ra cho startup một bài toán khác: “Em có mô hình nào, kế hoạch nào để có thể đem lại lợi nhuận cho công ty ít nhất 1 triệu USD/năm trở lên không, trong vòng 2 năm tới”?

Hồ Tiến Lộc chia sẻ rằng không chắc sẽ đạt được con số đó nhưng dự kiến thị trường sẽ rất bùng nổ trong năm tới. Bằng chứng là ban đầu Woay bán những thứ liên quan đến customize (tùy biến) từ 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu, 50 triệu. Đến hiện tại, Woay tự tin ký được những hợp đồng 50 triệu.

Tiến Lộc cho biết có nhiều thương hiệu muốn ký hợp đồng với Woay trong thời gian tới. Woay có nền tảng thiết kế minigame giúp thương hiệu truy cập vào nền tảng để sản xuất chương trình chỉ với chi phí 500.000 đồng. Nếu khách hàng mua thời lượng lâu hơn, từ 6-12 tháng thì chi phí tiết kiệm hơn.

woay-1621854037.jpg
Đội ngũ nhân sự của Woay

Chia sẻ về số lượng người dùng hiện tại, Người điều hành Woay cho biết, trong số 1.700 acquire user có khoảng 5% paid user (người dùng trả phí). Mỗi paid user kết nạp khoảng 1.500 – 3.000 user.

Shark Hưng tính toán nhanh và cho biết để đạt được doanh thu 1 triệu USD thì Woay cần 92 triệu lượt chơi trong tháng.

Khi được Shark Việt hỏi về nỗi đau khởi nghiệp, Hồ Tiến Lộc tự hào: “Em nghĩ em là startup hiếm hoi không có nỗi đau. Với em, startup khởi sự ra là mình hướng tới mục tiêu kinh doanh. Cho nên, em đi từ những ngày đầu luôn suy nghĩ làm sao để không mất quá nhiều vốn mà công ty vẫn tăng trưởng được”.

Hồ Tiến Lộc còn cho biết thêm, Woay không đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhưng có nhiều đối thủ gián tiếp như: đơn vị thiết kế website, phần mềm… Tuy vậy, các đối thủ này vẫn thuê Woay làm để tiết kiệm 100 – 300 giờ làm việc.

Shark Phú, Shark Hưng, Shark Liên, Shark Việt lần lượt từ chối đầu tư, nhường lại cuộc thương thảo cho Shark Bình.

NextTech sẽ cung cấp cho Woay ‘hỏa công’ và ‘gió đông’

Shark Bình đánh giá: “Công ty em giống nho còn xanh. Em đang đi con đường làm customize cho các brand lớn. Anh đã trải qua nỗi đau đấy rồi, rất là mệt mỏi”.

Shark Bình cho biết có thể biến startup trở thành triệu phú với điều kiện lợi nhuận đạt khoảng 1 triệu USD/năm. Shark phân tích: “Chia ra khoảng 8.000 monthly paid user (người dùng trả tiền hàng tháng) thì em phải dùng ‘hỏa công’ có ‘gió đông’. ‘Hỏa công’ ở đây chính là thị trường mass (tất cả thị trường, không chia phân khúc), mà ‘gió đông’ ở đây chính là ở NextTech. Hiện nay hệ sinh thái NextTech đang phục vụ khoảng 150.000 merchant SMEs”.

woay-shark-tank-4-6-1621854037.jpg
Hồ Tiến Lộc và co-founder Võ Thị Thái Thảo

Do đó, Shark Bình đề nghị 1 tỷ cho 25% cổ phần và hứa sẽ biến founder này thành triệu phú.

Trước đề nghị của Shark Bình, Lộc đã xin phép hội ý cùng đội ngũ. Sau đó, Hồ Tiến Lộc quay trở lại cùng Võ Thị Thái Thảo, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Marketing Woay để thuyết phục Shark Bình thêm một lần nữa. Thái Thảo cho biết rất muốn đi cùng Shark Bình nhưng với đề nghị đầu tư khác là 1 tỷ cho 10% cổ phần.

Tuy nhiên, Shark Bình vẫn cứng rắn với lời đề nghị phía trên. Với việc là nhà đầu tư chiến lược có hệ sinh thái, Shark Bình không đồng ý với đề nghị này và điều chỉnh deal còn 1 tỷ cho 20% cổ phần, cùng lặp lợi lời hứa hẹn sẽ đưa startup trở thành triệu phú USD.

Shark Bình giải thích: doanh nghiệp của em là B2B, nên chỉ phụ thuộc vào bán hàng, không mất tiền marketing nên không cần nhiều tiền. Shark khẳng định: “Trong hệ sinh thái của NextTech, anh đã biến rất nhiều người thành triệu phú”.

Cuối cùng, Woay cũng đồng ý với đề nghị này của Shark Bình, dù có hơi không cam tâm: “Hơi tiếc khi công ty không được định giá cao nhưng tụi mình kỳ vọng là Shark Bình có thể biến ba tụi mình thành triệu phú”.