Các bạn hãy nhìn biểu đồ về chênh lệch GDP giữa Việt Nam và Thái Lan theo giá trị tuyệt đối giai đoạn 1990-2029 ở bên dưới (dữ liệu của IMF).

Cả về GDP và GDP tính theo PPP, hai biểu đồ đều có dạng ngọn núi. Theo dữ liệu và biểu đồ thì ở giai đoạn 1990-2013 chênh lệch GDP theo giá trị tuyệt đối giữa Việt Nam và Thái Lan càng ngày càng lớn. Nhưng khi đến năm 2013 (đỉnh núi) thì chênh lệch giảm dần, khi đến chân núi thì khoảng cách bằng 0 và chuyển sang giai đoạn GDP của Việt Nam vượt lên trên Thái Lan.

gdp-vietnam-vs-thai-lan-1732249673.jpg
 

[1] Về GDP:

Năm 1990 chênh lệch GDP giữa Việt Nam và Thái Lan là 80,3 tỷ USD (Việt Nam 8,2 tỷ USD, Thái Lan 88,5 tỷ USD, cao gấp hơn 10 lần).

Giai đoạn 1990-2013: Chênh lệch GDP giữa Việt Nam và Thái Lan càng ngày càng lớn, tăng từ 80,3 tỷ USD lên 207,6 tỷ năm 2013.

Giai đoạn 2014-2019: Chênh lệch GDP đi gần ngang, từ 207,6 tỷ đi ngang đến 212,1 tỷ USD năm 2019.

Giai đoạn 2019-2029: Chênh lệch GDP giảm rất nhanh xuống 154,2 tỷ (2020), 60,4 tỷ (2024) và đến 2028 thì GDP Việt Nam vượt lên lớn hơn Thái Lan 4,6 tỷ USD, rồi 19,1 tỷ USD (2029).

[2] Về GDP tính theo sức mua tương đương PPP

Năm 1990 chênh lệch GDP PPP giữa Việt Nam và Thái Lan là 160 tỷ USD (Việt Nam 83,8 tỷ USD, Thái Lan 243,8 tỷ USD.

Giai đoạn 1990-2013: Chênh lệch GDP PPP giữa Việt Nam và Thái Lan càng ngày càng lớn, tăng từ 160 tỷ USD lên 419,3 tỷ năm 2013.

Giai đoạn 2014-2029: Chênh lệch GDP PPP giảm dần xuống 234,3 tỷ (2020), 139,7 tỷ (2024), 38,2 tỷ (2026) và đến 2027 thì GDP PPP Việt Nam vượt lên lớn hơn Thái Lan 20,1 tỷ USD và đến năm 2029 thì Việt Nam lớn hơn Thái Lan 153,7 tỷ USD.

Chúng ta có thể vẽ biểu đồ chênh lệch về GDP, GDP PPP giữa Việt Nam với Malaysia, Philippines, cũng sẽ ra kết quả tương tự, chỉ khác là độ dốc của ngọn núi thấp hơn.

Vào năm 2016-2017, chúng ta hay thường nghe nói rằng “mặc dù GDP của chúng ta tăng 6-7% một năm, nhưng số tuyệt đối rất nhỏ và khoảng cách của Việt Nam so với các nước ngày càng xa”, “xét về qui mô, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan, Malaysia tăng tương ứng là 270 và 200 tỷ USD”, “Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Những người nói toàn những người có tên có tuổi, từ lãnh đạo bộ, chuyên gia kinh tế đến cả kỹ sư CNTT.

Giờ đây nhìn biểu đồ chênh lệch GDP Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 1990-2029, các bạn đã thấy nhận định trên sai toét chưa? Vâng nhận định trên chỉ đúng với giai đoạn 1990-2013 và gần đúng với 2014-2019 thôi, còn giai đoạn 2019-2029 thì chậc lấc.

Ngay từ năm 2013 tôi đã biết nhận định “tăng trưởng cao hơn, nhưng số tuyệt đối bé hơn, nên kinh tế Việt Nam càng ngày càng tụt hậu” là nhận định sai, rất sai. Bởi vì về mặt toán học thì cứ tăng trưởng cao hơn, duy trì thời gian đủ dài thì khoảng cách tương đối sẽ càng ngày càng thu hẹp và nhất định sẽ đến ngày đuổi kịp. Còn về giá trị tuyệt đối thì đồ thị sự chênh lệch nó có đồ thị hình quả núi, được chia làm 3 giai đoạn:

1) leo núi: chênh lệch càng tăng,

2) đỉnh núi đi ngang

3) xuống núi: chênh lệch giảm dần và cuối cùng là vượt.

Chính vì thế làm về kinh tế vĩ mô, nói về tăng trưởng kinh tế quốc gia dài hạn, so sánh giữa các nền kinh tế nhất định phải dùng toán học, có hiểu biết về toán học, ai không biết về toán thì nên hỏi và nghe các chuyên gia toán họ giải thích cho chứ đừng tự cộng trừ nhân chia rồi phán.