Trong lúc FLC tím tái tăng trần liên tục thì cả thị trường VN-Index bao trùm sắc đỏ liên tục trong tuần qua, giảm từ mốc 1.200 điểm về lại mốc 1.155 điểm.

Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 12/6/2018, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố: "Quý vị hãy tin tôi đi. Hãy kiểm chứng những lời tôi nói. Trong những năm tới FLC sẽ về mệnh. Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả".

trinh-van-quyet-1616740424.jpg
Ông Quyết từng tuyên bố: "Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả" - Ảnh: FB Trịnh Văn Quyết

Tại một sự kiện tổ chức ngày 18/11/2019, ông Quyết lại nói thêm: "Tôi khẳng định sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020. Giá cổ phiếu FLC sẽ gấp nhiều lần mức hiện tại. Không được 10 lần thì ít nhất phải gấp 5 lần, 7 lần, 8 lần".

Thời điểm ông Quyết tuyên bố, giá cổ phiếu FLC đang ở khoảng 4.000 đồng/cp, và thực tế là giá cổ phiếu không về mệnh trong năm 2020 như đã hứa, mà phải sang năm 2021 mới thực hiện được điều này.

Hiện cá nhân Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 215,44 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng 30,34% vốn điều lệ của tập đoàn. Chỉ tính trong 6 phiên tăng liên tiếp gần đây, giá trị số cổ phiếu FLC mà ông Quyết nắm giữ đã tăng hơn 600 tỷ đồng.

Phiên bản "lan đột biến" trên sàn chứng khoán

Cổ phiếu FLC vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp sau chuỗi tăng ấn tượng 140% trong ba tháng qua. Đặc biệt, trong 6 phiên từ 18/3 đến nay, khi VN-Index chỉ đi xuống thì FLC vẫn đi lên mạnh mẽ, trong đó có 3 phiên liên tục tăng kịch trần.

Theo VnBusiness, phiên bản của “lan đột biến” được tái hiện gần như chân thực nhất qua những diễn biến giao dịch của FLC. Giới đầu tư thậm chí còn ví von là “FLC đột biến” bởi cách giao dịch sốc, khoe tiền chưa từng có trên sàn chứng khoán Việt.

Đáng chú ý ở cách đi lệnh. Trong phiên giao dịch ngày 22/3, cuối phiên xuất hiện lệnh đặt mua hơn 32 triệu cổ phiếu FLC giá trần, tương ứng 260 tỷ được “show hàng” trên bảng điện tử. Ngày 23/3, tiếp tục lệnh mua 31 triệu cổ phiếu FLC giá trần được nhồi vào cuối phiên, tương ứng gần 290 tỷ đồng. Bên bán hoàn toàn bị khuất phục khi FLC trần và trắng bên bán.

Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán, chưa một mã cổ phiếu nào có mức đặt mua giá trần lên tới 31-32 triệu cổ phiếu mà “show hàng” trên bảng điện tử. Bởi lẽ, theo tâm lý người mua gom cổ phiếu với mục đích kiếm lời, chắc chắn bao giờ cũng muốn mua được giá rẻ, muốn mua được giá rẻ lại phải ẩn mình chứ không phải “khoe mẽ” cả cục tiền trên bảng điện giống như giới "lan đột biến".

Một điều khác biệt nữa ở FLC là những lệnh mua giá trần này xuất hiện vào cuối phiên khi HoSE đã “đơ nghẽn”. Theo phương thức phân bổ lệnh của HoSE cho các công ty chứng khoán, các công ty lớn thường dùng hết các lệnh sớm, nên bị HoSE khoá chặn nhận lệnh mới, trong khi các công ty chứng khoán nhỏ nếu chưa dùng hết số lệnh phân bổ có thể vào lệnh sau khi HoSE đã "đơ nghẽn". 

Do đó, việc xuất hiện lệnh mua trần hàng chục triệu cổ phiếu chỉ trong vài phút của FLC có thể xác định đến từ các công ty chứng khoán nhỏ. FLC là tập đoàn sở hữu Công ty Chứng khoán BOS (mã ART) - một công ty quy mô nhỏ trong ngành chứng khoán.

Nghi vấn "bán giấy thu tiền thật"

Tập đoàn FLC kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và hàng không, là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều tập đoàn hàng không trên thế giới trong năm qua rơi vào phá sản, thua lỗ nặng.

Về phía Tập đoàn FLC, sau khi ghi nhận khoản lỗ lớn 2.208 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020, thì quý IV đã có cú bẻ lái ngoạn mục khi ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.466 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, lỗ gộp 670 tỷ đồng. Song, công ty bất ngờ ghi nhận doanh thu tài chính lên tới 3.686 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của FLC giảm 16% xuống còn 13.394 tỷ đồng; lỗ gộp 3.246 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2019; doanh thu tài chính tăng 44% lên hơn 5.457 tỷ đồng. Nhờ khoản đột biến này, FLC đã thoát lỗ và báo lãi 183 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, sở hữu của FLC tại các công ty con vẫn giữ nguyên, do đó doanh thu tài chính chủ yếu đến từ việc mua bán chứng khoán của các doanh nghiệp khác.

Việc chuyển lỗ thành lãi của FLC cũng giúp cổ phiếu này “thoát án” và được cấp margin trở lại ngày 12/3. Cũng từ ngày này, cổ phiếu FLC có đà tăng giá dữ dội.

Câu trả lời cho đà tăng giá của FLC đã phần nào được giải đáp trong tờ trình của FLC gửi Đại hội cổ đông hôm 24/3. Cụ thể, FLC sẽ phát hành thêm 498 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ thêm 70% và huy động nguồn tiền cho loạt dự án bất động sản. Để kế hoạch chào bán thành công thì thị giá cổ phiếu cần phải trên 10.000 đồng/cp.

Trước đó, trong hai năm 2018 và 2019, Tập đoàn FLC đều lên kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhưng đều thất bại.

Trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phố Wall cho hay: ông Trịnh Văn Quyết mua vào 15 triệu cổ phiếu trong khoảng từ 4/2-3/3/2021 - lúc giá FLC chỉ xoay quanh vùng 5.000 đồng/cp. Đến 12/3, FLC được HoSE cho phép được ký quỹ trở lại. Sau việc này, nhiều công ty chứng khoán cho FLC được ký quỹ với tỷ lệ thấp, thường là 20-30%, một số cho 40-50%.

“Việc các công ty chứng khoán cho vay margin chỉ góp thêm một dòng tiền để FLC thực hiện các nhiệm vụ theo ý chí của doanh nghiệp. Đối với nhóm FLC trong nhiều năm kể từ khi niêm yết, hầu hết mỗi đợt tăng giá đều gắn với các “game” như bán cho khối ngoại, được vào các quỹ, kéo thị giá lên để vay được nhiều hơn... Bởi với các doanh nghiệp có chỉ số tài chính xấu như FLC thì việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu hầu như là thất bại”, ông Tuyến nói.

Thực tế, trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, có nhiều cổ phiếu bị làm giá, tăng đến một mức nhất định. Doanh nghiệp đó đi vay margin ở các công ty chứng khoán, các đơn vị bảo hiểm nhằm rút phần tiền vay được theo tỷ lệ cho vay là rất dễ thực hiện.

“Khi thị giá kéo càng lên cao, cổ phiếu cùng với tỷ lệ vay margin sẽ được vay nhiều hơn. Đặc biệt là ở các công ty không chặn giá cho vay, khi đó giá càng tăng cao, doanh nghiệp sẽ vay được càng nhiều. Giá cổ phiếu tăng cao, 40% margin của cổ phiếu giá 20.000 đồng cao hơn nhiều mức 40% của giá cổ phiếu 6.000 đồng. Nhóm lợi ích này có thể chuyển cổ phiếu, lưu ký và thực hiện giao dịch. Lượng cổ phiếu cần vay này sẽ được nằm tại công ty chứng khoán cho vay và làm tài sản đảm bảo.

Hay đúng hơn là họ có thể bán từ bên công ty chứng khoán A sang bên công ty chứng khoán B là bên cho vay và rút tiền từ bên A một phần nộp sang bên B. Phần còn dư lại tương ứng với tỷ lệ cho vay chủ doanh nghiệp sẽ rút ở bên công ty chứng khoán bán( bên A)”, ông Tuyến lấy ví dụ.

*Tham khảo: https://vnbusiness.vn/co-phieu/co-phieu-flc-va-cau-chuyen-lan-dot-bien-tren-san-chung-khoan-viet-1077343.html