VNG Education 21 chuyên về xuất khẩu lao động đi Đức và có thể cả thế giới sau này

Startup thứ 2 đến kêu gọi vốn ở tập 9 chương trình  Shark Tank Vietnam 2021 là VNG Education 21 với 2 đại diện: Nguyễn Lê Phú Thịnh - Nhà sáng lập và Dương Minh Khánh Lâm – Nhà đồng sáng lập. Cả hai đã mang đến không khí lễ hội Oktoberfest lừng danh của Đức ngay tại “bể cá mập” cùng một dự án liên quan đến đất nước này: đào tạo và xuất khẩu lao động có chuyên môn sang Đức. Theo đó, cả hai đã đến Shark Tank để kêu gọi 3 tỷ cho 10% cổ phần của công ty.

Đại diện startup chia sẻ, dân số Đức già hóa nhanh và vấn đề này diễn ra nhanh hơn sau đại dịch Covid. Năm 2020, Viện Kinh Tế Đức đã có thông báo 1,2 triệu công việc trống do không tìm được nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu và con số này có thể gia tăng tới 3,9 triệu trong năm 2030. Đó chính là khủng hoảng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đức.

Nhìn lại Việt Nam, startup nhận thấy đất nước mình đang có nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, VNG Education 21 đã ra đời để làm cầu nối giữa Việt Nam và Đức. “Công ty mang đến giải pháp cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, có tay nghề tại Việt Nam cho nhà tuyển dụng tại Đức”, nhà sáng lập Lê Phú Thịnh nói.

vng-1624857814.jpg
VNG Education 21 đã mang đến không khí lễ hội Oktoberfest lừng danh của Đức ngay tại “bể cá mập”.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình về việc tại sao lại là Đức mà không phải các nước khác, Phú Thịnh cho biết, startup muốn tập trung vào thị trường Đức trước vì đang có nền tảng công nghệ của một startup tại Đức phát triển. Nền tảng công nghệ này có tên là Fachkraft1. Nền tảng này dựa trên câu chuyện rating và scoring (đánh giá và cho điểm) giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng và đặc trưng của người lao động để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.

Sau khi matching (phù hợp) thì người lao động và người tuyển dụng lao động sẽ sử dụng nền tảng này phỏng vấn online với nhau. Phỏng vấn online xong sẽ ký hợp đồng lao động tại Việt Nam theo tiêu chuẩn hợp đồng lao động của Đức.

Từ đó, VNG Education 21 sẽ thực hiện việc đào tạo ngôn ngữ, chuẩn hóa mọi bộ hồ sơ xuất nhập cảnh. Các Shark có muốn cùng chúng em thực hiện hóa mục tiêu làm giàu chân chính và đưa cho người lao động Việt Nam một cơ hội đổi đời tốt hơn?”, Phú Thịnh kêu gọi sự đồng hành của các Shark.

Dù chưa làm được gì, nhưng startup đã có 500 đơn đặt hàng từ Đức

Đại diện startup cũng chia sẻ thêm, công ty vừa thành lập vào tháng 5/2021, nhưng đã có 500 đơn đặt hàng từ Đức (2/3 là điều dưỡng, những người chăm sóc sức khỏe) thông qua nền tảng Fachkraft1. Đối tượng hiện tại trong năm 2021 mà VNG Education 21 hướng tới sẽ là những anh chị đã có chứng chỉ nghề, dưới 35 tuổi - là những người còn có khả năng học ngôn ngữ.

Từng kinh doanh bên châu Âu nên Shark Hưng rất thấu hiểu câu chuyện nhu cầu cao về tuyển dụng nhân lực tại châu lục này. Shark Hưng chỉ ra rằng, vấn đề chính ở đây nguồn lao động: “Tìm được nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu bên đó, đồng thời thỏa mãn được những yêu cầu về nhập cảnh, về giấy phép lao động, về ngôn ngữ là cả một vấn đề. Tôi cũng có thể đưa vài nghìn người sang Châu Âu ngay lập tức nếu bạn có nguồn cung đáp ứng được yêu cầu của bên đó”.

Đồng tình với ý kiến của Shark Hưng, Shark Liên cũng hỏi thêm startup giải pháp để đưa được những người có nghề sang Đức. Shark Liên cũng tiết lộ, mình đã ký với Đức 4 năm, đào tạo hàng trăm người nhưng chưa xuất được ai đi.

Trả lời các Shark, nhà sáng lập VNG Education 21 cho biết đã nộp giấy phép dạy tiếng Đức với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa dạy khóa nào, do công ty hoàn toàn mới.

Vì không thuộc hệ sinh thái mong muốn đầu tư, mô hình doanh nghiệp còn quá sơ khai, chưa khẳng định được gì, nên Shark Phú đã tuyên bố không đầu tư.

968a9763-1624858045.jpg
Nguyễn Lê Phú Thịnh - Nhà sáng lập (trái) và Dương Minh Khánh Lâm – Nhà đồng sáng lập

Ít khi đầu tư vào các startup không mang tính chất chuyển đổi số, nhưng với startup này, Shark Bình bất ngờ tuyên bố “tôi chốt deal luôn” do nổi hứng bởi 'các bạn đã mời bia ngay từ đầu'. Shark Bình giải thích, thêm đây là một deal đặc biệt nên sẽ phá lệ đầu tư vào startup phi chuyển đổi số. Nhưng vì startup chưa có gì nên Shark Bình đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 50%.

Shark Liên và Shark Hưng tiếp tục chỉ ra những thực tế về câu chuyện xuất khẩu lao động sang Đức: học tiếng Đức rất khó; nhu cầu sang Đức rất cao nên đã có người đánh đổi mạng sống để sang Châu Âu mà không thông qua những thủ tục pháp lý giữa hai quốc gia; các thủ tục, giấy phép cần đảm bảo hiện nay và các vấn đề hậu cần khác.

Nhà sáng lập VNG Education 21 cho biết, hiện công ty có đối tác là một văn phòng luật, lo pháp lý và hợp đồng cũng như hỗ trợ lao động định cư 2 năm sau khi làm việc. Anh cũng cho biết thêm, năm 2020 vừa qua, chính phủ Đức đã cấp cho Việt Nam loại visa: chỉ cần có bằng lao động nghề và chứng chỉ tiếng Đức A2 hoặc B1 là đã có thể sang Đức làm việc.

Về mô hình giáo dục, Phú Thịnh chia sẻ công ty mình xây dựng mô hình giáo dục tập trung, khép kín hoàn toàn, như mô hình trại hè quân đội. Người lao động sẽ được học từ sáng tới tối về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Tụi em tin rằng, những bạn lao động người Việt Nam sẽ là những đại sứ quan trọng nhất đưa hình ảnh của người Việt Nam, đưa thái độ làm việc của người Việt Nam ra. Từ đây thị trường sẽ mở rộng cho nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam”, founder VNG Education 21 khẳng định.

Shark Hưng nhận định, Đức là một thị trường khó khăn và cái khó của startup này là khâu trung gian, các thủ tục pháp lý để có được giấy phép xuất khẩu lao động; bản thân doanh nghiệp cũng còn quá mới, nên Shark Hưng đã quyết định không đầu tư.

Shark Louis – Liên – Bình chấp nhận xuống tiền vì bức tranh tài chính của startup dễ hiểu và đẹp

Do quỹ đầu tư niêm yết bên Đức, làm việc với chính quyền Đức nhiều năm về vấn đề công nghệ nên khi startup nói về việc đầu tư công nghệ giữa 2 nước, Shark Louis rất quan tâm. Chính vì vậy, dù nhận định startup còn “non” nhưng Shark Louis vẫn muốn cho VNG Education 21 một cơ hội để thuyết phục Shark bằng cách nói về điểm khác biệt của mình và dự toán bài toán tài chính trong vòng vài năm tới.

Tụi em làm chương trình này cũng bởi vì sau sự kiện ở Anh vừa qua, nhu cầu xuất khẩu lao động của người Việt Nam lớn và họ sẵn sàng đánh đổi để được cơ hội đổi đời đó. Tụi em làm để cho người ta một con đường đi thật sự chính thống và hiệu quả.

Và chương trình này sẽ là cơ hội tốt cho những bạn không có cơ hội vào Đại học, hoặc những nhân lực chất lượng cao bị mất việc do đại dịch Covid 19. Việc này có thể được đảm bảo tương lai cho các bạn trẻ, đảm bảo tương lai cho nền kinh tế Việt Nam”, Nhà sáng lập VNG Education 21 bày tỏ.

Về bức tranh tài chính, trong năm 2021, VNG Education 21 đặt mục tiêu thu được 2.000 hồ sơ ứng viên, năm đầu tiên sẽ đào tạo và hỗ trợ được cho 200 hồ sơ sang Đức. Mỗi một hồ sơ, startup sẽ thu 10.000 EUR, trong đó, 7.000 EUR là phí dịch vụ, 3.000 EUR là thù lao của nhà tuyển dụng, lợi nhuận sẽ là 2000 EUR.

968a9823-1624858045.jpg
Shark Louis - Liên - Bình quyết định cùng nhau đồng hành với VNG Education 21.

Với 200 hồ sơ thì lợi nhuận cho năm đầu là 400.000 EUR. Năm 2022, đưa 1800 hồ sơ còn lại sang Đức. Lợi nhuận hướng tới cho năm 2022 là 3,6 triệu EUR”, Nhà sáng lập đưa ra một bức tranh tài chính khá đẹp cho doanh nghiệp mình.

Shark Liên rất thích ý tưởng của VNG Education 21 vì đã tạo cơ hội “cho những bạn không có cơ hội vào đại học, giúp cho các bạn ấy có được một cái nghề và một thu nhập tốt”. Mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam có công ăn việc làm nên Shark Liên đã đưa ra đề nghị cùng Shark Bình và Shark Louis đầu tư cho VNG Education 21 nhưng với điều kiện startup phải cam kết được những gì đã nói. Mặc dù các Shark đã thử sức ở lĩnh vực này và chưa ai thành công, nhưng họ chưa ba giờ từ bỏ vì nó quá tiềm năng. Với deal này, các Shark hy vọng cách tiếp cận của VNG Education 21 sẽ hiệu quả hơn của họ.

Shark Bình đưa ra đề nghị mới, 49% cho 3 Shark (các Shark sẽ vào cùng một số tiền như nhau), trong đó Shark Liên 17%, Shark Bình và Shark Louis mỗi người 16%.

Sau một thời gian suy nghĩ, VNG Education 21 đưa ra đề nghị 3 tỷ cho 30% cổ phần (mỗi Shark 10%).

Shark Bình đưa ra đề nghị cuối cùng 3 tỷ cho 45%, mỗi Shark 15% và 2 nhà sáng lập đã chấp nhận đề nghị này.

Sau khi gọi vốn thành công, 2 đại diện của VNG Education 21 cũng bày tỏ sự bất ngờ và niềm hạnh phúc khi kêu gọi được 3 Shark cùng nhau đầu tư và cả hai tin đây sẽ là động lực để doanh nghiệp của mình cố gắng hơn nữa.