Quan điểm của tôi là cần cực kỳ thận trọng với việc cổ động cho năng lực sản xuất vaccine Covid 19 của Việt Nam tại thời điểm này.
Vấn đề lớn nhất với sản xuất vaccine trong nước bây giờ là:
a) tác dụng phụ chưa biết sẽ như thế nào nếu không được test trên diện rộng hàng chục nghìn người trong một môi trường có nhiều ca lây nhiễm. Đồng thời, tác dụng phụ có thể xảy ra sau vài năm mà không ai biết;
(Còn ông/bà nào nói “vaccine sinh kháng thể tốt có nghĩa là vaccine tốt” là nói láo và vô đạo đức!)
b) tóm tắt và báo cáo hiệu quả và tác động của vaccine chưa được xuất bản bởi các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (peer-reviewed). Cơ sở khoa học và dữ liệu đánh giá chưa được công bố nên không thể xem được kết quả thật sự đến đâu. Về vấn đề này nếu nhà nước Việt Nam cứ cho phép sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm với các nghiên cứu và ứng dụng khoa học tại Việt Nam: thiếu minh bạch và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.
Đến đi nhanh như các công ty sản xuất vaccine Oxford AstraZeneca, Pfizer, Moderna, J&J đều có xuất bản và chia sẻ kết quả thử nghiệm của mình. Không thể tin những gì không được chia sẻ theo các nguyên tắc công khai và thử nghiệm lại được.
Vaccine không hiệu quả và gây hại sẽ tạo ra làn sóng bài vaccine nếu có chuyện gì xảy ra: Trường hợp của Philippine và Nhật là hai bài học xương máu trong việc không quản lý được chất lượng vaccine dẫn đến hai nước này có văn hoá bài vaccine khá cao. Việc này sẽ có hậu quả dài hạn cho hàng chục năm chứ không chỉ vài năm.
Ai cũng hy vọng Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine để nắm được quyền chủ động, nhưng trong tình huống nguy cấp như này, giải pháp tốt nhất là đi mua vaccine đã được kiểm tra cực kỳ chặt chẽ thay vì mong phát triển năng lực nội địa ngay bây giờ. Đằng nào thì cũng đã quá muộn trong việc có vaccine rồi nên giờ đặt mua còn nhanh hơn sản xuất (vì ngay khi sản xuất thì công suất cũng không đủ). Giải pháp mua là an toàn nhất, không tốn kém quá (do ½ số tiền là doanh nghiệp tài trợ, tự trả và có thể thương mại hoá được rồi).
Còn nếu quyết định đầu tư sản xuất nội địa, thì ngoài những vấn đề y tế trên, trước khi đầu tư, Chính phủ cần phải rà soát, điều tra rất kỹ các doanh nghiệp sản xuất trên một cách độc lập về năng lực của các công ty này: cả về năng lực tài chính, năng lực công nghệ và đạo đức, uy tín kinh doanh của chính người lãnh đạo doanh nghiệp đó;
a) Để đánh giá về tài chính và uy tín kinh doanh, có thể thuê 1 trong 04 công ty kiểm toán lớn Big 4;
b) Để đánh giá về công nghệ có thể thành lập 1 tổ đánh giá công nghệ độc lập bao gồm những chuyên gia công nghệ dược phẩm trong lĩnh vực trên;
c) Để đánh giá đạo đức, uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp thì yêu cầu cơ quan an ninh hoặc công ty tư nhân điều tra độc lập và tham khảo các đối tác làm ăn với doanh nghiệp đó thì biết ngay.
Khi trả lời rõ ràng được 03 câu hỏi trên thì hãy nghĩ đến chuyện phê duyệt!
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu: “Too good to be true”. Có nghĩa là “quá tốt để mà tin là thật”. Các lãnh đạo nhà ta có thể tìm hiểu thêm về chuyện Elizabeth Holmes, đồng sáng lập của công ty Theranos, làm về thử máu, có thời được định giá hàng tỷ đôlla, đã phá sản vì lừa đảo, sau khi đốt hàng trăm triệu đô tiền của nhà đầu tư.
Nếu chúng ta thực sự muốn sản xuất thì có thể đàm phán với Johnson and Johnson, Moderna hoặc Sputnick để mua dây chuyền/công nghệ sản xuất ngay tại Việt Nam. Chẳng việc gì phải rủi ro tạo vaccine nội địa một cách vội vàng cả.
Việc phê chuẩn sản xuất vaccine khẩn cấp sẽ là hành động “tự sát về mặt chính trị” cho người lãnh đạo cao nhất nếu có những chuyện xảy ra về: a) hiệu quả và hậu quả của vaccine; b) rủi ro độc quyền sản xuất dẫn đến lợi ích nhóm mà chính người lãnh đạo cao nhất cũng không biết hay không kiểm soát được.
(Bài viết có tham khảo ý kiến của các chuyên gia về y, dược, và kinh tế. Xin cảm ơn anh BTL đã tổng hợp giúp).
Tác giả: Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch EQuest Education