profile-bau-duc-ky-8-tu-tuyen-bo-ban-nha-de-trong-cao-su-bau-duc-ban-tat-ca-vi-canh-bac-cao-su-1-1663993087.jpeg

Quyết định làm thay đổi cả sự nghiệp của Bầu Đức

Trước khi gặp “hạn” vào năm 2013, tình hình kinh doanh của HAGL đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ do ảnh hưởng từ nền kinh tế chung. Giai đoạn 2006 - 2008, tập đoàn của Bầu Đức kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh bất động sản, giúp ông “nắm trùm” trong thị trường này. Nhưng bắt đầu từ năm 2010, thị trường nhà đất lao đao, ảnh hưởng đến lĩnh vực mũi nhọn của tập đoàn nên ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu rẽ hướng sang nông nghiệp. Vào thời điểm này, HAGL cũng bắt đầu giảm giá sốc các căn hộ của mình để nhanh chóng xử lý hết hàng tồn kho. Đến năm 2012, Bầu Đức đưa ra một quyết định gần như làm thay đổi cả sự nghiệp của ông và tập đoàn sau này, đó là: rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam để dồn lực tập trung vào nông nghiệp, đặc biệt là cây cao su.

Tại Đại hội cổ đông thường niên của HAGL năm 2013, Bầu Đức tuyên bố sẽ tập trung xây dựng khu phức hợp tại Myanmar và kỳ vọng vào thị trường này chứ không phải ở Việt Nam. Đối với bất động sản trong nước, tập đoàn sẽ thu hồi nợ và thực hiện phần còn lại của những dự án còn dang dở. Chủ tịch HAGL cũng chia sẻ rằng kể từ năm 2013, cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn sẽ xếp theo thứ tự: cao su đóng góp nhiều nhất, mía đường và cuối cùng là dự án bất động sản tại Myanmar. Lời nói của Ba Đức được thể hiện rõ ràng qua kết quả kinh doanh cuối năm 2013, khi doanh thu của bất động sản chỉ còn 247 tỷ đồng so với 2.800 tỷ đồng của năm trước. Tỷ lệ đóng góp của mảng từng là mũi nhọn của tập đoàn chỉ đạt 9% so với 60% của năm 2012, và lợi nhuận chỉ đóng góp 3%.

“Bán nhà cũng trồng cao su”, đây là lời tuyên bố chắc nịch của Bầu Đức trước những nhà đầu tư khi đang tham quan tại rừng trồng cao su ở Lào. Lý do vị chủ tịch này quyết định bán hết bất động sản tại Việt Nam để dồn sức vào cây cao su là vào năm 2011, giá mủ cao su đạt “đỉnh” khi dao động từ 4.000 - 6.000 USD/tấn. Trong khi đó, từ năm 2007, HAGL đã bắt đầu trồng cao su tại Lào và giá mủ cao su lúc này chỉ đạt 1.400 USD/tấn. Tốc độ tăng trưởng cao của loại cây này, cùng với việc giá cao su cao ngất ngưỡng nhưng giá thành theo Bầu Đức ước tính chỉ 850 USD/tấn, nên ông đã quyết định chơi “tất tay”. HAGL trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất chi tiền để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su, được nhập khẩu từ Israel. Đường ống khủng này theo ông chia sẻ là dài đến độ có thể quấn 3 vòng trái đất. 

profile-bau-duc-ky-8-2-1663982897.jpg

Bầu Đức tuyên bố "bán nhà cũng trồng cao su" trước hàng loạt nhà đầu tư tại nông trường cao su

Không chỉ đầu tư cho công nghệ, Ba Đức còn tiết lộ theo kế hoạch năm 2012, tập đoàn sẽ trồng được 51.000 hecta, và bắt đầu từ 2013 sẽ trồng thêm được 50.000 hecta cao su từ quỹ đất có sẵn. Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng được 43.500 hecta, đạt 85% so với chỉ tiêu ban đầu. Cũng trong năm này, tập đoàn bắt đầu gặt hái được thành quả đầu tiên từ cao su với doanh thu 46 tỷ đồng. Sang đầu năm 2013, Bầu Đức tiếp tục nhận được tin vui khi tập đoàn Michelin - một trong những nhà sản xuất lốp cao su lớn nhất thế giới đưa ra đề nghị. Phía Michelin mong muốn được bao tiêu toàn bộ sản lượng mủ cao su được trồng ở Lào với diện tích khoảng 24.300 hecta, chiếm 50% tổng diện tích cao su đang có của HAGL tại cả ba nước Đông Dương. Ngoài ra, Bầu Đức còn tăng cường cho tập đoàn một nhân sự chất lượng là ông Pornchai Lueang - A - Papong, Tiến sĩ Nông nghiệp người Thái Lan làm thành viên HĐQT độc lập. Theo chủ tịch tập đoàn, vị tiến sĩ này là một người rất am hiểu lĩnh vực cao su nên sẽ tư vấn cho HAGL phát triển mạnh mẽ hơn trong việc trồng cây.

“HAGL không sản xuất cao su cho Trung Quốc”, đây là lời tuyên bố của Bầu Đức trong việc lựa chọn chiến lược của mình trong lĩnh vực cao su. Ông cho rằng cao su là loại sản phẩm mà cả thế giới đều có thể sử dụng chứ không riêng gì Trung Quốc. Ông cho rằng thị trường tỷ dân này không có quyền quyết định giá cao su, mà là do thế giới quyết định. Nếu tập trung vào việc sản xuất thị trường dễ tính này thì chất lượng sản phẩm sẽ kém đi, đó là lý do ông bỏ hàng đống tiền để đầu tư công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đó HAGL sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào, sẽ không rơi vào trường hợp bị ép giá như những công ty khác.

profile-bau-duc-ky-8-3-1663983453.jpg

Nông trường cao su của Bầu Đức rộng hàng chục nghìn hecta

Ngoài bán bất động sản để trồng cây cao su, năm 2012, Bầu Đức còn chi khoảng 100 triệu USD để xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu. Trong đó bao gồm: một nông trường mía có diện tích 10.000 hecta, nhà máy tinh luyện đường công suất 120 ngàn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 megawatt và một nhà máy sản xuất ethanol. Chủ tịch HAGL còn tuyên bố sẽ đem 100.000 tấn đường về nước khiến cho Hiệp hội mía đường một phen “hú vía” vì sợ cạnh tranh. Bởi vì khi đó chi phí sản xuất ra một tấn mía đường ở Việt Nam tốn khoảng 1 triệu đồng, nhưng bầu Đức chỉ tốn 240.000 đồng cho sản lượng tương tự. Ông tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ bán đường với giá 13.000 đồng/kg, trong khi đường tại Việt Nam lúc đó rơi vào khoảng 16.000 đồng/kg. Năm 2013, trong khi những người nông dân trồng mía trong nước gặp khó khăn khi giá bán ra còn thấp hơn giá thành sản xuất, thì Bầu Đức đã xin nhập khẩu 30.000 tấn đường của tập đoàn từ bên Lào. Nhưng kết quả là bị Hiệp hội Mía đường ngăn cản vì cho rằng giá thành sản phẩm của HAGL rất thấp, chỉ bằng ½ so với trong nước, nên các công ty sẽ không thể cạnh tranh lại tập đoàn này. Bầu Đức cho rằng lý do ngành mía đường trong nước gặp khó khăn vì lạc hậu, ví dụ: nếu trong nước chỉ có thể làm được sản lượng 80 tấn/hecta, thì nông trường tại Lào của ông có thể cho ra 130 tấn - 180 tấn/hecta. 

Sau những nỗ lực bán hết những ngành khác để tập trung vào cao su và mía đường, Bầu Đức đã có được những thành quả tốt đẹp mặc dù không như mong đợi. Song song với việc doanh thu bất động sản chỉ còn 9%, thì doanh thu từ mía đường cao hơn so với dự tính khi đạt 840 tỷ đồng, chiếm 30% trong tổng thu. Lĩnh vực được Bầu Đức đặt niềm tin và chiếm vốn đầu tư nhiều nhất là cao su thì lại gây thất vọng nhất, chỉ ghi nhận 239 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến 512 tỷ đồng. Tổng mức đóng góp của mảng nông nghiệp trong năm 2013 về doanh thu chỉ chiếm khoảng 39%, nhưng đem lại mức lợi nhuận gộp “khủng” cho tập đoàn khi đạt khoảng 60% trong cơ cấu lợi nhuận của HAGL. Chỉ cần bỏ ra 1 đồng chi phí cho mía đường và cao su, Bầu Đức có thể thu lại 2 đồng lãi, khi mức lãi gộp của hai loại cây lần lượt là 66% và 69%. Đây là kết quả của việc đầu tư số vốn rất lớn cho công tác trồng và chăm sóc, đặc biệt là những ưu đãi của chính phủ Lào dành riêng cho HAGL nên chi phí được đưa xuống mức rất thấp.

profile-bau-duc-ky-8-4-1663983722.jpg
profile-bau-duc-ky-8-5-1663983803.jpg

Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận gộp các mảng kinh doanh của HAGL năm 2013 (Nguồn: Cafebiz.vn)

Sau năm 2013, mía đường tiếp tục thăng hoa, thì mảng cao su bắt đầu chững lại, những con số dự kiến, những kế hoạch doanh thu trăm triệu USD của Bầu Đức gần như đi vào ngõ cụt. Ông bắt đầu chật vật xoay sở vì cao su.

Bầu Đức “lao đao” vì cao su

Bắt đầu từ năm 2014, giá cao su tuột dốc thê thảm, thời điểm giá đạt đỉnh vào năm 2011 khi có lúc gần 6.000 USD/tấn thì nay chỉ còn lại 1.500 USD/tấn. Nguyên nhân là do kể từ năm 2014, giá dầu thô duy trì liên tục ở mức thấp, và 50% cao su được sử dụng trên thế giới chủ yếu là cao su nhân tạo đều được làm từ dầu mỏ. Vì giá dầu thấp dẫn đến giá của cao su nhân tạo vô cùng thấp, khiến cho giá cao su thiên nhiên như của Bầu Đức bắt buộc phải giảm sâu để cạnh tranh. 

Có thời điểm, HAGL đã phải sử dụng đến giải pháp “khoán sản lượng” đối với công nhân cạo mủ để tiết giảm chi phí. Bởi vì khi đó càng làm lại càng lỗ. Cuối năm 2014, doanh thu từ cây cao su của HAGL chỉ đạt 226,7 tỷ đồng, thấp hơn cả năm trước, và chỉ đạt 67% kế hoạch đề ra là 341 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 102 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm trước, biên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 45% so với 69% của năm 2013. Tổng diện tích trồng thì lại rất lớn lên đến 42.500 hecta, nhưng tình thế bắt buộc tập đoàn đã đưa ra kế hoạch sụt giảm kết quả kinh doanh của năm 2015, đặc biệt là lợi nhuận gộp chỉ còn đóng góp 4% trong cơ cấu.

Mặc dù tình hình thực tế rớt giá thê thảm, nhưng Ba Đức vẫn còn lạc quan về tương lai của lĩnh vực này. Ông nói rằng diện tích cao su khai thác chỉ khoảng 9.000ha so với tổng sản lượng 38.000ha, vẫn chưa phải sản lượng cao nhất nên ảnh hưởng chưa lớn. Ông dự báo giai đoạn 2017 - 2018 sẽ tăng giá lên 2.500 USD/ tấn, cùng lúc với thời điểm sản lượng của HAGL đạt đỉnh nên tập đoàn sẽ thu được lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, dường như dự báo của ông chưa thành hiện thực, thì Bầu Đức phải bán gần cả cơ nghiệp chỉ vì cây cao su.

Giai đoạn Bầu Đức bắt đầu rơi vào “nốt trầm” [Đón đọc vào Kỳ 9]