Theo thông tin từ TheElec – trang tin công nghệ của Hàn Quốc, Samsung đang chuẩn bị tái cấu trúc hệ thống sản xuất smartphone toàn cầu của mình. “Mục tiêu chính là chia bớt phần sản xuất tại Việt Nam – cơ sở sản xuất lớn nhất ở nước ngoài của mình, cho các khu vực khác.”
Cụ thể, công suất sản xuất 19 triệu điện thoại thông minh sẽ được chuyển dần từ Việt Nam sang Ấn Độ và Indonesia vào năm tới, TheElec cho biết. Theo kế hoạch, các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ được mở rộng. Samsung có công suất sản xuất điện thoại di động hàng năm là 182 triệu chiếc tại Việt Nam.
Lương lao động tăng
Lương tăng dần theo năm là một trong những lý do khiến Samsung cố gắng đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình. Theo số liệu của Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), một học sinh Việt Nam tốt nghiệp trung học phổ thông làm công việc sản xuất kiếm được mức lương trung bình hàng tháng là 370 đô la Mỹ trong năm đầu tiên tính đến năm 2021, trong khi ở Ấn Độ là 300 đô la Mỹ và Indonesia là 290,50 đô la Mỹ.
Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn có thể thay thế công xưởng toàn cầu Trung Quốc với lực lượng lao động trẻ và chi phí lao động tương đối thấp hơn. Nhưng các công ty sản xuất ngày nay càng ngày càng thận trọng với các khoản đầu tư của họ, vì mức lương tại đất nước 100 triệu dân tiếp tục tăng.
Theo báo cáo của cơ quan xây dựng chiến lược cho các công ty tìm cách vào Việt Nam, mức lương tối thiểu đã tăng ở mức hai con số cho đến năm 2016, nhưng kể từ năm 2017, nó đã tăng lên ở mức một con số. Cơ quan này chỉ ra rằng việc tăng lương liên tục là một rủi ro vì chúng là yếu tố làm tăng chi phí cho các công ty sản xuất.
Phân tán sự tập trung khỏi Việt Nam
Một lý do khác để tái cơ cấu chiến lược kinh doanh điện thoại thông minh là phân tán sự tập trung khỏi Việt Nam. Do số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam ngày càng tăng trong năm nay, Samsung đã phải đóng cửa các cơ sở sản xuất của mình ở đó.
Kim Sung-koo, Phó chủ tịch mảng kinh doanh truyền thông di động của Samsung, cho biết trong cuộc họp hội nghị của công ty về kết quả kinh doanh Quý II 2021 vào tháng 7, "Tại Việt Nam, đã có sự gián đoạn sản xuất ở một số nơi do ngừng hoạt động".
Samsung đang vận hành hai cơ sở sản xuất của Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, sản xuất 182 triệu điện thoại thông minh vào năm 2020, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện thoại di động của Samsung.
Samsung lên kế hoạch đầu tư lần lượt 90 triệu đô la Mỹ và 50 triệu đô la Mỹ để mở rộng dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia. Theo kế hoạch tái cơ cấu này, cơ sở tại Việt Nam sẽ chiếm 50% tổng sản lượng điện thoại thông minh trong năm tới, trong khi Ấn Độ sẽ chiếm 29% và Indonesia sẽ chiếm 6%, TheElec đưa tin.
Áp lực từ đối thủ ngoại
Dự đoán về thị trường điện thoại thông minh năm tới, công ty theo dõi ngành công nghiệp TrendForce cho biết Samsung dự kiến sẽ sản xuất 276 triệu điện thoại thông minh vào năm 2022, tăng 1,1% so với năm 2021.
Công ty phân tích cho biết sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu vào năm 2022 dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch với tổng số 1,39 tỷ điện thoại, nhưng Samsung sẽ khó cải thiện được thị phần của mình do sự cạnh tranh gay gắt với các hãng smartphone Trung Quốc và Apple.
"Samsung sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc tăng thị phần vì hầu hết các sản phẩm của họ không nhắm đến nhu cầu điện thoại phổ thông. Điều này cũng có nghĩa là việc giữ lại thị phần sẽ trở nên khó khăn hơn đối với thương hiệu", công ty cho biết trong báo cáo gần đây. .