Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tuần trước đã quyết định nâng cấp chuỗi dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh của mình tại tỉnh Bắc Ninh trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, nhà máy mới sau khi vận hành dự kiến sẽ cung cấp thêm 10 triệu thiết bị Galaxy Z Fold và 15 triệu thiết bị Z Flip mỗi năm, theo nguồn tin từ The Korea Economics Daily.
Nguyên nhân đằng sau quyết định tăng cường công suất chủ yếu là do nhu cầu ngày một tăng đối với các sản phẩm thiết bị di động trên. Các mẫu thế hệ gập thứ ba của Samsung đã ghi nhận khoảng 920.000 đơn đặt hàng trước tại Hàn Quốc, cao hơn 1,8 lần so với các mẫu Galaxy S21 trước đó. Con số này thậm chí còn lớn hơn ở Trung Quốc với hơn 1 triệu thiếtbị.
Điều tương tự cũng xảy ra ở thị trường Mỹ. Một nguồn tin không chính thức tiết lộ rằng số lượng đơn đặt hàng trước các mẫu gập thế hệ thứ ba đã vượt quá doanh số của các mẫu gập thế hệ thứ hai từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả nhà máy sản xuất các mẫu điện thoại mới nhất đều đang hoạt động hết công suất. Và Samsung không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng các cơ sở hiện tại mà họ dự định thêm ba dây chuyền sản xuất vào bảy dây chuyền sản xuất đang vận hành nhằm mục đích cải thiện doanh số và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng điện thoại thông minh cũng một phần là hệ quả của COVID-19 vốn đã thúc đẩy doanh số bán các thiết bị công nghệ trong gần hai năm.
Thị trường di động toàn cầu tăng trưởng với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 19% trong giai đoạn 2020-2024. Trong số này, sản lượng tiêu thụ tăng với tốc độ 3,9% mỗi năm, theo Euromonitor.
Nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường cũng dự báo doanh số điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ CAGR là 7,4% trong giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quyết định của Samsung có thể là một áp lực nặng nề đối với hàng trăm nhà cung ứng nội địa. Hiện tại, phần lớn trong số họ đang chật vật với chiến lược ba tại chỗ để duy trì hoạt động.
Thành Long JSC, nhà cung cấp bảng mạch in của Samsung, vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh kể từ khi dịch bệnh xuất hiện lần đầu vào năm ngoái. Trong năm 2019, công ty địa phương ghi nhận doanh thu là 740 tỷ đồng (32,17 triệu đô la) và cho biết là đang "tăng trưởng vượt bậc". Các nhà cung cấp khác như Công ty CP Tiến Thành, Công ty CP Hỗ trợ Công nghiệp Minh Nguyên, Bao bì Goldsun cũng giữ im lặng về tình hình hoạt động suốt gần hai năm trở lại đây.
Các khu công nghiệp Bắc Ninh, nơi định cư của một số lượng lớn đối tác của Samsung, đang đối mặt với nhiều khó khăn khi một vụ lây nhiễm mới tại đây đã được phát hiện cách đây vài tuần. Điều đó có thể khiến nỗ lực phục hồi suốt ba tháng vừa qua của cụm khu công nghiệp trở nên công cốc.
Khu vực Bắc Ninh vốn vẫn chưa thể trở lại bình thường kể từ sau đợt lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng vào cuối tháng 5. Vài tuần sau kể từ đó, tình hình tạm thời được kiểm soát cho đến khi ca nhiễm mới nhất được phát hiện.
Sự khó khăn đối với chuỗi cung ứng trong nước cũng được phản ánh qua việc Samsung đang tuyển dụng hàng nghìn lao động tại Việt Nam cách đây vài ngày.
Ông Hong Sun, Phó chủ tịch KORCHAM cho biết, những tác động chuỗi cung ứng của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam là khó tránh khỏi. “Các công ty lớn liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp cấp thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Vì vậy, chỉ cần một vài trong số họ bị gián đoạn hoạt động, khâu sản xuất các sản phẩm cuối cùng cũng bị ảnh hưởng theo.”
AmCham cho biết nhiều thành viên của hiệp hội đã ngừng hoạt động vào giữa tháng 7, và chỉ một số ít trong số họ đang duy trì việc triển khai ba tại chỗ nhưng vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn to lớn.
Trong đợt thông tin hồi cuối tháng 8, Bộ Công Thương cho biết sự phục hồi của chuỗi cung ứng nội địa đang phụ thuộc vào diễn biến trên toàn cầu. Với sự gián đoạn được gây ra bởi biến thể Delta ở khắp châu Á, Việt Nam có thể phải đợi đến năm 2022 để biết được khả năng phục hồi có thể xảy ra hay không.