Ngày 24/02/2022 nước Nga húc thẳng vào trụ cột toàn vẹn lãnh thổ bằng cuộc tấn công vào Ucraina để đáp lại việc phương Tây phá vỡ trụ cột phân vùng ảnh hưởng.
Ngày 02/04/2025 tổng thống Trump đạp vào WTO là trụ cột Kinh tế - Tài chính - Tiền tệ bằng Reciprocal Tariffs.
WTO chính thống không ú ớ nổi dù chỉ 1 tiếng. Chiến tranh thương mại thế giới đã chính thức bắt đầu.
Trước 24/02/2022 nhìn Nga-Ucraina thấy kiểu gì cũng đánh nhau dù luôn hy vọng là không. Trước 02/04 thấy kiểu gì ông Trump cũng chơi đòn thuế nhưng không nghĩ là cách ấy.
Ý nghĩa ngày 02/04 không kém 24/02 từ góc độ gây sụp đổ trật tự kinh tế địa chính trị toàn cầu.
Bài viết bàn về vụ thuế đối ứng của ông Trump: nguyên nhân, động cơ, lý luận, cách làm và dự báo.
Chả ủng hộ hay chê bai. Chỉ chủ quan đoán mò.
I. Trụ cột Kinh tế - Tài chính - Tiền tệ toàn cầu vốn đang suy yếu bởi những vấn đề sau
1. Đòn bẩy nợ quá cao gây mất cân bằng [2].
Tốc độ gia tăng nợ quá nhanh. Thị trường vốn và nền kinh tế nói chung như đu đưa cân bằng trên quả bóng nợ: Nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ tiêu dùng. Hệ thống tiền tệ Bretton-Woods được các NHTW sử dụng triệt để bơm đồng tiền dễ dãi phục vụ các mục tiêu chính trị ngắn hạn [3].
Các tay chơi trên thị trường thương mại ngày càng lớn lên và tham gia tác động mạnh mẽ đến cấu trúc nợ toàn cầu. Nhất là Trung Quốc.
Bởi thương mại cũng đóng vai trò quan trọng thổi nợ tăng cao làm mất cân bằng hệ thống tài chính: Vay nợ để chi tiêu không phải để đầu tư nên không mở rộng sản xuất. Dư thừa năng lực sản xuất cần bán hàng nên phải bơm vốn cho bên mua hàng thành chủ nợ. Con nợ ngày càng nợ nhiều, chủ nợ ngày càng cho vay nhiều. Không thấy ngày trả mà phải nuôi nợ. Sự mất cân bằng này, vì vậy, ngày càng lớn lên.
Sự mất cân bằng thương mại và vốn này phản ánh sự kết nối giữa thương mại và tài chính toàn cầu.
Rõ ràng, trật tự tiền tệ mới sẽ phải bằng cách nào đó thay đổi để giảm bớt tất cả những mất cân bằng thái quá này. Chúng ta như đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi đó.
2. Các biện pháp trừng phạt kinh tế bằng công cụ tiền tệ
Ngắt kết nối SWIFT, đình chỉ thanh toán, đóng băng tài khoản quốc gia, cấm vận hà khắc, thiết lập kiểm soát vốn, áp đặt giá trần và áp đặt các loại thuế trừng phạt…. tất cả những việc ấy đã phân mảng chuỗi cung ứng, gây mất niềm tin và làm suy yếu hệ thống Kinh tế - Thương mại - Tài chính - Tiền tệ toàn cầu, chấm dứt toàn cầu hoá.
3. Kỷ nguyên đơn cực của trật tự địa chính trị thế giới chấm dứt.
Tình trạng Mỹ đơn phương quyết định và các quốc gia khác tuân theo… đã kết thúc. Trật tự thế giới hợp tác, đa phương cũng đang chết dần. Thế giới đơn phương theo quy tắc cá lớn nuốt cá bé lên ngôi. Xuất hiện ngày càng nhiều các cường quốc khu vực có tiếng nói quan trọng trong trật tự địa chính trị. Quan hệ Mỹ Trung chiếm spotlight thay quan hệ Tư bản - XHCN trước đây để định hướng các xu thế, thiết lập các liên minh… thứ nhiều người vẫn chưa quen và chưa chấp nhận nổi. Điều ấy đã thay đổi vị thế đồng USD nói riêng và quan hệ tài chính tiền tệ nói chung.
4. Môi trường và các tác động biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu gây các thảm hoạ thiên nhiên: hạn hán, lũ lụt, ngập mặn, nguồn nước, nguồn tài nguyên và đại dịch sẽ ngày càng gây rối loạn thế giới. Môi trường, vấn đề toàn cầu đòi hỏi hợp tác toàn nhân loại, có vẻ đang được nóng vội sử dụng cho cả các mục tiêu chính trị. Trong bối cảnh ấy không nghi ngờ việc dòng vốn năng lượng sẽ được điều chỉnh đáng kể so trước đây.
5. Những bước tiến vũ bão trong công nghệ, như AI hay Blockchain, sẽ có tác động lớn đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả trật tự tiền tệ - tài chính - thương mại - kinh tế.
6. Nước Mỹ, vốn gánh team trật tự tiền tệ - tài chính - thương mại - kinh tế toàn cầu - Trùm của trùm, đang đối mặt một số vấn đề.
a. Trong nước bị chia rẽ và mâu thuẫn xã hội lên cao bởi khoảng cách về trình độ, văn hoá, mức tiếp cận cơ hội, khoảng cách giàu nghèo, các giá trị cốt lõi… ngày càng lớn. Trong khi hệ thống chính trị không hiệu quả trong việc điều tiết. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo độc đoán, cá tính mạnh mẽ và thấu hiểu cảm xúc đám đông… như ông TT Trump.
b. Ngoài nước thì thâm hụt thương mại. Sau WW1 và WW2 nước Mỹ trở thành thị trường và bệ đỡ cho nhiều nền kinh tế như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc v.v phát triển. Trong Chiến tranh Lạnh nước Mỹ cho rằng có thể ứng xử với Trung Quốc như vậy để có thêm đồng minh mới chống Liên Xô. Tuy nhiên kết quả khác mong đợi: Trung Quốc, thành công xưởng thế giới, ào ạt bán hàng sang Mỹ và cùng với EU, Nhật, Hàn, Canada… tạo nên thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ. Không những vậy từ những năm 2000s Trung Quốc còn vụt lớn dậy thành đối thủ tranh giành quyền lực trực tiếp với Mỹ. Như phân tích ở dưới, thâm hụt thương mại dẫn đến hoạt động sản xuất hàng hoá của Mỹ suy yếu, điều này vừa làm giảm công việc của người dân Mỹ vừa đòi hỏi Mỹ phải nhập khẩu các mặt hàng cần thiết từ một số quốc gia mà tiềm năng là kẻ thù như Trung Quốc, để các quốc gia này có nguồn thặng dư tích cốc phòng lương lớn mạnh bằng nguồn tiền thâm hụt của Mỹ. Thâm hụt thương mại trở thành vấn đề lớn của Mỹ.
c. Sự lớn mạnh của các cường quốc khu vực, không chỉ Trung Quốc, sự thay đổi trật tự thế giới đang đặt vị thế No1 của Mỹ trở nên đầy thách thức. Mỹ cần xốc lại tinh thần người dân, cấu trúc lại nền kinh tế và 1 thủ lĩnh rắn mặt để giữ được thế và lực.
Cách ông Trump giữ nước Mỹ an toàn trong bối cảnh sụp đổ trật tự này đã góp phần đạp đổ nó. Các xu thế ấy giúp chúng ta hiểu phần nào những điều đang xảy ra.
II. Động lực và động cơ
TT Trump có thể hấp tấp trong câu chữ số liệu, thô thiển trong đối đáp, không từ nói dối trắng trợn, hạ thấp người đối thoại (đặc trưng của người ái kỷ), mắc những lỗi trẻ con trong phát biểu và thúc đẩy những ý tưởng như điên rồ. Đánh giá đúng hay sai tuỳ quan điểm và góc nhìn.
Nhưng chắc ai cũng thấy ông tư duy và hành động rất mạnh mẽ, mạch lạc và đặc biệt là nhất quán. Vụ thuế má ông càm ràm từ 80s thế kỷ trước.
Ông Trump cho rằng để duy trì vị thế No1 nước Mỹ phải xử lý các lỗi hệ thống nền kinh tế.
Ông tin rằng Chúa Trời đã trao cho ông quyền lực không giới hạn và đang vội vã tạo nên lịch sử: MAGA! Nơi sự vĩ đại được định nghĩa là khôi phục việc làm cho người Mỹ bằng cách mang nhà máy về cho nước Mỹ.
1.Vì sao nước Mỹ nhập siêu kéo dài:
Mất cân bằng thương mại luôn phản ánh sự mất cân bằng trong tiết kiệm và đầu tư.
Cụ thể xem công thức GDP được biểu diễn bằng toán học như sau:
- GDP = C + I + G + (Ex-Im). Trong đó: C: tiêu dùng cá nhân; G: chi tiêu chính phủ, I: đầu tư toàn xã hội, Ex: xuất khẩu, Im: nhập khẩu.
=> (GDP - C) - G - I = (Ex-Im).
- Bổ sung thêm T (T: thuế) cộng và trừ: (GDP - C) - G - I = (GDP - T - C) + (T- G) - I
=> (GDP - T - C) + (T- G) - I = (Ex-Im). (1)
- GDP - T - C = Sp (3) chính là tiết kiệm cá nhân, T-G = Sg (4) là tiết kiệm chính phủ. Cả hai cộng lại là tiết kiệm xã hội: Sp + Sg = S => Sp + Sg - I = (Ex-Im). (2)
(Ex - Im)>0 là xuất siêu còn <0 là nhập siêu.
Xã hội Mỹ bao năm nay là xã hội khuyến khích tiêu dùng. Không có tiền tiêu thì vay mà tiêu. Cả người dân lẫn chính phủ. Không khuyến khích tiết kiệm. Tóm lại là tiêu nhiều hơn sản xuất ra. (Ex-Im)<0 thể hiện: Tiết kiệm Sp thấp, thâm hụt ngân sách Sg thấp… nên cả người dân và chính phủ không đủ nguồn I để đầu tư
Trong khi đó ở các nước như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản… trong nhiều thập kỷ, tiết kiệm nhiều hơn tiêu dùng đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm lên cao. Tiền tiết kiệm không thể được hấp thụ hoàn toàn trong nước nên chảy ra nước ngoài. Chảy vào đâu: tất nhiên Mỹ là ưu tiên No1. Bởi kinh tế Mỹ mạnh, doanh nghiệp minh bạch và tính dự báo cao, thị trường chứng khoán quy mô giá trị lớn, xã hội ổn định, lại có đồng USD là đồng tiền thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, EU v,v sản xuất hàng giá rẻ, bán cho Mỹ và dùng ngoại tệ thu từ bán hàng mua tài sản của Mỹ, hay cho Mỹ vay. Mỹ vay tiền từ các nước trên để chi tiêu, đầu tư.
Càng nhập siêu Mỹ càng nợ nhiều và các nước trên càng thặng dư USD cho Mỹ vay hay đầu tư vào Mỹ.
Mỹ là quốc gia độc đáo trong số các quốc gia công nghiệp có xu hướng thâm hụt thương mại kéo dài (H.1): suốt từ những năm đầu 90s đến nay (sau giai đoạn thặng dư từ những năm 1880 tức cuối thế kỷ 19 gần hết thế kỷ 20). Các cơ hội đầu tư tăng càng nhanh thâm hụt càng lớn. Nước Mỹ từ khi làm bá chủ thế giới đơn cực bắt đầu thâm hụt thương mại.
Sự gia tăng nhanh chóng của đầu tư nước ngoài vào tài sản thực và tài sản tài chính của Mỹ đã giúp tăng trưởng chi tiêu của Mỹ dễ dàng vượt quá tăng trưởng thu nhập.
Tuy nhiên, nếu chi tiêu đó là đầu tư làm tăng năng lực sản xuất của Mỹ và năng lực cạnh tranh của Mỹ thì thâm hụt thương mại trong khoản thời gian nào đó không phải là xấu. Nó trở thành vấn đề nếu đi vay để tài trợ cho tiêu dùng và thu hẹp khả năng đầu tư.
2.Tại sao thâm hụt thương mại có hại cho Mỹ?
Trong ngắn hạn, có vẻ như không có gì đáng lo ngại. Nền kinh tế Mỹ hiện nay khá mạnh. Nhưng kéo dài hơn có thể thành vấn đề:
a. Thâm hụt ngân sách và nợ công cao đang tích tụ sự mất cân bằng đang bắt đầu trở nên không thể kiểm soát được về quy mô. Nước Mỹ thành con nợ lớn nhất thế giới. Đến mức E. Musk phải kêu nước Mỹ đang trên đà phá sản do mất khả năng thanh toán (H.2).
b. Sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi sang kích thích tiêu dùng trong nước của Trung Quốc, đối thủ No1 của Mỹ, cùng năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc đang đổ hàng sang Mỹ, dòng tiền thu được lại cho Mỹ vay hay đầu tư vào Mỹ ngày càng tăng [5].
Khủng hoảng ở châu Âu làm tăng dòng tiền tiết kiệm đổ vào Mỹ sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
c. Nhập khẩu nhiều làm các ngành sản xuất hàng hoá của Mỹ bị thu hẹp, công ăn việc làm của các ngành công nghiệp sản xuất giảm sút, các đối thủ tận dụng cơ hội lớn lên (như đã nới ở I.6.b) tranh giành quyền lực với Mỹ.
d. Phải vay nợ để chi tiêu và đầu tư nên nợ chính phủ và nợ quốc gia Mỹ ngày càng tăng. Khoản mục chi trả lãi trong ngân sách ngày càng lớn một phần bởi lãi suất đang cao (hiện lãi suất bình quân nợ của chính phủ Mỹ trên 4%): chi trả lãi ròng năm 2023 chiếm 13% tổng chi tương đương ngân sách quốc phòng 15%. Mỗi năm thâm hụt ngân sách $2 ngàn tỷ chính phủ Mỹ phải vay để tiêu. Chính phủ Mỹ, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, là doanh nghiệp zombie điển hình [4]: sống bằng vốn vay, cắt là chết, không khả năng trả hết nợ.
e. Trần nợ bị giám sát nên không thể vay vô tội vạ. Dẫn đến đầu tư thấp. Đầu tư thấp sẽ không tạo ra công ăn việc làm: nhân lực, vốn và tài nguyên sẽ luôn là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế.
f. Của đáng tội Mỹ thâm hụt thương mại chủ yếu do nhập nhiều hàng hoá tiêu dùng, không phải dịch vụ. Dịch vụ chiếm hơn 75% GDP và 31% xuất khẩu của Mỹ. Nếu nhìn từ góc độ dịch vụ, tài chính đầu tư, công nghệ cao… là những thứ giúp tạo ra sức cạnh tranh hàng hoá… thì Mỹ thặng dư (H.3). Nên ông Trump mới chỉ đánh thuế HÀNG HOÁ không một đồng thuế DỊCH VỤ. Ai bảo ông ấy dốt nữa đi!
Nhưng (Ex-Im) âm vẫn là âm!
Những vấn đề này đang làm nước Mỹ yếu đi. Câu hỏi: Rõ như thế sao các tổng thống khác không làm? Thứ nhất vì chưa chết ngay, chưa gấp nên cứ bày ra để ông khác hốt. Thứ hai vì dân tuý và tư duy nhiệm kỳ. Thứ ba là bây giờ làm thế là vấn đề nhưng trước làm vậy là đúng để xây dựng nước Mỹ thành ông Trùm thế giới. Ông Trump chê bai các tổng thống từ Biden, Obama đến bao đời trước nuôi dưỡng đối thủ… nhưng các ông tổng thống ấy chưa chắc đã sai. Chỉ là thời điểm khác đòi hỏi hành động khác để duy trì vị thế ông trùm của Mỹ mà thôi.
Tóm lại giờ bệnh đủ nặng. Nên phải làm khác nếu Mỹ muốn duy trì ông Trùm.
3.Là doanh nhân ông Trump thấy rất rõ điều ấy và ông muốn xử lý triệt để căn bệnh zombie của Mỹ.
Mỹ chỉ có thể duy trì vị thế ông Trùm của Trùm, vĩ đại như xưa nếu chữa được căn bệnh trên. Vì sao ông Trump ám ảnh với chuyện cắt giảm thâm hụt thương mại như vậy? Có lý do của nó cả.
Nhìn vào 2 công thức: Sp + Sg - I = Ex - Im; (GDP-T-C) + (T-G) - I = Ex - Im. (3)
Vì là đẳng thức nên tác động vào bất kỳ số liệu vế nào trong (3) sẽ ảnh hưởng đến các số liệu vế còn lại.
Có thể làm gì để tăng đầu tư vào kinh tế tạo việc làm ở Mỹ? Căn cứ các nhận định ở 1. và 2. nhìn vào (3) logic chỉ ra: mỗi 6 cách.
a. Giảm chi tiêu chính phủ G: Cắt giảm chi tiêu của chính phủ để tăng Sg (Sp không dễ tăng vì đó là lối sống của dân Mỹ): ông Trump giao E. Musk thực hiện thông qua các hoạt động của DOGE. Cũng chỉ giảm được phần chi tiêu vận hành chính phủ… chứ động vào phúc lợi xã hội là mất phiếu ngay.
b. Giảm thuế doanh nghiệp (T) nhằm kích thích đầu tư (I) trong nước và theo đuổi chính sách tích cực phát triển sản xuất công nghiệp. Chính sách đầu tiên rõ ràng góp phần làm tăng khoảng cách giàu nghèo, chính sách thứ hai khó thực hiện trong hệ thống chính trị hai đảng. Hơn nữa cả 2 cái này đều cần thời gian.
c. Hạn chế nhập khẩu vốn: điều này gần như không thể thực hiện được về mặt chính trị do phá hỏng vị thế kinh tế Mỹ.
d. Giảm vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ thế giới: khó khăn về mặt chính trị như một biện pháp độc lập, phá huỷ sức mạnh tiền tệ Mỹ tức vị thế ông Trùm và phần lớn không phụ thuộc vào mong muốn của chính Mỹ.
e. Một trong các điểm chi tiêu chính phủ có thể cắt giảm là trả lãi nợ chính phủ. Ông Trump sẽ ép ngày càng mạnh lên FED nới lỏng tiền tệ cắt giảm lãi để giảm lãi chính phủ phải trả khoảng 2-4 lần. (PS. Lãi suất ông Trump nhắm là lãi suất trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm trở lên chứ không hẳn là lãi suất điều hành ngắn hạn).
Nới lỏng tiền tệ làm yếu đồng USD cũng là một mục tiêu của ông Trump để kích thích xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Nhưng FED có tính độc lập nên không hề dễ bảo. Bởi trách nhiệm chính của FED là quản lạm phát. Chính sách thuế và nới lỏng tiền tệ không nghi ngờ gì sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Không gian quyết định hạ lãi suất trở nên hẹp hơn với FED.
f. Áp dụng thuế quan để giảm thâm hụt thương mại (Ex-Im): tăng sản xuất và công ăn việc làm, giảm thuế… để tăng S và I.
Còn cách nào khi Đẳng thức chỉ có chừng ấy biến?
Trong tất cả các lựa chọn có thể ở trên, lựa chọn f. là đơn giản nhất về mặt chính trị, nhanh về hiệu quả lại 1 mũi tên ngắm nhiều đích như dưới đây. Nên ông Trump chọn f.. Mặc dù về bản chất ông đang kết hợp từ a. đến f..
Chưa kể ông Trump có thể bị trói tay bởi cuộc bầu cử Hạ viện năm 2026: cần phải hành động ngay bây giờ. Để đến 2026, nếu thành công (ông Trump tin sẽ thành công) thì sẽ là cơ hội cho ông Trump duy trì vị thế của ngưới được chọn của Đức Chúa Trời dành cho nước Mỹ.
Đó là lý do tôi đoán vì sao ông Trump máu lửa và vội vã với công cụ thuế nhập khẩu như thế.
4. Cơ sở và lý luận khoa học của biểu thuế
Ngay sau khi ông Trump công bố và Bộ Thương mại Mỹ (USTrade) công bố công thức tính thuế và dẫn chiếu 5 công trình nghiên cứu là cơ sở cho mức thuế, tôi đã search và đọc tất cả các công trình trên. Ai quan tâm hãy vào comment: có đủ 5 links. Tôi cũng đọc các nhận xét của các nhà nghiên cứu lẫn không nghiên cứu về công thức của USTrade. Ai cũng chê đủ đường. Tôi cũng chê.
Chê thứ 1 là tham vọng cân bằng thương mại bằng con đường cân bằng song phương Mỹ và mỗi quốc gia là ngớ ngẩn. Do sự chuyên môn hóa khác nhau của các quốc gia, việc cân bằng mọi mất cân bằng song phương không chỉ là không tưởng mà còn là vô nghĩa. Cân bằng phải đa phương: như Việt Nam cán cân thương mại dương với một số nước và âm với một số nước khác. Nhưng tổng hợp là dương.Mỹ thâm hụt âm cũng vậy.
Chê thứ 2 là các công trình này dựa trên các mô hình được xây dựng đơn giản hoá, bỏ qua nhiều biến số nhiễu, nhiều biến số ấy được chuyển thành hằng số. Tôi không có thời gian đọc tất cả các tài liệu 5 công trình này dẫn chiếu và check tính hợp lý của các số liệu. Nhưng có thể hiểu cơ bản và đánh giá phạm vi, miền ứng dụng của các công thức kinh tế dài dòng kiểu này: các số liệu nghiên cứu được mang ra mổ xẻ đối chiếu đôi khi chỉ cho một số nhóm hàng, một số đối tác thương mại song phương cụ thể. Các biến số được giả định là hằng số ấy sẽ phải khác nhau với các đối tác khác nhau, ngành hàng khác nhau. Do vậy về định lượng độ chính xác của chúng không cao, kết quả định tính hơn là định lượng. Nó chỉ ra đâu đó quy mô rào cản cả thương mại lẫn phi thương mại.
Chê thứ 3 là mặc dù thế các công thức từ các công trình nghiên cứu ấy được ông Trump và đồng sự đơn giản hoá tiếp lần nữa đến mức ngớ ngẩn: bỏ bớt biến số, chung hệ số, áp cho mọi đối tác thương mại, tất cả các ngành hàng và dường như cho mọi thời đại. Kéo bảng excel cho mọi quốc gia, vùng lãnh thổ… không sót một dẻo đất nào, kể cả nơi không người ở, để bịt mọi lỗ hổng có thể luồn lách.
Nhắc lại thêm: thuế chỉ áp cho HÀNG HOÁ. Thương mại quốc tế gồm XNK hàng hoá và dịch vụ. Cán cân thương mại Mỹ thâm hụt hàng hoá nhưng thặng dư dịch vụ: Ông Trump cố tình chỉ tập trung vào hàng hóa, lờ đi thực tế quan trọng ấy (H.3). Trong khi 75% nền kinh tế Mỹ là các dịch vụ và dịch vụ (H.4). CNTT, tài chính, truyền thông, công nghệ, phim ảnh và sản phẩm văn hoá… chiếm 30% xuất khẩu Mỹ (H.5). Dịch vụ CNTT, tài chính và công nghệ là quyền lực lõi để sản xuất hàng hoá. Văn hoá, truyền thông, phim ảnh là xuất quyền lực mềm. Nước Mỹ nắm cả 2 loại quyền lực này.
Ông Trump giả ngố quên đi. Mà phàm lờ đi là chỗ ấy có gì đó đối thủ nên quan tâm.
5.Phải chăng ông Trump và USTrade không hiểu hay dốt?
Theo tôi không. Họ cần có cái cớ để đánh thuế. Không có cớ thì họ tạo ra cớ. 5 công trình này được chọn làm cớ. Nên tranh luận đúng sai công thức của USTrade vô nghĩa. Nó được đẻ ra không nhằm giá trị học thuật. Tôi không chê nữa: iệng người sang bảo đúng là đúng thôi.
Tôi ngờ rằng các tác giả của 5 công trình trên đang rất ngạc nhiên khi nghiên cứu của họ được luận và ứng dụng như vậy: kiểu như Đức Chúa Trời ngạc nhiên khi con chiên của Ngài suy luận rằng vì thế giới do Ngài tạo ra để cho con người làm bá chủ nên Quả Đất phải là trung tâm vũ trụ.
(Mà từ góc nhìn mô hình toán học về Vũ Trụ bảo Quả Đất là trung tâm Vũ Trụ cũng chả sai. Kiểu như trên mặt quả cầu điểm nào chả có thể gọi là trung tâm! 😅).
Không chỉ các tác giả 5 bài báo. Giới nghiên cứu kinh tế cũng phát hoảng vì cách làm của TT Trump. Bởi từ góc độ kinh tế:
a. Thị trường không biết tuân lệnh các biện pháp hành chính mà có quy luật riêng;
b. Cạnh tranh là động lực của phát triển.
c. Việc dựng rào cản đóng cửa với phần còn lại của thế giới bằng thuế quan giống như tự bắn vào chân mình lặp lại như thời Smoot–Hawley Tariff Act 1930: vào thời điểm đó, những hành động tương tự đã dẫn đến cuộc Đại suy thoái.
d. Lạm phát sẽ lên cao.
e. Chủ nghĩa cô lập làm mất niềm tin vào nước Mỹ.
f. Thuế quan là rào cản hành chính không có hiệu quả thúc đẩy sản xuất bền vững.
6.Vậy sao ông Trump vẫn làm? Thử đoán suy luận của ông.
a. Ông cho rằng hiện Mỹ đang phải chịu giao dịch thương mại không công bằng: mua nhiều hàng hóa hơn bán ra. Điều này tạo ra sự mất cân bằng cho chính nền kinh tế Mỹ. Thuế là cách hiệu quả nhất “sửa lỗi” mất cân bằng này như nêu tại II.
b. Với chỉ trích thuế cao sẽ dẫn đến lạm phát, thậm chí suy thoái: ông Trump cho rằng sản xuất và việc làm trong nước tăng sẽ bù đắp cho giá cả tăng và vượt qua suy thoái.
c. Đạo luật Smoot-Hawley: năm 1930 Mỹ thặng dư thương mại, tiêu dùng thấp và đầu tư quá cao. Đạo luật Smoot-Hawley đã làm trầm trọng thêm mất cân bằng này. Bây giờ thì ngược lại và kết cục có thể khác. 5 tài liệu USTrade khẳng định quốc gia thâm hụt thương mại sẽ có lợi thế trong cuộc chiến thuế quan. Cuộc chiến thương mại khi ấy trở thành thi nín thở ai hết hơi thì chết trước.
Nghĩa là kể cả khi kết cục dẫn đến suy thoái ông Trump cho rằng các quốc gia có thặng dư thương mại lớn (Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada v.v) sẽ chịu thiệt hại trước, lớn hơn và có thể đổ vỡ. Mỹ chịu thiệt cuối cùng. Kịch bản có thể là Mỹ, sau khi gây ra khủng hoảng toàn cầu, sẽ nổi lên là người chiến thắng.
d. Lầm vậy dễ tuyên truyền marketing bên trong nước Mỹ.
Là doanh nhân có sạn trong đầu, ông Trump hiểu muốn thành công ông cần “bán” cho cử tri câu chuyện marketing hay, đi vào lòng người, dễ nghe… để lấy sự ủng hộ.
Ông đánh vào cảm xúc bằng cách khơi dậy Hoài niệm về huyền thoại của "những năm 50s huy hoàng" khi Detroit là thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô;
Câu chuyện của ông rất dễ hình dung: Thuế làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn => Các công ty sẽ chuyển sản xuất vào Mỹ vì Mỹ là thị trường béo bở nhất thế giới => Công nghiệp sản xuất hàng hoá sẽ phát triển ào ạt => Hàng triệu việc làm sẽ được tạo ra => Nước Mỹ sẽ vĩ đại trở lại! Nếu có khó khăn cũng chỉ ngắn hạn, có thể chịu đựng để con cháu hưởng tương lai tươi sáng. Nghe có vẻ thuyết phục hơn mọi bài giảng kinh tế xám xịt.
Và cuối cùng là sự đơn giản của khẩu hiệu "Nhà máy cho nước Mỹ, việc làm và thu nhập cho người dân”.
Tóm lại đó là chủ nghĩa dân túy và sự đơn giản của các khẩu hiệu. Ông Trump có nghề showbiz mà.
e. Với bên ngoài
Ông Trump là deal maker. Ông thích thoả thuận đàm phán. Vụ thuế này cũng là cớ để “make deal” mà thôi.
Phong cách đàm phán Trump: "Tấn công, tấn công, tấn công".
Tăng mức cược => Tạo thách thức => Giảm giá để đạt được lợi ích tối đa.
Bắt đầu bằng việc nêu ra vấn đề. Không có thì tạo ra. Thổi vấn đề lên thật lớn. Mọi người bắt đầu cãi: lúc đầu ai cũng bảo vô lý và không đồng ý, ai đó cố gắng đáp trả. Nhưng sau chỉ cần ai đó thừa nhận: ừ thì đúng là vấn đề. Và bắt đầu tìm cách đạt thỏa thuận. Sau đó ông Trump đưa ra các điều khoản của mình và các bên đi đến thỏa hiệp. Ban đầu vấn đề là 0, sau đó ông Trump tuyên bố là 10, đối thủ phấn đấu đạt 0 không được thì đàm phán. Cuối cùng họ đạt 5 - và thấy mình thành công. Trong khi đó là thành công của ông Trump.
f. Cuối cùng: cách làm phù hợp phong cách cá nhân ông. Ông thích mình được ứng xử như Trùm để mọi người chạy đến hôn nhẫn ông. Ông thích đóng kịch nơi ông là diễn viên duy nhất, là nhân vật chính còn những người khác chỉ chạy quanh, làm nền cho ông và phải phản ứng trong hoảng loạn. Ông là trung tâm sự kiện.
Ông tạo vấn đề và chờ người khác đến thương lượng. Thực tế đang đúng như vậy. Bên trong các đại gia big techs cúi đầu quy phục xin được hôn nhẫn ông. Bên ngoài hơn 70 quốc gia sắp hàng xin diện kiến. Còn ông thì ngồi 1 chỗ, theo dõi và chờ đợi.
III. Dự báo (Tôi tuyệt đối tưởng tượng theo chủ quan).
1.Bằng thuế ông Trump biến quyền lực người mua thành vũ khí, bên cạnh vũ khí USD và vũ khí nguyên tử.
Ông đang tạo ra một chuẩn mực và cơ chế pháp lý mới sử dụng thuế quan như một vũ khí chính trị. Nếu ai đó cư xử tốt người ấy sẽ được giảm thuế; nếu cư xử tệ thì sẽ không nhận được gì cả. Tuỳ chọn. Lý thuyết trò chơi dự báo rằng sẽ có những quốc gia khôn khéo đi đêm để hưởng lợi. Và ông Trump có các quân bài để kích hoạt điều ấy. Argentina, Israel đã làm điều này. EU, Canada và Mexico có thể là những nước tiếp theo.
2.Không loại trừ ông Trump nhắm nhiều đích và mức thuế kỳ dị ông tính ra một mặt để thương lượng thật, mặt khác để gây ồn ào che đậy những mưu đồ khác.
Khi các “mưu đồ khác” hoàn thành cuộc chiến sẽ dịu đi. Khi ấy một phần đáng kể thuế với rất nhiều đối tác dễ bảo sẽ được nới lỏng sau khi nước Mỹ vẫn sẽ nhận được một vài thứ gì đó cho mình, không chỉ thuế, để đổi lại.
3.Chính sách thuế của ông Trump đang làm lu mờ nhiều vấn đề nóng toàn cầu. Ucraina như không còn ở spotlight? Chuyện gì đang ngầm diễn ra ở đó và nơi khác?
Cuộc đàm phán Nga Mỹ ở Arab Saudi kết thúc không có tuyên bố chung, ngoài các thông báo đơn phương. Không kết quả hay chờ tố hay kết quả quá “tế nhị”?
Đặc phái viên của TT Putin ông Kirill Dmitriev – người từng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, dân tài chính chuyên nghiệp - sang Mỹ và được đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff mới đến nhà ăn tối nói chuyện riêng bất chấp thủ tục ngoại giao. Nói chuyện gì?
Ông Steve Witkoff cũng mới bất ngờ sang Nga gặp TT Putin đàm phán hơn 4 tiếng. Một cuộc gặp bất ngờ, vội vã và không có bất kỳ thông tin nào trước đó.… dù thông thường những cuộc gặp kiểu này lên kế hoạch trước hàng nhiều tuần và truyền thông soi rất kỹ. Sau khi rời Nga, ông Witkoff sẽ đến Trung Đông để đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân mới. Nghe đồn tàu chiến Mỹ đang đổ về vùng Vịnh. Dường như có chuyện nóng.
4.Công cụ thuế này còn là vũ khí đánh thẳng vào Trung Quốc:
Đất nước này trở nên hùng mạnh nhờ đóng góp lớn của thặng dư thương mại tức bằng tiền của người tiêu dùng Mỹ và thế giới (H.6). Nên ngoại trưởng Rubio mới nói: “Họ (Trung Quốc) sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu. Nhưng không thể để điều đó diễn ra với chi phí do chúng ta trả”.
Công cụ thuế thành một công đôi việc: vừa giải quyết căn bệnh zombie như ở trên, vừa đánh vào đối thủ nguy hiểm nhất là Trung Quốc.
Cuộc chiến thuế quan này trước hết nhắm vào Trung Quốc và đồng minh trong quá trình tranh giành vị thế No1 thế giới. Trung Quốc có muốn đàm phán cũng không có cửa... Nên họ buộc phải cương.
5.Nếu ý tưởng của ông Trump thành công, ông sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người sáng tạo ra mô hình thương mại mới tự do và công bằng.
Nhưng nếu không, hậu quả đối với Mỹ và thế giới có thể là thảm khốc và đổ vỡ.
6.Mọi trật tự mới muốn thiết lập phải trải qua quá trình đổ vỡ bởi khủng hoảng và chiến tranh. Xưa nay vẫn vậy mà.
Trong lịch sử nước Mỹ sau mỗi cuộc chiến tranh thế giới lại mạnh hơn. Kể cả khi thất bại với cuộc chiến thuế và thế giới bị suy thoái, theo tính toán, nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng sau cùng, chậm hơn các nước thặng dư thương mại khác. Dự tính II.6.c của ông Trump không phải là hão huyền: nước Mỹ vẫn cơ cơ hội thành “bên thắng cuộc” khi thua cuộc chậm và ít hơn.
7.Nếu trái với kỳ vọng chương trình cải cách của ông Trump thất bại
Quyền lực của phe ông Trump bị suy yếu và ví dụ như phe Biden được bầu làm tổng thống vào năm 2028, thì tôi không tin họ sẽ bỏ hết những cải cách của ông Trump đang thực hiện… như TT Biden đã từng làm khi được bầu, dù có giảm nhẹ.
Do vậy thái độ kiểu: không cần phải leo thang đâu, chỉ đợi 4 năm nữa thôi và ông Trump ra đi... có lẽ sẽ là sai lầm. Cần tỉnh và chủ động hơn.
8.Một dấu hiệu rất quan trọng chính là hành vi giới kinh doanh.
FED và loạt các NHTW lớn, ngân hàng và định chế tài chính đầu tư hàng đầu rút khỏi cam kết Net-Zero, môi trường và giảm mối quan tâm đến ESG.
Các tỷ phú công nghệ như Meta CEO Mark Zuckerberg, Apple CEO Tim Cook, Google CEO Sundar Pichai, Amazon Jeff Bezos v.v. trước chống Trump kịch liệt, nay đã đổi phe và lũ lượt hôn nhẫn ông Trùm mới.
Điều này không xảy ra với nhiệm kỳ trước của ông Trump. Tôi đoán những người này biết chuyện gì đang xảy ra, biết những tiến trình diễn ra trong nhà nước cũng như giới quyền lực Mỹ và tâm trạng của người dân.
Ngược lại ông Trump sẽ phải ngó chừng không để hội này bị thiệt hại. Dư địa để ông hành động khá rộng nếu 2. là đúng. Hiện đám này đã mất tổng cộng gần $1,8 nghìn tỷ kể từ đầu năm và có lẽ đó là lý do ông Trump, thay vì leo thang, đã tạm dừng nhiều mức thuế theo kế hoạch: Ông đã dừng thuế "trừng phạt" cho điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
9.Mọi cải cách và luật lệ có thể bị hủy bỏ.
Bao gồm vụ thuế này nữa… khi đã đạt mục tiêu, lúc chưa kịp gây hậu quả và đã hoàn thành sứ mệnh.
Có khi là vụ thuế này sẽ dịu xuống rất nhanh? Thế giới tuyên bố thắng lợi: mức thuế chấp nhận được. Ông Trump cũng tuyên bố thắng lợi sau khi ép được được thoả hiệp nào đó về thuế và các quyền lợi chính trị, kinh tế trên lưng vài dân tộc quốc gia xấu số. Ai cũng đều AQ chiến thắng. Ông Trump tuyên bố nước Mỹ đã vĩ đại trở lại. Trật tự thế giới sụp đổ, trật tự mới hình thành.
Và có thể nào năm 2028 ông D.J Vance đắc cử tổng thống với vị phó là ông Donald Trump… không nhỉ?
Nguồn: Lý Xuân Hải