Series bài viết “Cá mập thứ 6” là chuỗi bài viết phân tích từng case cụ thể trong Shark Tank, dưới góc nhìn của Shark, để khán giả hiểu rõ những phân tích đầu tư, lý do quyết định của các Shark. Từ những phân tích kinh doanh, mỗi CEO, doanh nghiệp sẽ rút ra được bài học riêng cho bản thân.

Công ty Cổ phần Công nghệ ECRM.VN – đơn vị sở hữu nền tảng quản lý bán hàng online Nobita.pro, kêu gọi 500.000 USD cho 7% cổ phần. Startup này gây ấn tượng mạnh trên Shark Tank Việt Nam mùa 4 khi khiến 4/5 “cá mập” đưa ra lời đề nghị đầu tư. Chưa kể, hai nhà sáng lập còn có màn mặc cả lên xuống, làm cho Shark Phú và Shark Bình phải khẩu chiến để tranh giành.

Cuối cùng, thương vụ này thành công với sự tham gia của 2 Shark: Shark Bình đầu tư 400.000 USD cho 15%, Shark Phú đầu tư 100.000 USD là khoản chuyển đổi với discount 25% so với định giá vòng sau.

Dưới đây là bài Review chốt deal thương vụ theo Góc nhìn của Cá mập thứ 6.

________________________________________________

photo1626028091441-1626028091624212908449-1626145835.jpg
 

CEO: Xin chào các Shark, tôi đến đây kêu gọi $500k đô cho 7% cổ phần của công ty. Định giá công ty hiện tại pre-money là $6.64 triệu đô ($500k/7*100-$500k), khoảng 152 tỷ VND.

Shark Linh: Điều gì khiến sản phẩm của em đặc biệt, khác các đối thủ?

CMO: Sản phẩm giúp những người bán hàng nhỏ lẻ có hệ thống chăm sóc khách hàng như những “ông lớn”. Hiệu quả giảm 15% tỉ lệ hoàn hàng. Khách hàng chỉ dùng một sản phẩm có thể tích hợp rất nhiều tính năng thay vì phải sử dụng vài ba sản phẩm một lúc.

Shark Bình: Nhưng thị trường của em sẽ bị thu nhỏ khi hình thức thanh toán POD (Thanh toán khi nhận hàng - paid on delivery) bị thu hẹp lại. Đặc thù kinh doanh ở Việt Nam cũng khác với các nước Đông Nam Á, chưa nói đến thế giới, nên sản phẩm khó đưa ra toàn cầu.

Shark X: Shark Bình nói đúng nhưng chưa đủ. Nhìn vào sự phát triển của bán hàng online quy mô nhỏ ở Trung Quốc, đặc biệt là thông qua livestream, thì thấy rằng thị trường Việt Nam còn lớn và tiềm năng. Tuy nhiên, Trung Quốc có các siêu ứng dụng tích hợp bán hàng, livestream, thanh toán, tư vấn…để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay ở Việt Nam chưa có ứng dụng nào như vậy nên bắt buộc phải bán hàng thông qua các nền tảng mua bán thứ ba nên POD sẽ vẫn tồn tại. Dù một ứng dụng mà có thể tích hợp nhiều tính năng như siêu ứng dụng ra đời ở Việt Nam thì cũng phải mất ít nhất 5 năm để phát triển. Lúc này, các số tiền Shark đầu tư cũng hoàn vốn hoặc thoái vốn êm đẹp rồi.

Shark X: Nobita là một cái tên phổ thông không bị dính bản quyền nhưng cũng dở vì mình không bảo hộ được thương hiệu. Chưa kể ấn tượng hình ảnh Nobita hậu đậu trong tiềm thức khách hàng nếu không biết sử dụng sẽ là con dao hai lưỡi.

Shark Phú: Em nói về số liệu kinh doanh đi!

CEO: Doanh thu tháng gần nhất là 1,6 tỷ đồng, tăng trưởng 15-20%/tháng. Dự kiến doanh thu 2021 đạt 30 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.

Shark X: Vậy tính nhanh lợi nhuận 20% của 30 tỷ đồng là 6 tỷ đồng. Tôi coi bạn là công ty công nghệ với chỉ số ngành P/E là 20. Vậy định giá nhanh công ty 120 tỷ (6 tỷ*20). Đây là định giá công ty theo giả định của các bạn đến cuối năm là đã cao hơn thực tế. Thế nên, định giá công ty 152 tỷ đồng hiện tại của bạn là rất cao.

Shark Phú: Anh đầu tư $500k đô cho 25% cổ phần. Định giá công ty pre money là $1.5 triệu, khoảng 34.5 tỷ đồng. Anh đầu tư con người là chính. $500k mua một đội IT 50 người về. Tính ra mỗi người $10k, cũng rẻ.

Shark Hưng: Anh đầu tư $500k đô cho 35% cổ phần. Định giá công ty pre money là $928k đô, khoảng 21.34 tỷ đồng. Anh chỉ tăng 10% cổ phần nhưng định giá bằng 2/3 Shark Phú. Anh đưa ra điều kiện thoái vốn để chắc chắn là anh sẽ rút được an toàn, không lo bị lỗ.

Shark Linh: Chị đầu tư $500k đô cho 45% cổ phần. Định giá công ty pre money là $611k đô, bằng 2/3 Shark Hưng cho chắc ăn vì chị chưa tin tưởng vào mô hình và sản phẩm công ty.

Shark Bình: Anh đầu tư $500k đô cho 20% cổ phần. Định giá công ty pre money là $2 triệu đô, cao nhất, bằng 1/3 giá mà các em đề nghị nhưng anh có long mạch và gió đông, đúng hệ sinh thái công nghệ.

Shark X: Các Shark đều “ưng cái bụng” tiếc là định giá hơi cao nên các Shark phải lấy cổ phần nhiều. Tuy nhiên, định giá như vậy chứng tỏ công ty cũng nhiều rủi ro.

CEO và CMO xin hội ý.

Shark Phú: Trước khi các em đưa đề nghị để anh nói trước. Anh đề nghị lại $500k đô cho 19% cổ phần, tốt hơn Shark Bình 1%. Nhưng 1% khác biệt ở đây tương ứng $130k định giá công ty đấy.

Shark X: Shark Phú tung đòn hiểm ghê! Các em vừa hết thời gian bàn bạc mà anh lại “quấy rối” kết quả thảo luận. Anh đưa ra giá tốt nhất, chiếm ưu thế thì các em phải nghiêng về ai chắc không cần nói.

CEO: Em muốn định giá công ty cao hơn. Em đề nghị ngoài đầu tư cổ phần thì các Shark có thể cho vay, sau này tiền vay có thể chuyển thành cổ phần, có cam kết KPI.

Shark Phú: Anh chấp nhận đề nghị. $200k cho 7% cổ phần. Như vậy định giá công ty sẽ là $2.6 triệu đô. Còn $300k sẽ cho vay, sau này chuyển đổi thành cổ phần với 30% giảm giá so với định giá lúc đó.

CEO: Em đề nghị Shark Bình đầu tư $400k cho 15% cổ phần, $100k là cho vay chuyển đổi. Định giá công ty $2.26 triệu đô. Em muốn tận dùng đề nghị của Shark Phú để làm đòn bẩy đàm phán Shark Bình.

Shark X: Định giá của Shark Phú là cao nhất nhưng cách của Shark Bình thì công ty lấy được nhiều tiền nhất. Khi không biết chọn cái nào, tốt nhất là lấy cả hai. Shark Phú muốn bỏ ít tiền nhất nhưng có thể lấy được người. Shark Bình sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn nhưng phải có cổ phần để đi đường dài. Vậy để Shark Bình bỏ $400k cho 15% cổ phần, Shark Phú cho vay chuyển đổi $100k an toàn. CEO sẽ có được cả 2 Shark hỗ trợ và cả 2 Shark đều có thứ mình muốn. Sáng tạo khi đàm phán, mở rộng miếng bánh thì ai cũng có phần mình muốn.

CEO: Em đồng ý!

 

--------------------------

Tác giả: Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison